Các chỉ số thống kê trong quý I/2017 cho thấy, có 6 thị trường, nhóm thị trường có vai trò quan trọng đối với quy mô và tốc độ tăng/giảm xuất/nhập khẩu của cả nước là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Quý I/2017, 6 thị trường, nhóm thị trường chính của Việt Nam có quy mô khá lớn, với kim ngạch xuất khẩu 34,2 tỷ USD, chiếm 78,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; kim ngạch nhập khẩu 36,6 tỷ USD, chiếm 80,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Đi vào từng thị trường, nhóm thị trường có thể nhận diện được thế mạnh và sự chuyển dịch đáng quan tâm.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Thế nhưng, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ quý I năm nay chỉ đạt 4,1% - bằng 1/3 tốc độ tăng chung. Trong khi đó, tốc độ tăng kim ngạch nhập khẩu lại rất cao (lên đến 32,1% - cao gấp rưỡi tốc độ tăng chung). Do vậy, xuất siêu của Việt nam sang Hoa Kỳ đã giảm so với cùng kỳ năm trước (6,4 tỷ USD so với 6,7 tỷ USD).
Trong quý I/2017, hàng dệt may của Việt Nam là mặt hàng chủ lực xuất sang Hoa Kỳ, chiếm 31,4%, kế đến là giày dép chiếm 12,3% và gỗ, sản phẩm gỗ chiếm 7,9%... tổng kim ngạch.
Đáng chú ý, quý I/2017 xuất khẩu máy ảnh máy quay phim và linh kiện sang Hoa Kỳ tăng mạnh vượt trội, tăng 554,62%, tuy kim ngạch chỉ đạt 7,9 triệu USD, kế đến là cao su tăng 94,18%, đạt 15,6 triệu USD, ngược lại xuất khẩu hạt tiêu lại suy giảm mạnh, giảm 35,39%, tương ứng với 65,6 triệu USD.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), sau hơn 20 năm bình thường hóa quan hệ, hiện Việt Nam là đối tác thương mại xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa và xếp thứ 36 về nhập khẩu hàng hóa của Hoa Kỳ.
Tăng trưởng thương mại giữa hai nước đạt trung bình trên 25% mỗi năm. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ luôn duy trì mức thặng dư lớn. Năm 2016, xuất siêu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt hơn 29,7 tỷ USD.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Hoa Kỳ khá thần tốc. Năm 2001, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này mới đạt 1 tỷ USD, đã đạt 38,46 tỷ USD năm 2016 và có thể đạt trên 40 tỷ USD vào năm 2017.