Thứ ba, 14/05/2024 - 19:17:34

Online: 76
Lượt truy cập: 4709947
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Thị trường hàng hóa trong nước tuần qua (21/03/2017)

Giá tôm sú ở Trà Vinh tăng mạnh

Khoảng nửa tháng nay, giá tôm sú trên địa bàn tỉnh Trà Vinh liên tục tăng. Cụ thể, tôm sú loại I (30 con/kg), từ 200.000 - 210.000 đồng/kg; tăng từ 30.000 - 40.000 đồng/kg so với nửa tháng trước.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, giá tôm tăng mạnh là do mới bước vào đầu vụ nuôi nên sản lượng tôm nguyên liệu chưa nhiều, trong khi nhu cầu xuất khẩu đang cao. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh mới thu hoạch được khoảng 500 tấn tôm sú nguyên liệu. 
Ông Trần Trung Hiền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết, tôm nước lợ là đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, vụ tôm năm nay, các hộ nuôi gặp bất lợi ngay từ đầu vụ bởi thời tiết và môi trường nước không ổn định. 
Vụ nuôi tôm 2017, các vùng ngập mặn, ven biển thuộc 4 huyện: Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành, tỉnh Trà Vinh có kế hoạch thả nuôi khoảng 1,9 tỷ con giống tôm sú trên diện tích 18.000 ha. Và khoảng 3 tỷ con giống tôm thẻ chân trắng được thả nuôi trên diện tích 6.000 ha. Địa phương đặt mục tiêu đạt sản lượng 38.700 tấn tôm thương phẩm. 
Đến nay, các hộ đã thả nuôi 665 triệu con tôm sú giống và 635 triệu con tôm thẻ chân trắng giống. Trong số này, 35% con giống tôm sú thả nuôi thâm canh, bán thâm canh và 16,6% con giống tôm thẻ chân trắng đã bị thiệt hại do dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy.
Mặc dù giá cá tra đang tăng cao nhưng người nuôi vẫn dè dặt trong việc thả nuôi vì sợ tiếp tục lỗ.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cá tra nguyên liệu tại hầu hết các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang có xu hướng tăng do nhu cầu thu mua của các công ty khá lớn trong bối cảnh tồn kho giảm và nguồn cung dự báo thiếu hụt trong cả năm 2017. 
So với thời điểm cuối tháng 1, giá cá tra nguyên liệu loại I (800 gram/con) hiện nay tăng khoảng 2.500 đồng/kg, chạm ngưỡng 25.000 đồng/kg và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, do giảm sản lượng dẫn đến thiếu nguồn cung. Với giá hiện tại, người nuôi cá tra đã có lãi sau nhiều năm thua lỗ. Tuy nhiên, dù giá cá đang tăng cao nhưng người nuôi vẫn dè dặt trong việc thả nuôi vì sợ tiếp tục lỗ. 
Hiện nay, giá cá tra giống đã tăng 10.000 đồng/kg so với cuối năm 2016. Tại tỉnh Đồng Tháp, giá cá giống loại 28 – 30 con/kg đã tăng lên khoảng 36.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với thời điểm trước Tết. Còn tại thành phố Cần Thơ, cá tra giống loại 50 con/kg có giá hơn 1.000 đồng/con, tăng gần gấp đôi so với các năm trước. Loại 30 – 32 con/kg có giá hơn 1.500 đồng/con. 
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản xuất cá tra vẫn gặp nhiều khó khăn do mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm chất lượng nước nuôi không ổn định tạo cơ hội cho các bệnh như xuất huyết, bệnh gan thận mủ trên cá tra nuôi thâm canh và cá nuôi lồng, bè phát triển. 
Theo báo cáo của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, thời gian qua, thị trường cá tra chứng kiến sự sụt giảm diện tích nuôi nhưng lại tăng năng suất ở các vùng nuôi trọng điểm, cũng như tăng giá cá nguyên liệu. 
Năm 2016, diện tích nuôi mới cá tra các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là 3.071 ha, giảm 11%, diện tích thu hoạch còn 3.439 ha, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2015. Tuy vậy, sản lượng lại tăng 5%, đạt trên 1 triệu tấn, năng suất trung bình tăng 10%, đạt 313 tấn/ha so với 285 tấn/ha năm 2015. 
