Thứ sáu, 01/11/2024 - 09:30:21

Online: 524
Lượt truy cập: 6415821
Sản phẩm: 170
Chào hàng: 95
Thành viên: 83
Thành viên mới: HTX DVNN Bình Hàng Tây

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thị trường nước ngoài

Những cửa ngõ giúp tăng cường hàng hóa Việt Nam tại thị trường EU (04/04/2012)

Văn phòng Đại diện Cục Xúc tiến thương mại tại TP. Hồ Chí Minh (Vietrade) mới đây đã tổ chức nói chuyện chuyên đề về các thị trường lớn tại EU, đặc biệt có đề cập tới các cửa ngõ như Hà Lan, Italia… giúp DN Việt thâm nhập sâu vào thị trường EU.

Theo ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường EU, với DN trong nước việc tạo ra một sản phẩm và đưa sản phẩm vào một nước EU, đồng thời thích ứng với 26 nước còn lại là một thách thức không nhỏ. Sức cạnh tranh hàng hoá tại EU vô cùng khốc liệt. Vì không là thị trường xuất khẩu của riêng Việt Nam mà EU còn là thị trường của nhiều nước khác và sự cạnh tranh của bản thân các DN trong khối EU, nhất là các DN thuộc các nước Đông Âu mới gia nhập EU.
Người dân EU rất nhạy cảm với các tác động tiêu cực gây ra từ việc sử dụng hàng hoá Vì thế EU đã áp dụng nhiều quy định khắt khe như Quy định về hoá chất Reach, Quy định về Tracy truy nguyên nguồn gốc, Quy định về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và quản lý IUU, đẩy mạnh việc thực hiện Luật nghề rừng … lên hầu hết các sản phẩm nhập khẩu.
Do suy thoái kinh tế, thị trường EU đang giảm mãi lực, người dân và Chính phủ các nước thành viên EU đang thắt chặt chi tiêu nên đơn hàng từ EU có phần sụt giảm số lượng. Đã xuất hiện một số DN EU chậm trả tiền hàng, thậm chí sau khi nhận hàng tuyên bố phá sản. Khủng hoảng cũng khiến chủ nghĩa bảo bộ tại EU gia tăng, vì thế việc tăng trưởng quá nhanh một mặt hàng vào EU sẽ khiến EU tiến hành các biện pháp tự vệ, chống bán phá giá. Khủng khoảng cũng khiến EU có xu hướng giảm nhập thành phẩm, tăng nhập sản phẩm thô để chế biến tại chỗ.
Nên sử dụng các cổng vào lớn của EU
Chọn phương thức thuận tiện để thâm nhập thị trường EU trong tình hình mới là điều vô cùng quan trọng. Các chuyên gia EU khuyên DN nên chọn các quốc gia có nhiều điều kiện thuận lợi để làm bước đệm thâm nhập sâu vào EU, đơn cử như Hà Lan và Italia.
Theo ông Jos Schellaars, Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại TP. Hồ Chí Minh, DN Việt Nam có thể qua cửa ngõ Hà Lan để tăng cường sự có mặt tại thị trường EU. Vì dù chỉ có 16 triệu dân nhưng hạ tầng giao thông của Hà Lan có thể hỗ trợ hàng hoá đi khắp EU. Hà Lan có nhiều kho ngoại quan lớn, có cảng biển Amsterdam lớn nhất EU, sân bay lớn thứ 4 EU. Hà Lan đang có đến 57% các trung tâm trung chuyển trong tổng số các trung tâm trung chuyển phân phối của EU, có 53% công ty tại EU mở văn phòng đại diện, có rất nhiều công ty đa quốc gia chọn làm địa điểm để xuất hàng vào EU. Tại EU, Hà Lan là một đất nước nhỏ nhưng được xem  là một DN lớn, một cửa ngõ quan trọng vào EU, ông Jos Schellaars cho biết.
Bà Bruna Santarelli, Trưởng Đại diện thương vụ Italia thuộc bộ phận XTTM Đại sứ quán Italia tại Việt Nam cũng chia sẻ 54 DN và 27 văn phòng đại diện của DN Italia tại Việt Nam hiện nay sẽ là cầu nối tốt cho DN Việt Nam mang hàng vào Italia và sâu vào EU…. Với gần 5 triệu DN vừa và nhỏ, DN dạng gia đình hoạt động năng động và thường gom lại thành cụm riêng từng ngành nghề rất thích hợp trong việc hợp tác với DN vừa và nhỏ Việt Nam để sản xuất hàng tại chỗ, hay xuất vào nước thứ ba trong EU. Thương vụ Italia và bộ phận XTTM của Đại sứ quán Italia tại Việt Nam cũng đang tích cực cung cấp nhiều dịch vụ miễn phí giúp DN Việt Nam mở rộng hoạt động tại Italia. Các dịch vụ có thể kể đến là cung cấp danh sách các công ty Italia theo yêu cầu của DN, đăng tải yêu cầu của DN Việt Nam trên trang Web của Thương vụ, tổ chức các buổi giao thương song phương để các nhà nhập khẩu Italia đến tiếp cận trực tiếp các nhà sản xuất Việt Nam, cung cấp thông tin các nhà xuất khẩu Việt Nam cho DN Italia….
Về phía Việt Nam, để tăng cường hỗ trợ DN xuất hàng sang EU, ông Quân khẳng định Chính phủ đang đẩy mạnh công tác XTTM, quảng bá thông tin, phổ biến các quy định của EU đến DN, đẩy mạnh công tác tham vấn với EU để tháo gỡ khó khăn cho DN. Các Bộ ngành liên quan cũng đang tích cực nghiên cứu và đề xuất các biện pháp thúc đẩy quan hệ thương mại song phương, kể cả việc đàm phán FTA với EU (triển vọng sẽ sớm khởi động trong tháng 6/2012). Các tổ chức XTTM, Thương vụ Việt Nam tại EU sẽ liên hệ với các Hiệp hội ngành hàng để đưa hàng trong nước vào các chuỗi phân phối tại EU, vào các chuỗi siêu thị do người Việt làm chủ.  
Cũng theo ông Quân các DN phải tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường EU. Phải xác định mục tiêu kinh doanh lâu dài, tránh mọi hành vi gian lận thương mại. Để dễ thành công, ngoài các kênh hỗ trợ từ Chính phủ, DN nên tìm cách xâm nhập sâu vào các chuỗi phân phối của EU, vì hình thức kinh doanh theo chuỗi đang phát triển mạnh tại đây.
  • Nguồn tin: www.ttnn.com.vn
  • Thời gian nhập: 04/04/2012
  • Số lần xem: 1792