Thứ hai, 20/05/2024 - 05:08:04

Online: 152
Lượt truy cập: 4727830
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Thị trường hàng hóa trong nước tuần qua: giá gạo và cao su ổn định, điều tăng (17/08/2015)

Tuần qua, tại miền Bắc lương thực đứng giá, miền Nam nhìn chung ổn định đến giảm nhẹ tùy theo từng địa phương. Giá điều khô tại Đắk Lắk ngày 11/8 tăng nhẹ lên mức 25.500đ/kg...

Lúa gạo
Tuần qua, tại miền Bắc lương thực đứng giá, miền Nam nhìn chung ổn định đến giảm nhẹ tùy theo từng địa phương.
Cụ thể, giá lúa tẻ thường ở miền Bắc phổ biến ở mức 6.500 – 8.500đ/kg, giá gạo tẻ thường ở mức 12.000 – 14.000đ/kg.
Tại Bạc Liêu giá lúa giảm 50đ còn 5.225đ/kg, gạo nguyên liệu giảm 50đ/kg, nguyên liệu lức còn 6.075đ/kg, nguyên liệu trắng còn 6.250 đ/kg.
Theo VFA, 7 tháng đầu năm, XK gạo cả nước đã đạt 3,3 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, giảm 9% về lượng và 5,5% về giá. Dù tình hình chung còn nhiều khó khăn, nhưng điểm sáng nhất trong XK gạo 7 tháng đầu năm chính là phân khúc gạo cao cấp.
Cụ thể, sau 7 tháng, XK gạo cao cấp (loại 5% tấm) đã đạt 28,8% tổng lượng gạo XK của cả nước, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Gạo thơm đứng thứ 2 với tỷ lệ 24,67% tổng lượng gạo XK, tăng 15,36% so với cùng kỳ. Nhờ lượng tăng của 2 loại này, gạo Việt Nam đã quay lại chiếm giữ vị trí cao ở nhiều thị trường. Đơn cử như sau 2 năm rất khó khăn khi phải cạnh tranh gay gắt với gạo từ Ấn Độ và Thái Lan, kim ngạch XK gạo vào thị trường châu Phi trong 7 tháng đã đạt 15,83% tổng kim ngạch XK gạo của nước ta, tăng đến 47,53%, trong đó gạo thơm là loại gạo được châu Phi ưa chuộng nhất.
Điều
Giá điều khô tại Đắk Lắk ngày 11/8 tăng nhẹ lên mức 25.500 đ/kg.
Giá điều nhân xuất khẩu ngày 10/8
        ĐVT: USD/lb, FOB Tp.HCM
W240
 3,6-3,65
W320
 3,45-3,5
W450/ SW320/LBW320
 3,3-3,35
DW
 3,2-3,25
WS/ WB
 3,1-3,15
LWP
 3,0-3,05
(Nguồn: Hiệp hội Điều Việt Nam)
Xuất khẩu điều của Việt Nam liên tiếp nhiều năm qua đều đứng hạng thứ nhất trên thế giới. Tuy nhiên, ngành điều hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập như: thiếu nguyên liệu; số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu quá nhiều dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng sản phẩm xuất khẩu không đồng đều, làm thiệt hại chung cho toàn ngành...
Với thực tế này, Hiệp hội Điều Việt Nam đã đề xuất Bộ NN&PTNT xem xét thông qua chủ trương thành lập Quỹ hỗ trợ liên kết sản xuất và xuất khẩu điều. Theo đó, Quỹ được thành lập với nguồn thu từ 4 nguồn: hỗ trợ của Nhà nước, phần thu trên đầu tấn xuất khẩu của tất cả doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều, nguồn tài trợ và nguồn thu khác.
Năm 2015, Bộ NN&PTNT sẽ hỗ trợ Hiệp hội Điều Việt Nam kinh phí khoảng 1 tỉ đồng cho dự án khuyến nông ghép cải tạo vườn từ năm 2015-2016. Hiệp hội Điều Việt Nam đã thuê chuyên gia đánh giá độc lập kết quả dự án khuyến nông của hiệp hội năm 2014 và chủ động triển khai nhanh 100 điểm ghép cải tạo với tổng nguồn vốn 1 tỉ đồng từ kinh phí của hội trong năm nay.
Tính đến hết tháng 6, Việt Nam đã xuất khẩu được 149.961 tấn điều trị giá 1,08 tỉ USD, tăng 13,7% về lượng và 28% về trị giá. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hà Lan vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam.
Cao su
Tuần qua, giá cao su nguyên liệu tại Bình Phước giữ ổn định ở mức thấp 7.040đ/kg đối với mủ cao su dạng nước (32 độ/kg). Giá cao su thành phẩm tại Bình Phước, Gia Lai, Đồng Nai, Bình Dương cũng diễn biến giảm trong tuần qua, với mức giảm tương đối mạnh. Cụ thể: cao su SVR 3L giảm từ 26.800đ/kg (30/7) xuống chỉ còn 25.300đ/kg (6/8); cao su SVR10 giảm từ 22.100đ/kg xuống chỉ còn 20.800đ/kg.