Giá lúa Đông Xuân ở các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng
Hiện giá lúa vụ Đông Xuân ở các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long ở mức khá cao đã giúp nông dân hưởng lợi.
Tại Tiền Giang, vụ Đông Xuân 2016 - 2017, tỉnh Tiền Giang đạt sản lượng trên 500.000 tấn lúa. Đây được coi là thành quả lớn trong tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến phức tạp và bất lợi, khô hạn và xâm nhập mặn thường xuyên đe dọa đặc biệt đối với vùng ven biển tỉnh Tiền Giang. 
Trong vụ Đông Xuân 2016 - 2017, tỉnh Tiền Giang có 3 doanh nghiệp kinh doanh lương thực lớn là Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH Việt Hưng, Công ty Tân Thành tham gia hợp đồng sản xuất 21 cánh đồng lớn với nông dân trên diện tích trên 1.600 ha. Hiện nay, các doanh nghiệp và nông dân trong mô hình liên kết sản xuất cánh đồng lớn đang khẩn trương thu hoạch và thanh lý hợp đồng. 
Theo Bộ Tài chính công bố, giá lúa hàng hóa vụ Đông Xuân vào khoảng 3.949 đồng/kg; trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long vào khoảng từ 2.926 - 5.156 đồng/kg tùy theo loại. 
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Tấn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông – Lâm sản – Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang, giá lúa OM 4900 có giá từ 6.450 - 6.550 đồng/kg, IR 50404 có giá từ 5.500 - 5.600 đ/kg, Jasmine 85 có giá từ 6.550 - 6.650 đồng/kg, đều tăng từ 50 - 100 đồng/kg so với tháng trước. 
Nhờ vậy, đa phần nông dân sản xuất lúa có lãi khá. Đơn cử như ông Huỳnh Minh Đạt, cư ngụ tại ấp Xóm Rẫy, xã Kiểng Phước, huyện ven biển Gò Công Đông canh tác 2 ha lúa VD 20, vừa qua ông thu hoạch đạt sản lượng khoảng 12 tấn lúa, bán trừ chi phí còn lãi 40 triệu đồng. 
Tương tự, anh Lưu Văn Ron, cư ngụ tại ấp Thọ Khương, xã Bình Phú, huyện Gò Công Tây canh tác 8.000 m2 lúa VD 20. Vừa qua, anh thu hoạch hơn 6 tấn lúa tươi, bán giá 6.950 đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi ròng 25 triệu đồng.
Vụ Đông Xuân 2016 – 2017, riêng vùng dự án ngọt hóa Gò Công nằm khu vực phía đông tỉnh Tiền Giang tiếp giáp với biển Đông đã xuống giống được 28.000 ha. Nhờ có những giải pháp tích cực trong phòng chống hạn mặn, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai nên nông dân trong vùng vượt qua khó khăn, giành vụ mùa thắng lợi, bà con rất phấn khởi. 
Vụ Đông Xuân 2016 – 2017, nông dân Tiền Giang xuống giống được gần 72.000 ha. Đến nay, bà con đã thu hoạch gần 38.000 ha, năng suất bình quân đạt 70,5 tạ/ha và sản lượng trên 267.000 tấn lúa hàng hóa. Các địa phương trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch toàn bộ diện tích còn lại nhằm chủ động phòng tránh hạn mặn gây hại cũng như tạo thuận lợi để tổ chức xuống giống vụ Hè Thu 2017 thắng lợi. 
Tại Trà Vinh, khoảng 3 tuần nay, giá lúa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh liên tục tăng. Cụ thể, lúa tươi được thương lái thu mua tại ruộng, giống OM 4900 hiện có giá từ 5.600 - 5.750 đồng/kg, OM 5451 từ 5.400-5.500 đồng/kg, IR 50404 dao động từ 5.000-5.200 đồng/kg. Giá tất cả các loại lúa đều tăng hơn 600 đồng/kg so với đầu vụ và hơn từ 800-1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm 2016. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. 
