Thứ hai, 20/05/2024 - 06:14:28

Online: 158
Lượt truy cập: 4728068
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Giá gạo Thái Lan và Việt Nam cùng giảm thấp tuần qua (27/04/2015)

Tuần qua giá gạo châu Á tiếp tục giảm. Gạo 5% tấm của Thái Lan giảm qua xuống 390 USD/tấn phiên 22/4, FOB, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2014 do nhu cầu yếu. Ngày 1/4/2015 đánh dấu thời điểm loại gạo này để mất mốc 400 USD/tấn và liên tiếp từ đó tới nay chưa lấy lại được mức giá đó. Và nghịch lý là dù giá thấp như vậy vẫn không thu hút được khách hàng bởi giá gạo Việt Nam còn thấp hơn. 

Việt Nam chào gạo 5% tấm ở mức giá 358 – 365 USD/tấn, FOB trong phiên 22/4. Mức 358 USD/tấn theo số liệu của Reuters là thấp nhất trong vòng 10 tuần trở lại đây.
Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan, ông Chookiat Ophaswongse nhận định xuất khẩu gạo Thái Lan năm 2015 sẽ không đạt dự kiến ban đầu do giá của các đối thủ khác như Pakistan, Ấn Độ và Việt Nam rẻ hơn gạo Thái.
Chính phủ Thái Lan đang cố gắng giải phóng 17 triệu tấn gạo dự trữ, nhưng điều đó rất khó khăn bởi khối lượng ấy bằng 40% tổng mậu dịch gạo toàn cầu hàng năm.
Ông Chookiat Ophaswongse cho rằng họ sẽ chỉ có thể xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn, bởi “Bức tranh thị trường gạo thế giới năm nay hoàn toàn khác so với cuối năm ngoái”.
Trước đây Hiệp hội dự báo xuất khẩu năm 2015 vào khoảng 10 triệu tấn.
Cả hai con số dự đoán mới và cũ này đều thấp hơn mức 11,2 triệu tấn mà Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc (FAO) dự báo.
Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới năm 2014, theo số liệu của FAO là 10,95 triệu tấn, sau Ấn Độ (11,3 triệu tấn).
Giai đoạn 1/1-13/4/2015 xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,144 triệu tấn, giảm 35% so với 1,76 triệu tấn 4 tháng đầu năm 2014, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Giá xuất khẩu trung bình đến thời điểm hiện tại của năm đạt 413 USD/tấn (FOB), giảm 5% so với 435 USD/tấn trong tháng 4/2014.
Từ 1-13/4, xuất khẩu gạo đạt 238.582 tấn, giảm 56% so với 537.094 tấn trong tháng 4/2014 và giảm 50% so với 480.490 tấn trong tháng 3/2015.
Cũng theo VFA, giá lúa khô tại khô khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.150-5.250 đ/kg, lúa dài khoảng 5.350-5.450 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.500-6.600 đ/kg  tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.300-6.400 đ/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.400-7.500 đ/kg, gạo 15% tấm 7.200-7.300 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.000-7.100 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.
Philippines dự định mở rộng nguồn cung cấp gạo nhập khẩu, theo đó Cơ quan thu mua lương thực nước này đang khảo sát các phương thức nhập khẩu gạo từ nhiều nước khác nhau như Pakista, Myanmar và Ấn Độ nhằm đa dạng hóa nguồn nhập khẩu gạo - hiện chủ yếu từ Việt Nam và Thái Lan.
Philippines hiện là một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Năm 2014, Philippines nhập khẩu 1,7 triệu tấn gạo, cao nhất trong vòng 4 năm, và dự kiến năm 2015 nhập khẩu 1,6 triệu tấn gạo, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA). Mới đây, Philippine đã nhập khẩu 500.000 tấn gạo từ Thái Lan và Việt Nam.
Hiện Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) đang làm việc với các phái đoàn thương mại Pakistan, Ấn Độ và Myanmar để tiến tới ký kết Thỏa thuận Ghi nhớ tương tự với Việt Nam, Thái Lan và Campuchia.
Philippines đang áp dụng Khối lượng Tiếp cận Tối thiểu (MVA) trong đó, các doanh nghiệp trong nước được phép nhập khẩu 755.000 tấn gạo, chịu thuế 35%. Hội đồng NFA hiện vẫn chưa mở cổng MVA trong năm nay và chưa xác nhận thông tin cho rằng chính phủ đang xem xét dỡ bỏ thuế nhập khẩu gạo, theo các nguồn tin trong nước.
Sản lượng lúa của nước này quý I ước tính đạt 4,47 triệu tấn, thấp hơn mục tiêu 4,59 triệu tấn đặt ra hồi tháng 1, do thời tiết bất lợi. Mặc dù vậy, con số đó vẫn cao hơn 3,9% so với 4,31 triệu tấn cùng quý năm ngoái.
Myanmar đã xuất khẩu gần 2 triệu tấn gạo trong tài khóa 2014-15 (kết thúc vào tháng 3), tăng 40% so với năm trước đó, theo chủ tịch Hiệp hội Nông dân Myanmar, Dr. Soe. Ông này cho biết phần lớn xuất khẩu gạo năm qua tới Trung Quốc (1,1 triệu tấn).
Còn theo Bộ Thương mại Myanmar thì xuất khẩu gạo trong năm 2014/15 đạt 1,7 triệu tấn, thu về 645 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu của Myanmar là Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Á, châu Âu và châu Phi khác.
Thống kê cho thấy xuất khẩu năm 2013/14 đạt 1,2 triệu tấn, và năm 2012/13 đạt 1,47 triệu tấn. Myanmar dự kiến nâng xuất khẩu lên 4 triệu tấn vào năm 2020.
Xuất khẩu gạo của Australia niên vụ 2015-2016 (tháng 3/2015 – tháng 2/2016) đạt 350.000 tấn, giảm 18% so với 426.000 tấn năm 2014, theo Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post).
Nhập khẩu gạo của Australia năm 2015-2016 ước đạt 150.000 tấn, không đổi so với năm trước. Năm 2014, Australia nhập khẩu các loại gạo dài, kể cả basmati, từ Nam Á và Đông Nam Á, đáng kể từ 81.000 tấn từ Thái Lan, 30.000 tấn từ Ấn Độ, 18.000 tấn từ Pakistan và 8.000 tấn từ Việt Nam.
USDA Post ước tính sản lượng lúa của Australia năm 2015-2016 đạt 764.000 tấn (550.000 tấn gạo), tăng 13% so với 676.000 tấn (487.000 tấn gạo) năm 2014-2015 nhờ năng suất tăng.
Diện tích gieo cấy 2015-2016 ước đạt 70.000 ha, không đổi so với năm trước; năng suất dự đoán đạt 11 tấn/ha.
Tồn kho cuối vụ 2014-2015 ước giảm 3% xuống 26.000 tấn so với 36.000 tấn năm 2013-2014.
  • Nguồn tin: AsemconnectVietnam
  • Thời gian nhập: 27/04/2015
  • Số lần xem: 924