Thứ bảy, 20/04/2024 - 16:00:39

Online: 72
Lượt truy cập: 4641713
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 76
Thành viên mới: Công ty cổ phần đầu tư thương mại xây dựng dịch vụ và sản xuất ECOHOME

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Thị trường hàng hóa trong nước tuần qua (07/11/2017)

Giá lúa Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao những tháng cuối năm

Nhu cầu xuất khẩu gạo những tháng cuối năm tăng mạnh khiến nhiều doanh nghiệp tìm kiếm nguồn nguyên liệu để cung ứng cho các hợp đồng xuất khẩu gạo đã ký kết.

Trong khi đó, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vụ lúa Thu Đông 2017 chuẩn bị hoàn thành thu hoạch. Hiện giá lúa tăng mạnh và rất khó tìm mua. 
Tại thành phố Cần Thơ, tổng diện tích sản xuất vụ lúa Thu Đông là gần 74.000ha. Hiện nông dân cơ bản đã thu hoạch xong còn lại vài nghìn ha tại huyện Vĩnh Thạnh. Nguồn cung khan hiếm nên hầu hết diện tích lúa hoàn thành thu hoạch đều được thương lái thu mua ngay tại ruộng. Giá lúa tại thời điểm này tăng trên dưới 500 đồng/kg so với vụ trước. 
Nhờ vậy, lợi nhuận vụ này đạt được khá cao, khoảng 20 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, những năm gần đây, nông dân có thói quen bán lúa tươi tại ruộng nên khi giá tăng cao nhiều nông dân thu hoạch sớm không còn lúa để bán, những hộ thu hoạch muộn bán được giá cao và thu nhiều lợi nhuận hơn. 
Tại các địa phương lân cận Cần Thơ như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang..., phần lớn nông dân phấn khởi trước tình hình giá lúa tăng cao nhưng nhiều hộ cũng tiếc vì thu hoạch sớm, bán sớm. 
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố Cần Thơ, giá lúa gần đây tăng cao bởi phần lớn diện tích lúa trong vùng cơ bản đã hoàn thàn thu hoạch, nguồn cung hạn chế trong khi nhu cầu tiêu thụ của các doanh nghiệp tăng cao. 
Năm nay, ngoài việc ký được các hợp đồng xuất khẩu gạo chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trên địa bàn thành phố Cần Thơ còn ký kết xuất khẩu gạo sang các thị trường mới như Bangladesh, Iran, Philippines... Vì vậy, nhu cầu gạo nguyên liệu hiện tại cũng như trong thời gian tới sẽ còn tăng mạnh. 
Nhu cầu gạo nguyên liệu tăng cao nên hiện tại các quận huyện ngoại thành của thành phố Cần Thơ cũng như các tỉnh lân cận, dù nông dân chưa xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2017-2018 nhưng thương lái đã tới địa phương để ký hợp đồng bao tiêu lúa hàng hóa cho nông dân với giá khá cao, cao hơn cùng kỳ năm trước từ 400-600 đồng/kg.
Cụ thể, giá lúa tươi giống IR 50404 được thương lái đặt cọc thu mua với giá trên dưới 5.000 đồng/kg, giống OM 5451 và Jasmine có giá từ 5.400-5.500 đồng/kg... 
Việc các doanh nghiệp và thương lái đặt cọc thu mua lúa với giá cao từ sớm giúp nông dân phấn khởi và tích cực đầu tư sản xuất nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thương lái và nông dân bởi từ trước đến nay, các hợp đồng trên thường ít được thực hiện nghiêm túc. Khi giá lúa tăng cao hoặc giảm mạnh, thương lái hoặc nông dân sẵn sàng phá vỡ hợp đồng. 
Theo các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ, hiện trên 90% diện tích sản xuất lúa của nông dân trên địa bàn đã được các thương lái đặc cọc mua trước dù đến cuối tháng 10, các địa phương chưa thực hiện xuống giống.
Việc các doanh nghiệp ký được nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo mới với giá tốt nên cạnh tranh thu mua nguyên liệu thời gian tới khả năng còn tiếp diễn và hơn ai hết người hưởng lợi là nông dân.
Giá rau xanh 'hạ nhiệt' trở lại
Nếu như cách đây gần 1 tháng, nguồn cung rau củ quả trong tình trạng khan hiếm và giá cả đắt đỏ bởi ảnh hưởng của mưa bão, thì vài ngày trở lại đây giá cả những mặt hàng này đã bình ổn hơn và có xu hướng giảm trở lại, không còn tình trạng khan hiếm.
Khảo sát của người viết tại một số chợ đầu mối và chơ dân sinh tại Hà Nội cho thấy giá rau xanh những ngày gần đây đồng loạt giảm khoảng 20- 30% so với 2 – 3 tuần trước đó.
