Theo Thương vụ Việt Nam tại Australia, với dân số trên 23 triệu người và dự kiến tăng lên 40 triệu người vào năm 2050, nhu cầu tiêu thụ thủy sản tại Australia tăng đều qua các năm. Ước tính, tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người tại thị trường này đã tăng từ 10kg/năm vào những năm 1990 lên khoảng 25kg/năm hiện nay. Tuy nhiên, mức tiêu thụ này vẫn còn thiếu 40% so với khuyến cáo của các tổ chức về sức khoẻ của nước này. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản của Australia sẽ còn tăng hơn nữa và đây là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.
Do nhu cầu tiêu thụ thủy sản nói chung đã vượt xa khả năng sản xuất, nên hàng năm, Australia nhập khẩu hơn 200.000 tấn thủy sản, trị giá hơn 1 tỷ USD, trong đó Việt Nam là nhà cung cấp lớn thứ ba sau New Zealand và Trung Quốc, chiếm 20% thị phần. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu thủy sản sang Australia đã đạt 88,7 triệu USD, chiếm 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này, tăng 40,7% so với cùng kỳ. Các loại thủy sản được thị trường Australia ưa chuộng là tôm, cá chẽm, cá basa….
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy - Đại diện Thương mại Việt Nam tại Australia cho biết: “Australia là thị trường xuất khẩu thủy sản tiềm năng của Việt Nam. Vấn đề DN cần quan tâm hiện nay là các quy định nghiêm ngặt của nước nhập khẩu về vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn sinh học. Do đó, giải pháp ưu việt nhất là xuất khẩu hàng có chất lượng cao, đồng thời xây dựng hình ảnh sản phẩm của Việt Nam không kém hơn các sản phẩm của Australia. Bên cạnh đó, xuất xứ tốt của sản phẩm nên là trọng tâm chính cần hướng tới, trong đó an toàn thực phẩm, môi trường bền vững, đãi ngộ lao động…, tất cả được minh chứng bằng một giấy xác nhận độc lập sẽ là yếu tố mà DN phải quan tâm. Nếu có thể, nên xây dựng vài câu chuyện về xuất xứ của các sản phẩm địa phương gắn với con người ở đấy bởi “người Australia muốn mua toàn bộ câu chuyện, không chỉ mỗi thức ăn”. Muốn thực sự hiểu thị trường, các nhà cung cấp nên đi thăm và dành thời gian để hiểu người tiêu dùng nghĩ gì và tìm giải pháp phù hợp cho hệ thống bán buôn và bán lẻ. Thiếu các kiến thức này, các nhà cung cấp sẽ gặp khó khăn trong chuỗi cung ứng”.
“DN Việt Nam nên cung cấp các sản phẩm đổi mới có giá trị gia tăng cao hơn là chỉ đơn giản cung cấp các nguyên liệu thô và chủng loại hàng rẻ tiền. Việc này sẽ giúp nâng tầm thương hiệu Việt Nam, xây dựng lòng tin đối với người tiêu dùng và thay đổi nhận thức về việc Việt Nam chỉ cung cấp các sản phẩm rẻ tiền bởi người Australia thường quan niệm hàng rẻ tiền là hàng có chất lượng không tốt” - bà Thúy nhấn mạnh.
Người đứng đầu cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng cho biết thêm: “Mặc dù thời gian qua, chúng ta đã có kế hoạch thúc đẩy xúc tiến thương mại thông qua truyền thông nhưng mới chỉ là kết quả ban đầu. Cần thực hiện đồng bộ các biện pháp khác như ứng dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng, chế biến, đồng thời sớm phối hợp với phía Australia xây dựng một trung tâm kiểm dịch tại Việt Nam được Australia công nhận (như Thái Lan và Ấn Độ đang triển khai).
Đồng quan điểm với bà Thúy, ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, để hàng thủy sản chiếm lĩnh sâu hơn thị trường Australia, DN cần quan tâm đến một số vấn đề. Thứ nhất, Australia có nhu cầu lớn về thủy hải sản, đặc biệt là những mặt hàng họ không sản xuất được như cá tra, cá basa.... Đây lại là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và DN cần chú ý để đẩy mạnh xuất khẩu. Thứ hai, người tiêu dùng Australia rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và tin dùng sản phẩm của những doanh nghiệp sản xuất có trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. DN cần quan tâm đến vấn đề này để hàng thủy sản chiếm lĩnh sâu hơn thị trường Australia.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc đưa hàng thủy sản Việt Nam vào Australia, đầu tháng 8 tới, Thương vụ Việt Nam tại Australia sẽ dẫn đoàn Hiệp hội các nhà nhập khẩu thủy sản và Ban quản lý chợ cá Sydney đi thăm một số trang trại nuôi và chế biến thủy sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, kết hợp tham dự và kết nối DN tại Hội chợ Vietfish ở TP.Hồ Chí Minh. Được biết, Hiệp hội các nhà nhập khẩu thủy sản Australia đại diện cho khoảng 70% nhà nhập khẩu thủy sản vào Australia. Còn chợ cá Sydney là chợ đầu mối giao dịch hải sản lớn nhất Australia và lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau chợ cá Tsukiji Tokyo - Nhật Bản. Giao dịch trung bình hàng năm của chợ đạt trên 14.500 tấn, trong đó nhập khẩu từ nước ngoài mới đạt khoảng 14,6% (số liệu năm 2013), chủ yếu từ New Zealand và Indonesia. Nếu chuyến thăm quan và làm việc tại Việt Nam của đoàn đạt kết quả tốt sẽ góp phần đưa mục tiêu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường Australia vượt 200 triệu USD trong năm 2014.
Ngày 15/2/2014, Hãng truyền thông Australia (ABC) đã đưa tin giới thiệu về tình hình nuôi trồng, chế biến thủy hải sản tại Việt Nam. Lần đầu tiên một bản tin dài 16 phút, đánh giá khách quan, tích cực về quy trình nuôi trồng, chế biến thủy sản và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm của Việt Nam được phát trên kênh truyền hình Australia. Đây là nỗ lực của Thương vụ Việt Nam tại Australia cũng như cơ quan liên quan tại Việt Nam nhằm thúc đẩy xúc tiến thương mại vào quốc gia này thông qua truyền thông.
|