Thứ sáu, 01/11/2024 - 09:27:30

Online: 511
Lượt truy cập: 6415775
Sản phẩm: 170
Chào hàng: 95
Thành viên: 83
Thành viên mới: HTX DVNN Bình Hàng Tây

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thị trường nước ngoài

Tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Ma-rốc (11/10/2013)

Ma-rốc nằm ở Bắc Phi, phía bắc là Địa Trung Hải, phía đông giáp An-giê-ri, phía nam giáp Tây Sahara và phía tây là Đại Tây Dương. Do nằm giáp eo biển Gibralta là điểm ngắn nhất ngăn cách châu Âu với châu Phi nên Ma-rốc có một vị trí địa-chính trị quan trọng ở khu vực Bắc Phi.

Ma-rốc có thủ đô là Rabat nhưng trung tâm kinh tế lại nằm ở thành phố Casablanca, cách Rabat 100km. Ma-rốc có diện tích 446.550 km2, dân số 32,31 triệu người (năm 2013). Tiếng A-rập là ngôn ngữ chính thức, tiếng Pháp là ngôn ngữ trong thương mại và ngoại giao, ngoài ra còn có tiếng địa phương Béc be. Đơn vị tiền tệ: Đồng Đi-ham (DH) (1 USD = 8,865 DH)
Về tôn giáo, đạo Hồi là quốc đạo chiếm 98,7%. Ma-rốc theo chế độ Quân chủ. Vua là người đứng đầu Nhà nước. Thủ tướng đứng đầu Chính phủ. Cơ quan lập pháp là Quốc hội gồm Thượng viện có nhiệm kỳ 9 năm và Hạ viện có nhiệm kỳ 5 năm.
Về khí hậu, miền Bắc có khí hậu Địa Trung Hải. Mùa hè nóng và khô. Mùa đông ấm và ẩm ư¬ớt. Miền Nam và phần lớn vùng nội địa có khí hậu sa mạc khô cằn và khí hậu nhiệt đới.
Từ khi lên ngôi năm 1999, Vua Mohammed VI đã chủ trương xây dựng một nền kinh tế ổn định với tốc độ tăng trưởng cao, lạm phát thấp và giảm dần nợ chính phủ. Những chiến lược phát triển công nghiệp và cải thiện cơ sở hạ tầng như xây dựng một cảng mới và thành lập khu vực tự do mậu dịch gần cảng Tanger đang giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của Ma-rốc. Những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế là nông nghiệp, du lịch, phốt phát, dệt may, máy móc và thành phần điện tử.
Năm 2006, Ma-rốc đã ký FTA với Hoa Kỳ và vẫn là quốc gia châu Phi duy nhất ký với Mỹ một Hiệp định tự do mậu dịch. Năm 2008, Ma-rốc cũng ký một Thỏa thuận về quy chế thương mại ưu đãi với EU. Mặc dù có những tiến bộ về kinh tế của Ma-rốc, nước này vẫn chịu tỷ lệ thất nghiệp và nghèo đói cao. Năm 2011, 2012, sự tăng giá dầu lửa, mặt hàng mà Chính phủ Ma-rốc gần như hoàn toàn phải nhập khẩu và trợ giá đã làm thâm hụt ngân sách quốc gia. Những thách thức kinh tế của Ma-rốc hiện nay là đấu tranh chống tham nhũng, giảm chi tiêu Chính phủ, cải cách hệ thống giáo dục và tư pháp, xây dựng các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao hơn và đa dạng hóa hơn.
Về tài nguyên, Ma-rốc có trữ lượng phốt phát lớn nhất thế giới với 54,5 tỷ tấn (sản xuất khoảng 20 triệu tấn/năm, trong đó xuất khẩu 10 triệu tấn), ngoài ra có sắt, măng gan, chì, thiếc, muối.
Năm 2012, GDP đạt 97,17 tỷ USD, tăng trưởng GDP chỉ đạt 2,9% trong khi chỉ tiêu Chính phủ đề ra là 5% do giảm giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp. GDP bình quân đầu người khoảng 3000 USD/năm. Tỷ lệ lạm phát là 1,4%.
Trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm 14,6%, công nghiệp 32,8% và dịch vụ 52,6%.
Về ngoại thương, năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu của Ma-rốc đạt 22,23 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm có phốt phát và phân bón, hàng dệt may, thực phẩm và đồ uống, khoáng sản, thành phần điện tử, bán dẫn, sản phẩm dầu lửa, trái cây có múi, cá. Các bạn hàng chính là Pháp, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Braxin, Mỹ.
Kim ngạch nhập khẩu của Ma-rốc năm 2012 là 42,49 tỷ USD. Mặt hàng nhập khẩu chính gồm dầu thô, hàng sơ chế, trang thiết bị viễn thông, thực phẩm và đồ uống, hàng tiêu dùng, nhiên liệu, điện. Các bạn hàng chính là Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ. A-rập Xê-út, Trung Quốc, Ý và Nga.
Đáng lưu ý là cán cân thương mại hàng hóa của Ma-rốc vẫn bị thâm hụt kinh niên, kim ngạch xuất khẩu nhìn chung chỉ bằng 40% - 50% kim ngạch nhập khẩu. Nguyên nhân thâm hụt thương mại của Ma-rốc là do hàng năm nước này phải nhập khẩu một khối lượng lớn các sản phẩm nhiên liệu và máy móc thiết bị, chủ yếu là các loại hóa chất, chất dẻo nhân tạo, xe con và phụ kiện, dược phẩm, vi, hàng điện tử, lúa mì, đường, sữa, cà phê, chè, thuốc lá. Ngoài ra, hàng năm Ma-rốc phải nhập hầu như toàn bộ nhu cầu trong nước về dầu mỏ và khí đốt. Ma-rốc xuất khẩu chủ yếu là thực phẩm và đồ uống, hàng đã sơ chế, hàng tiêu dùng, phốt phát.
Trao đổi thương mại Việt Nam – Ma-rốc
Việt Nam và Ma-rốc lập quan hệ ngoại giao từ ngày 27/3/1961. Hai nước đã có Đại sứ quán tại thủ đô của nhau. Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc đặt tại thành phố Casablanca, trung tâm kinh tế của nước này.
Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao. Về phía Việt Nam có đoàn Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An thăm Ma-rốc (2005), Đoàn Thủ tướng Phan Văn Khải (2004). Về phía Ma-rốc có đoàn của Chủ tịch Hạ viện (2003), Thủ tướng Ma-rốc (11/2008).
Hai nước cũng đã thành lập Uỷ ban hỗn hợp liên chính phủ.
Việt Nam và Ma-rốc đã ký nhiều biên bản thoả thuận trong đó có Hiệp định thương mại (2001), Hiệp định khung hợp tác kinh tế, văn hoá, khoa học và kỹ thuật, Nghị định thư hợp tác giữa 2 Bộ Ngoại giao, Hiệp định về miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và đặc biệt, Bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp, Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với Liên đoàn các Phòng Thương mại và Công nghiệp Ma-rốc, và Thỏa thuận hợp tác giữa VCCI với Tổng Liên đoàn giới chủ Ma-rốc (2004), Hiệp định hợp tác giữa Thông tấn xã Việt Nam và Hãng thông tấn A-rập Maghreb (MAP) của Ma-rốc (2008), Hiệp định tránh đánh thuế hai lần Việt Nam – Ma-rốc (2008). Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực du lịch (2012).
Về quan hệ thương mại, trao đổi giữa hai nước những năm gần đây có sự tăng trưởng mạnh, nhất là xuất khẩu của Việt Nam sang Ma-rốc. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã tăng gấp đôi so với năm 2011, đạt 81 triệu USD đưa Ma-rốc trở thành một trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi. Các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là cà phê, điện thoại và linh kiện, hàng hải sản, tàu thuyền các loại, hạt điều, hạt tiêu, đĩa DVD, vải sợi các loại, hàng dệt may, lưới đánh cá, hàng rau quả, cao su, giày dép các loại, máy móc, thiết bị phụ tùng, linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, v.v... Về nhập khẩu, kim ngạch không đáng kể, chỉ đạt 3,7 triệu USD. Việt Nam mua của Ma-rốc chủ yếu là máy vi tính, tân dược, phân DAP, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, v.v...
Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Ma-rốc đã và đang có sự dịch chuyển theo hướng tích cực: Các mặt hàng nông sản xuất khẩu thô và qua khâu trung gian như hạt tiêu, cơm dừa đã giảm dần nhường chỗ cho hàng công nghiệp. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực ngày càng đa dạng hơn, không chỉ bó hẹp vào một, hai mặt hàng như những năm trước đây. Điện thoại và linh kiện đã trở thành mặt hàng xuất khẩu số 1 (36,8 triệu USD) thay thế cho cà phê với mức tăng trưởng gấp 10 lần so với năm 2011. Nhóm hàng vải, xơ, sợi các loại vẫn duy trì được kim ngạch 4,5 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 13,6 triệu USD, tăng gấp đôi năm 2011. Mặc dù mới xuất hiện gần đây nhưng thuỷ sản chủ yếu là cá tra và tôm đông lạnh đang ngày càng có chỗ đứng tại thị trường này với kim ngạch đạt 4,1 triệu USD. Các sản phẩm từ sắt thép đạt kim ngạch 2 triệu USD, tăng 5 lần so với năm 2011. Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu thêm mặt hàng tàu thuyền các loại với kim ngạch đạt 2,79 triệu USD.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu sang Ma-rốc đạt 50,12 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó điện thoại di động và linh kiện chiếm 32,16 triệu USD, cà phê 4,2 triệu USD, hàng hải sản 2,1 triệu USD, hóa chất 1,2 triệu USD, giày dép các loại 1 triệu USD, hạt tiêu 1 triệu USD, tàu thuyền các loại 0,99 triệu USD, sản phẩm dệt may 0,95 triệu USD, v.v... Kim ngạch nhập khẩu đạt 4,2 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước với các sản phẩm chính là phân DAP 1,1 triệu USD, sản phẩm dệt may 1,1 triệu USD, máy vi tính 0,9 triệu USD, sản phẩm dệt may 0,7 triệu USD.
Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang Ma-rốc ngày càng đa dạng và đã có sự dịch chuyển theo hướng tích cực: Các mặt hàng nông sản xuất khẩu thô và qua khâu trung gian như hạt tiêu, cơm dừa đã giảm dần nhường chỗ cho hàng công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh cà phê, đã có thêm những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như điện thoại di động, hải sản, hóa chất, giày dép, hạt tiêu, tàu thuyền, hàng dệt may, v.v...
Triển vọng và tiềm năng
Xuất khẩu
Cà phê: Ma-rốc là một trong những thị trường nhập khẩu cà phê xanh (cà phê hạt chưa rang xay)tương đốilớn trên thế giới: mỗi năm nước này nhập khẩu khoảng 28000 tấn cà phê trong đó 80% là cà phê robusta và 20% là cà phê arabica. Từ nhiều năm nay, cà phê giữ vị trí số 1 trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Ma-rốc đạt 13,6 triệu USD, tăng gấp đôi năm 2011. Sản phẩm chủ yếu là cà phê Robusta (loại chưa rang xay, chưa khử caphêin).
Việc tiêu thụ cà phê không đóng bao vẫn chiếm ưu thế do giá rẻ và không phải đáp ứng bất kỳ một chuẩn mực vệ sinh và chất lượng nào. Nhưng thị trường cà phê đóng gói đang ngày càng trở nên cạnh tranh hơn và thu hút nhiều nhà rang xay trong và ngoài nước. Để khuyến khích việc tiêu dùng cà phê, các doanh nghiệp hoạt động tại nước này đã cố gắng giới thiệu cho người Ma-rốc những lợi ích của việc sử dụng cà phê, làm sao để họ coi đây là đồ uống hàng ngày. Các doanh nghiệp đã tạo ra các mô hình mới về “Coffee Shops”, giới thiệu nhiều mẫu mã khác nhau, mở rộng mạng lưới phân phối để người tiêu dùng Ma-rốc dễ dàng tiếp cận với mặt hàng này.
