Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius), đưa ra nhận định trên tại hội thảo “Doanh nghiệp nông thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dưới tác động của biến động kinh tế thế giới 2017” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 7-3.
Theo ông Dũng, không chỉ gia tăng nhập khẩu tôm và lúa gạo, thời gian gần đây Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu cá tra của Việt Nam.
Cụ thể, nếu thời điểm trước năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu cá tra Việt Nam chiếm khoảng 3-5%/tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, thì đến năm 2015 đã tăng lên 10%. Trong năm 2016, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã chiếm đến 18%/tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành và đã vượt qua EU để trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam sau Mỹ.
“Với đà tăng trưởng này, tôi dự đoán năm nay Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, trở thành nhà nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam”, ông Dũng dự báo.
Ông Phạm Minh Thiện, Tổng giám đốc Công ty Cỏ May, cho biết Trung Quốc là thị trường có sức hút rất lớn không chỉ với sản phẩm cá tra, mà còn ở nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản khác như lúa gạo, khoai lang, tôm…
Tuy nhiên, theo ông Thiện, đi đôi với sức hút đó, thị trường Trung Quốc cũng đã tạo ra không ít mối lo ngại đối với sản phẩm nông nghiệp trong nước, nhất là chuyện thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh tiêu thụ rồi đột ngột ngưng mua.
“Hiện nay, cá tra được xuất sang Trung Quốc rất nhiều và dễ dàng, thậm chí khách hàng tìm đến nhà máy để mua bằng tiền mặt. Thế nhưng, tôi đã yêu cầu công ty phải cơ cấu lại doanh số xuất khẩu qua thị trường Trung Quốc, ở mức giới hạn 30-40% nhằm đề phòng một lúc nào đó họ không mua giống như đối với khoai mì, khoai lang”,ông Thiện cho biết.
Nói về thị trường Trung Quốc, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Thành viên của Ủy ban chính sách phát triển Liên hiệp quốc, cho rằng đây là thị trường lớn, đầy tiềm năng với 1,4 tỉ dân và sắp tới nhiều khả năng Trung Quốc sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ hàng hóa nông sản, thủy sản của Việt Nam vào Trung Quốc không đơn giản.
Theo ông Doanh, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc hiện vẫn bị quốc gia này áp thuế 13-17%, trong khi lẽ ra mức thuế chỉ 0-5% như trong cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), trong đó Việt Nam là thành viên. “Trung Quốc áp mức thuế này (13-17%) coi như không còn lợi thế gì cả”, ông nói.
Không chỉ thế, theo ông Doanh, sản phẩm nông sản, thủy sản Việt Nam xuất sang Trung Quốc còn phải chịu cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại của Thái Lan và Malaysia.
Mặt khác, trao đổi hàng hóa sang biên giới Trung Quốc cũng thường xuyên xảy ra rủi ro do thiếu thông tin, ngôn ngữ, thanh toán cũng như việc xác minh năng lực doanh nghiệp đối tác. “Chúng ta quá ngây thơ và cả tin, thấy có thương nhân Trung Quốc qua đây hứa hẹn thu mua nông sản giá cao là sẵn đi thu gom ngay, trong khi chúng ta không biết doanh nghiệp đó là ai, không biết họ ở đâu, có giám sát hay không và tài sản của họ như thế nào”, ông Doanh nêu tthực tế.
Theo ông Doanh, Việt Nam cần có những chuyên gia am hiểu tiếng Trung Quốc, am hiểu các chính sách, cũng như nhu cầu của thị trường Trung Quốc để làm công tác liên hệ với doanh nghiệp. “Đặc biệt, mọi giao dịch làm ăn với Trung Quốc phải thông qua hợp đồng, phù hợp thông lệ quốc tế, có các điều khoản về giao dịch, thanh toán, giải quyết tranh chấp mang tính ràng buộc cao”, ông Doanh khuyến cáo.