Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2016 Việt Nam đã xuất khẩu sang Thụy Điển 652,1 triệu USD, giảm 8,68% so với cùng kỳ năm 2015.
Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Điển các nhóm hàng công nghiệp, công nghiệp chế tạo, nông sản… trong đó chủ yếu xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp và công nghiệp chế tạo, tuy nhiên trong thời gian này tốc độ xuất khẩu những nhóm hàng này sang Thụy Điển lại suy giảm so với cùng kỳ năm 2015.
Trong rổ hàng hóa xuất khẩu sang Thụy Điển thời gian nay, điện thoại các loại và linh kiện là mặt hàng chủ lực, chiếm 64% tổng kim ngạch, với 383,4 triệu USD, giảm 10,4% so với cùng kỳ, đứng thứ hai là hàng dệt may giảm 3,17%, tương ứng với 47 triệu USD kế đến là máy vi tính sản phẩm điện tử, giảm 36,44%, với 38,7 triệu USD…
Nhìn chung, 9 tháng đầu năm, hàng hóa xuất khẩu sang Thụy Điển đều với tốc độ tăng trưởng âm, chiếm 56,25% trong đó xuất khẩu hàng sản phẩm gốm sứ giảm mạnh nhất, giảm 39,63%, ngược lại mặt hàng với tốc độ tăng trưởng dương chiếm 43,75% và sản phẩm từ sắt thép tăng mạnh vượt trội, tăng 40,42% tuy kim ngạch chỉ đạt 11,3 triệu USD.
Tại Tọa đàm Kinh doanh với thị trường Bắc Âu do Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tổ chức ở Hà Nội mới đây, ông Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch VCCI - nhận định: Các nước Bắc Âu nằm trong top các quốc gia thịnh vượng nhất thế giới, có nền công nghiệp, dịch vụ phát triển, môi trường kinh doanh thuận lợi. Việt Nam và các nước Bắc Âu đã ký kết hầu hết các hiệp định về thương mại, khoa học, kỹ thuật, khuyến khích và bảo hộ đầu tư… Đó là những nền tảng pháp lý thuận lợi cho các DN hai bên hợp tác kinh doanh. Tuy nhiên, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước Bắc Âu hiện còn khá khiêm tốn, mới chỉ đạt khoảng 1,3 tỷ USD/năm. Hầu hết đại diện Đại sứ quán các nước Bắc Âu tham dự tọa đàm đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy DN hai bên khai thác tiềm năng thị trường của nhau, sẵn sàng làm cầu nối tích cực cho DN Việt Nam XK vào thị trường này. Điều DN Việt Nam cần làm là phải đáp ứng các đòi hỏi cao về chất lượng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, kinh doanh có trách nhiệm…
Theo bà Katja Majbom Goodhew - Tham tán thương mại Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam - hiện Đan Mạch đang hưởng ứng phong trào thực phẩm Bắc Âu mới chất lượng cao. Nhu cầu về nông sản, thực phẩm nhập khẩu cũng đáng kể, nhưng người tiêu dùng ở Đan Mạch rất chú trọng thực phẩm sạch, đủ dinh dưỡng, sản phẩm đổi mới, sáng tạo, an toàn sức khỏe và môi trường.
Ông Gustav Dahlin - Bí thư thứ 2, Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam - cho hay, quan hệ hợp tác Thụy Điển - Việt Nam đã chuyển sang giai đoạn chú trọng thúc đẩy thương mại. Đại sứ quán Thụy Điển sẵn sàng làm cầu nối cho DN Việt Nam tìm hiểu thông tin, thị trường, thủ tục, chính sách cũng như các quy định về thương mại để XK vào Thụy Điển và thị trường EU. Điều DN Việt Nam cần lưu ý là người tiêu dùng Thụy Điển cũng có nhận thức rất cao về chất lượng, tác động của sản phẩm đến sức khỏe, môi trường và xã hội.