Thủy sản: Mặc dù Ma-rốc là nước xuất khẩu hải sản lớn do có bờ biển dài, tiếp giáp Đại Tây Dương và Địa Trung Hải song nước này vẫn phải nhập khẩu nhóm hàng thủy sản nước ngọt. Thuỷ sản của Việt Nam chủ yếu là cá tra và tôm đông lạnh đang ngày càng có chỗ đứng tại thị trường này với kim ngạch xuất khẩu đạt 4,1 triệu USD năm 2012 và 2,1 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2013.
Vải, xơ, sợi: Ma-rốc là một trong những nước có ngành công nghiệp dệt may giữ vai trò hàng đầu. Năm 2011 ngành dệt may của Ma-rốc đã đóng góp 42% số việc làm và 34% kim ngạch xuất khẩu trong lĩnh vực công nghiệp nói chung. Sản xuất dệt may của Ma-rốc chủ yếu là gia công, xuất khẩu. Chính vì vậy mà nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu cho ngành này ngày một tăng cao.
Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng vải, xơ, sợi của Việt Nam sang Ma-rốc đạt 4,5 triệu USD.
Hạt tiêu: Hạt tiêu là một trong những loại gia vị được tiêu thụ hàng ngày, đặc biệt trong tháng Ramadan. Việc tiêu thụ hạt tiêu đang có xu hướng tăng kể cả dạng hạt hay dạng bột. Hạt tiêu được đóng gói chiếm một vị trí quan trọng mặc dù một bộ phận lớn người tiêu dùng, chủ yếu ở nông thôn, thậm chí cả người dân thành thị vẫn thích những sản phẩm bán không có bao gói.
Năm 2012, Ma-rốc đã nhập 16 triệu USD mặt hàng hạt tiêu, trong đó có 815.845 USD từ Việt Nam.
Nhập khẩu
Phốt phát và phân DAP: Ma-rốc có những mỏ phốt phát lớn nhất thế giới, nằm ở Khouribga, Benguerir và Bu Cra phía Tây Xahara chiếm ¾ trữ lượng thế giới (37 tỷ m3). Đây là quốc gia sản xuất phốt phát lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ) và là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới sản phẩm này với khối lượng khoảng 30 triệu tấn, doanh thu xuất khẩu trung bình đạt trên 900 triệu USD/năm, chiếm 33,3% thị phần quốc tế.
Tập đoàn phốt phát Ma-rốc ( Office Chérichien des Phosphates-CPP) là công ty xuất khẩu phốt phát đứng đầu thế giới (33,3% thị phần). Tập đoàn này dự kiến sẽ tăng 4,3% khối lượng xuất khẩu bằng cách tăng 4,6% xuất khẩu quặng phốt phát và 4% sản phẩm từ phốt phát.
Một nửa số quặng được xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu sang khoảng 40 nước trên thế giới. Nửa còn lại được giao cho các khu liên hợp hoá chất thuộc tập đoàn để chế biến thành các sản phẩm dẫn xuất cũng dùng để bán như axít phốtphorich cơ bản, axít phốtphorich đã lọc, phân bón ở thể rắn. Phần lớn các loại phân bón này trong đó chủ yếu là DAP lại được đem xuất khẩu.
Năm 1999, Việt Nam nhập khẩu gần 2 triệu USD phốt phát của Ma-rốc còn những năm gần đây, các công ty Việt Nam chuyển sang mua phân DAP từ thị trường này với kim ngạch đạt 613.000 USD năm 2012 và 1,1 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2013.
  • Nguồn tin: Bộ Công Thương
  • Thời gian nhập: 11/10/2013
  • Số lần xem: 1128