Trao đổi thương mại Việt Nam- Tây Ban Nha trong những năm gần đây liên tục tăng nhanh, trong đó Việt Nam luôn ở thế xuất siêu lớn. Năm 2010, kim ngạch Việt Nam xuất sang thị trường này đạt 1,1 tỷ thì sang năm 2011, con số này đã tăng thêm 39,96% tương ứng với 1,55 tỷ USD. Sang năm 2012, 2 tháng, thị trường này đã thu về cho Việt Nam 275,98 triệu USD, tăng 34,43% so với cùng kỳ 2 tháng năm 2011.
Đối với thị trường này, do có những vùng khí hậu rất lạnh nên nhu cầu về hàng may mặc mùa đông khá lớn, ngoài ra nhu cầu về các mặt hàng như giày dép, đồ gia dụng, thủy hải sản… cũng khá cao. Đây cũng là thuận lợi của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này.
Tuy nhiên, để việc xuất khẩu hiệu quả, đàm phàn được thành công, thì văn hóa kinh doanh tại mỗi quốc gia cũng những nét riêng biệt, mà doanh nghiệp cần tìm hiểu trước khi hợp tác.
Tại Tây Ban Nha, ngôn ngữ chính thức là tiếng Castilian( chiếm 74%), ngoài ra còn các các ngôn ngữ theo từng vùng: Catalan (17%), Galician (7%), Basque (2%). Để đàm phán với doanh nghiệp Tây Ban Nha, doanh nghiệp nên thuê phiên dịch viên để tránh trường hợp đối tác hiểu nhầm là không tin tưởng họ.
Giao tiếp tại đây thường là gián tiếp. Người Tây Ban Nha rất cẩn trọng lời nói và cách nói, thường không đi thẳng ngay vào vấn đề. Trong những tình huống khó, hay tìm sự trợ giúp từ những phiên dịch viên, để tránh sự hiểu nhầm không đáng có trong giao tiếp. Khi người Tây Ban Nha vỗ nhẹ vào tay hoặc vai khi trao đổi đây là biểu hiện thân thiện, nên đón nhận nó, nếu tránh xa sẽ gây ra cho người Tây Ban Nha hiểu lầm và cho rằng bị xúc phạm, khiến đối tác không thoải mái. Người Tây Ban Nha thường che giấu sự tức giận bằng nụ cười.
Hầu hết, người Tây Ban Nha thường thích thương lượng và mặc cả. Nếu doanh nghiệp không nhiệt tình tham gia sẽ khiến họ nghi ngờ và thiếu tin tưởng. Tuy nhiên, họ thường quan tâm đến kết quả chung chứ không thích thương lượng từng điểm nhỏ. Giá khởi điểm so với giá lúc kết thúc hợp đồng thường chênh nhau khoảng 40%. Doanh nghiệp nên lường trước những mức giá đối tác có thể đưa ra và chuẩn bị những mức giá mà doanh nghiệp có thể đáp ứng được. Khi đối tác không nhượng bộ, doanh nghệp cần giữa thái độ điềm tĩnh, kính trọng và tránh đối đầu, tiếp tục thỏa thuận để đưa ra mức giá phù hợp nhất cho hai bên.