Xuất khẩu cao su của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2015 đạt 519 nghìn tấn, trị giá 760 triệu USD, tăng 13,6% về lượng nhưng giảm 9,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2014.
Về hoạt động thương mại tại cửa khẩu Móng Cái, xuất khẩu cao su hỗn hợp sang thị trường Trung Quốc qua tuyến biên giới phía Bắc vẫn trầm lắng trong tuần qua, riêng cửa khẩu Móng Cái đã tạm ngừng giao dịch do mưa lớn. Nhu cầu đối với mặt hàng cao su hỗn hợp giảm sút đã làm giá nguyên liệu này tiếp tục hạ.
Cụ thể, sản phẩm cao su hỗn hợp chất lượng loại 1 của các Công ty, đơn vị thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam giảm khoảng 200 NDT/tấn, xuống còn 9.300 NDT/tấn. Sản phẩm cao su chất lượng loại 2 của lực lượng cao su “tiểu điền” giảm từ 9.200 NDT/tấn xuống còn 9.000 NDT/tấn. Tình hình giao dịch các sản phẩm cao su hỗn hợp trong tuần qua kém nhộn nhịp. Riêng cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã ngừng hẳn vì thiếu khách mua hàng, mặt khác nước sông biên giới những ngày qua luôn dâng cao, vận chuyển hàng bằng thuyền nhỏ gặp nhiều khó khăn. Tại các cửa khẩu Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng tuy vẫn có giao dịch kín cả tuần, song khối lượng bình quân chỉ đạt khoảng 550 tấn. Các đơn vị xuất khẩu đang mở rộng tiếp thị để nâng khối lượng giao dịch lên 800 tấn/ngày ở cả ba cửa khẩu. Hiện tại, ba cửa khẩu này vẫn giao dịch ổn định qua đường tiểu ngạch theo quy định của phía Trung Quốc.
Thông tin thế giới
Thị trường cao su thế giới trong tuần đến ngày 8/8
Giá cao su kỳ hạn tại Sở Giao dịch Hàng hóa Tokyo (Tocom) tuần qua tiếp tục xu hướng đi xuống do giá dầu giảm, tình trạng dư cung tiếp diễn.
Trong tuần, giá cao su giảm sâu vào cuối phiên 4/8, chạm mức thấp nhất trong 4 tháng qua, với hợp đồng cao su giao tháng 12/2015 tụt xuống chỉ còn 192,6 Yên/kg, giảm 8,9 Yên/kg so với cuối tuần trước. Giá cao su giao tháng 1/2016 giảm 3 Yên/kg, hay giảm hơn 1,5% xuống 194,4 Yên/kg. Phiên trước, giá giảm hơn 3% xuống 196,5 Yên/kg, thấp nhất kể từ ngày 9/4.
Thị trường cao su thế giới đồng loạt sụt giảm sau số liệu kinh tế thất vọng của Trung Quốc. Trong khi đó, nguồn cung vẫn tương đối lớn. Cao su tồn kho tại các kho theo khảo sát của sàn Thượng Hải đã tăng lên 181.714 tấn trong tuần kết thúc vào ngày 31/7, tăng 36% so với tuần kết thúc vào ngày 24/4. Tồn kho cao su tăng nhanh ngay cả khi nhập khẩu cao su thiên nhiên của Trung Quốc chậm lại. Nhập khẩu cao su tháng 6 của Trung Quốc đạt 155.084 tấn, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, nhập khẩu cao su của Trung Quốc giảm 20,5% xuống 1,128 triệu tấn.
Sản lượng điều niên vụ 2015 của Bờ Biển Ngà tăng kỷ lục
Theo báo cáo chính thức của Chính phủ Bờ Biển Ngà, sản lượng điều thu hoạch toàn niên vụ 2015 đạt 625.000 tấn điều thô, tăng 11% so với niên vụ năm ngoái.
Từ trước đến nay, Bờ Biển Ngà mới chỉ được biết đến là quốc gia có sản lượng thu hoạch ca cao số 1 thế giới. Nay được biết là quốc gia có sản lượng điều lớn nhất Tây Phi và có thể lớn nhất thế giới năm nay.
Theo báo cáo, năm 2015 ước tính kim ngạch xuất khẩu điều thô của Bờ Biển Ngà đạt 337 tỷ CFA franc (~571 triệu USD).
Báo cáo đã chỉ ra nguyên nhân của những thành quả trên chính là nhờ vào chương trình cải cách của Chính phủ và đầu tư trong lĩnh vực này. Một thập kỷ trước đây, sản lượng điều thô của Bờ Biển Ngà chỉ khoảng 80.000 tấn. Với tốc độ phát triển trên 10% mỗi năm kèm theo nhu cầu mạnh mẽ từ các nước châu Á (Ấn Độ, Việt Nam), ngành điều Bờ Biển Ngà đã được Chính phủ hết sức quan tâm nhằm tạo ra một “cú hích” cho nền kinh tế sau hơn một thập kỷ bất ổn về chính trị.
Ghi chú: Tỷ giá 1 USD = 590,15 CFA franc.
  • Nguồn tin: Bộ Công Thương
  • Thời gian nhập: 17/08/2015
  • Số lần xem: 888