Gia đình ông Chung Văn Văn, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần vừa thu hoạch 1,1 ha lúa OM 4900, với năng suất đạt gần 6 tấn/ha. Ông Văn phấn khởi cho biết, nhờ tuân thủ lịch thời vụ và hướng dẫn của ngành nông nghiệp nên sau thất bại hai vụ lúa trước, năng suất vụ lúa Đông Xuân năm nay của gia đình ông đã ổn định trở lại, cùng với giá lúa đang ở mức cao nên lợi nhuận đạt gần 40 triệu đồng/ha.
Theo một số doanh nghiệp thu mua lúa, giá lúa vụ Đông Xuân liên tục tăng do chất lượng lúa ở vụ này được đánh giá tốt nhất so với các vụ khác trong năm, phục vụ tốt nhu cầu xuất khẩu. Hiện thị trường tiêu thụ lúa đang khởi sắc do nước ta nhận được nhiều hợp đồng thương mại xuất khẩu gạo sang các nước Cuba, Philipine và Trung Quốc. 
Vụ lúa Đông Xuân 2016-2017, tỉnh Trà Vinh xuống giống 62.525 ha, vượt 13,6% so với kế hoạch. Hiện toàn tỉnh mới thu hoạch được hơn 22.000 ha, với năng suất bình quân 5,3 tấn/ha.
Tại An Giang, theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang, trong những ngày qua diễn biến về giá lúa Đông Xuân 2016-2017 trên địa bàn tỉnh An Giang đang có xu hướng tăng cao (tăng từ 200 - 300 đồng/kg), nên tạo tâm lý phấn khởi cho nông dân thường xuyên thăm đồng, kịp thời thu hoạch ngay khi lúa chín tới. 
Hiện, nông dân trong tỉnh An Giang đã thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2017 sớm được trên 23.600 ha/235.619 ha diện tích xuống giống, ước năng suất bình quân đạt 6,35 tấn/ha, đạt 10% diện tích đã xuống giống. Nông dân hiện có xu hướng khi thu hoạch xong thì bán ngay lúa tươi còn ướt tại đồng ruộng, do giá lúa đang tăng mạnh, thuận lợi cho khâu tiêu thụ lúa cho nông dân. Đồng thời, sau thu hoạch vụ Đông Xuân, nông dân trồng lúa Đông Xuân 2017 cũng sớm tranh thủ làm đất để chuẩn bị sản xuất vụ lúa sau. 
Tại An Giang, hiện giá lúa trồng bằng giống lúa thường như IR50404, sau thu hoạch lúa còn tươi, nông dân bán được giá từ 4.900 - 5.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg, so với đầu vụ. Với lúa chất lượng cao như giống Jasmine còn tươi, nông dân bán giá từ 5.200 - 5.300 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg. Lúa chất lượng cao đã phơi khô, được bán giá từ 6.200 - 6.300 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg. 
Với lúa nếp còn tươi, giá bán từ 5.800 - 5.900 đồng/kg, tăng nhẹ 50 đồng/kg. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, thực hiện chương trình liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn trong vụ Đông Xuân 2016-2017, tính đến ngày 20/2/2017 đã có 9 doanh nghiệp đã thực hiện ký hợp đồng với bà con nông dân để sản xuất, với diện tích là 10.078 ha/37.075 ha theo kế hoạch liên kết sản xuất trong vụ này, đạt 27,18% kế hoạch. 
Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh An Giang đã chỉ đạo cho cán bộ cơ sở cùng kết hợp với bà con nông dân tổ chức thăm đồng thường xuyên, theo dõi tình hình sinh trưởng phát triển và dịch hại trên lúa vụ Đông Xuân 2016-2017, theo dõi các bẫy đèn hằng đêm để dự tính dự báo tình hình dịch hại phục vụ phòng chống dịch bệnh kịp thời, bảo đảm cho năng suất thu hoạch, và đảm bảo cho kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2016-2017 đạt yêu cầu về diện tích, năng suất và sản lượng thu hoạch, tăng thu nhập cho nông dân.
  • Nguồn tin: Bộ Công Thương
  • Thời gian nhập: 21/03/2017
  • Số lần xem: 693