Cụ thể, rau cải xanh có giá 6.000 đồng/mớ, cải thảo chỉ còn từ 12.000 – 15.000 đồng/kg; rau muống 8.000 đồng/mớ; cải ngồng 10.000 – 12.000 đồng/kg; cải cúc 5.000 đồng/mớ; cà chua giá 20.000 đồng/kg; rau bắp cải 12.000 – 15.000 đồng/kg, su hào 8.000 đồng/củ; súp lơ xanh có giá từ 12.000 – 15.000 đồng/kg, rau xà lách 20.000 đồng/kg…
Các loại rau gia vị như bạc hà, tía tô, kinh giới giá cũng giảm do nguồn cung dồi dào, có giá từ 2.000-3.000 đồng/mớ nhỏ. Hành lá, vốn là loại gia vị tăng giá đột biến sau bão, lên đến 70.000 đồng/kg, thì nay chỉ còn 40.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Hoa, bán rau tại chợ Nhổn cho biết, về cơ bản các loại rau đều đã giảm khoảng 3.000-4.000 đồng/ kg. Nếu như vài tuần trước khi đi lấy hàng tại chợ đầu mối các chủ cửa hàng rau phải tranh giành nhau thì nay không còn xảy ra hiện tượng này. Như tháng trước, các loại rau xanh giá cả đắt là do khan hiếm, còn bây giờ thời tiết khá thuận lợi nên rau củ cũng phát triển nhanh, làm tăng nguồn cung trở lại.
Anh Lê Văn Tâm chuyên trồng rau màu tại xã Song Phương – Hoài Đức – Hà Nội thì cho biết, thời gian gần đây lượng rau cung ứng ra thị trường của gia đình anh tăng lên đáng kể, các mặt hàng rau ngắn ngày như cải xanh, cải cúc, cải ngọt, bắp cải đang trong thời gian thu hoạch. Rau bán buôn cho chợ đầu mối mỗi ngày một nhiều do các nơi rau đều trong thời gian thu hoạch lượng rau cung ứng cho thị trường mỗi ngày một dồi dào.
Sau đợt mưa bão, ngập úng hàng loạt ruộng rau xanh bà con nông dân nơi đây hư hỏng thối nát hết, các hộ nông dân đã chủ động làm đất gieo trồng các luống rau mới ngắn ngày nhằm kịp thời cung ứng lượng rau xanh ra thị trường tiêu thụ tăng lên đáng kể.
Gia đình anh Tâm là hộ quanh năm trồng rau cung cấp ra thị trường nội thành Hà Nội với đủ các loại rau như bắp cải, cà chua, súp lơ, su hào…Anh cho biết gia đình anh trồng 4 sào bắp cải, mỗi sào cho năng suất khoảng 5 tạ với giá bán buôn cho các thương lái tại ruộng như hiện nay từ 10.000 – 12.000 đồng/kg thì mỗi sào trừ chi phí cây giống, vật tư chăm sóc thu nhập cũng được cả triệu đồng.
Dừa Xiêm mất giá mạnh
Nhu cầu thị trường giảm, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc và Mỹ, khiến dừa xiêm Bến Tre vấp phải sự cạnh tranh cả về giá lẫn mẫu mã với dừa xiêm Thái Lan. Vì thế, giá dừa xiêm Bến Tre đồng loạt giảm mạnh.
Theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, trong tháng 10, thị trường rau quả biến động thất thường do tác động của thời tiết cũng như thay đổi cung cầu. Cụ thể, giá dừa xiêm xanh ở Bến Tre giảm từ 80.000 đồng/chục (12 trái, loại 1,3 kg/trái) xuống còn dưới 60.000 đồng/chục. Tương tự, dừa khô cũng giảm khoảng 20.000 đồng/chục, xuống mức 140.000 đồng/chục.
Trước đó, vào thời điểm tháng 8, tại Bến Tre, giá dừa xiêm đã tăng cao kỷ lục lên mức 125.000-150.000 đồng/chục quả.
Nguyên nhân khiến giá dừa xiêm nói riêng và giá dừa tươi nói chung giảm mạnh thời gian qua là do do thị trường miền Trung, miền Bắc giảm cầu vì thời tiết chuyển lạnh, trong khi đó, thị trường xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc gặp sự cạnh tranh về mẫu mã, trọng lượng, giá cả với dừa xiêm xanh của Thái Lan.
Cũng thời điểm này, tại Nghệ An, giá chanh giảm mạnh xuống mức 1.000-4.000 đồng/kg. Theo Bộ NN-PTNT, đây là mức giá thấp lỷ lục từ nhiều năm nay. Nguyên nhân là do nguồn cung tăng vào thời điểm thu hoạch trong khi không có biến động về nhu cầu.
Trái ngược với giá chanh, dừa, trong tháng, do ảnh hưởng của những cơn mưa lớn kéo dài liên tiếp khiến diện tích rau ngoài trời bị ngập úng, dập nát, thối hỏng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng tại các tỉnh miền Bắc và miền Nam khiến giá tăng mạnh, thậm chí nhiều loại giá tăng gần gấp đôi, gấp 3 lần.
Đơn cử, trên địa bàn Hà Nội, các loại rau xanh đều tăng giá mạnh, mức tăng trung bình từ 2.000-40.000 đồng/kg/mớ tùy loại, thậm chí có loại giá còn tăng gần gấp đôi ,gấp 3.
Tương tự, tại Đà Lạt (Lâm Đồng) và TP.HCM nhiều loại rau củ tăng phi mã như súp lơ xanh tăng từ 20.000 đồng/kg đến 35.000 đồng/kg tùy loại; cà chua tăng từ 10.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg; xà lách từ 12.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg.
  • Nguồn tin: Bộ Công Thương
  • Thời gian nhập: 07/11/2017
  • Số lần xem: 642