Thứ hai, 20/05/2024 - 00:36:42

Online: 166
Lượt truy cập: 4726882
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Thị trường hàng hóa trong nước tuần qua (18/08/2016)

Ớt được mùa được giá

Giá bán ớt tại ruộng ở ĐBSCL dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg là mức giá cao nhất trong 3 năm qua. 

Vụ Hè Thu này, nông dân trồng ớt thương phẩm ở vùng ĐBSCL phấn khởi bởi đầu ra thuận lợi và giá cao. Tại tỉnh Tiền Giang - địa phương có gần 1.000 ha cây ớt hiện nay đang vào mùa thu hoạch rộ với giá bán tại ruộng dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg đây là mức giá cao nhất trong 3 năm qua.
Không những trúng giá mà các loại giống ớt vụ này đều trúng mùa, với năng suất gần 10 tấn/ha. Với mức giá này, sau một vụ trồng (khoảng 3 tháng) nhà nông có lãi hơn 250 triệu đồng/ha.
Gần đây, cây ớt phát triển mạnh ở những các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tiền Giang, Bến Tre... Trái ớt được các doanh nghiệp thu mua, sơ chế để phục vụ xuất khẩu thị trường nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia… Hầu hết các hộ trồng ớt chuyên canh hiện nay đều có cuộc sống khá giả.
Ông Phan Văn Tám, Chủ tịch UBND xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, xã Bình Ninh vẫn khuyến cáo nông dân duy trì cây ớt dưới chân ruộng.
“Năm 2016, dù thời tiết và xâm ngập mặn khiến việc trồng ớt không thuận lợi như các năm trước, nhưng nhờ có kế hoạch chủ động xuống giống đúng lịch thời vụ, cùng lúc giá ớt tăng cao, có lúc lên đến 48.000 đồng/kg nên đem lại thu nhập tốt cho người dân”, ông Tám cho biết.
Thanh long được mùa rớt giá
Theo thông tin từ một số nhà vườn tại Bình Thuận, thanh long chính vụ đang rớt giá thê thảm, nhiều loại được đầu mối thu mua tại vườn ở mức giá 200-300 đồng/kg.
Bà Lê Thị Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH XNK Thanh long Ngọc Hà, cho biết, mỗi ngày doanh nghiệp này thu mua khoảng 100 tấn thanh long tại khu vực Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. Trong đó, khoảng 5 tấn vận chuyển vào thị trường TP.HCM, còn lại xuất khẩu và tiêu thụ tại những thị trường khác.
Giá thanh long năm nay thấp hơn nhiều so với những vụ trước. Năm 2015, giá thanh long loại xuất khẩu đều trên 17.000 đồng/kg, nhưng năm nay cao nhất chỉ đạt 10.000 đồng/kg.
“Khi vào đến TP.HCM, thanh long đổ đống “giá rẻ bất ngờ” là hợp lý. Mỗi ký thanh long chịu 1.000 đồng tiền nhân công thu hoạch và vận chuyển, nhưng bán ra bằng giá này vẫn rất khó”, bà Ngọc cho biết.
Hiện, nhiều nhà vườn trồng thanh long đang khóc ròng bởi tình trạng được mùa mất giá, phải bù lỗ liên tục vì tiền công đầu tư vào chăm sóc, thu hoạch, và vận chuyển rất lớn.
Ông Hùng, chủ nhà vườn tại huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, tình hình trồng thanh long trước đây khả quan hơn nhiều, vừa được mùa được giá. Nhưng 2 năm trở lại đây, nông dân khóc dở mếu dở vì giá rẻ nhưng không bỏ được.
Thanh long đẹp, bán giá sỉ chỉ 2.000 - 3.000 đồng/kg, số lượng hàng xuất khẩu với giá khoảng 6.000 đồng/kg rất ít. Thanh long bị nấm hoặc hư hỏng một phần chuyển vào TP.HCM bán đổ đống ngoài đường với giá 10.000 đồng cho 3kg.
Theo ghi nhận, trên nhiều tuyến đường lớn như Nguyễn Oanh, Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp), Phổ Quang (quận Tân Bình), Lý Thường Kiệt (quận 11)… xuất hiện rất nhiều sạp bày bán thanh long với mức giá phổ biến cao nhất là 25.000 đồng cho 3kg loại tươi xanh và 10.000 đồng cho 3kg loại hàng để nhiều ngày, hư hỏng.
Một người bán thanh long trên đường Nguyễn Oanh cho biết, mỗi ngày trung bình bán khoảng 200kg. Đặc biệt, loại thanh long kém chất lượng nhất vẫn rất được ưa chuộng vì giá rẻ.
Tại một số hệ thống siêu thị và chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi, giá thanh long chênh lệch khá cao so với hàng lề đường. Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Big C, thanh long không được bày lên kệ mà chỉ để trong sọt với số lượng rất ít, đồng giá 16.500 đồng/kg cho loại nhỏ.
Tương tự tại chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food, thanh long Phan Thiết loại 1 giá 25.500 đồng/kg.
Giải thích nguyên nhân số lượng thanh long nhập về siêu thị rất ít, một nhân viên ngành hàng rau quả cho biết, năm nay thanh long rất kén người mua và khó cạnh tranh với những loại trái cây nhập khẩu có giá tương đối rẻ.
Nhãn Hưng Yên mất mùa sau mưa bão
Do ảnh hưởng của đợt mưa bão cuối tháng 7 vừa qua, vụ năm nay, nhãn Hưng Yên đứng trước nguy cơ mất mùa lớn, nhiều nơi sản lượng giảm hơn 50% so với dự kiến ban đầu.
Theo Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên, toàn tỉnh có gần 1.300 ha nhãn bị thiệt hại do mưa bão, trong đó hơn 550 ha thiệt hại trên 80% sản lượng quả, còn lại hơn 730 ha bị thiệt hại dưới 50%.
Thất thu lớn nhất là thành phố Hưng Yên với 800 ha trong tổng diện tích gần 900 ha nhãn đang cho thu hoạch bị thiệt hại nặng nề.
Ông Nguyễn Tuấn Cường, Chủ tịch UBND thành phố Hưng Yên cho hay, mưa bão đã làm các diện tích nhãn của thành phố bị rụng quả nhiều, sản lượng giảm tới 60% so với ban đầu. Thiệt hại về nhãn và một số hoa màu khác lên tới gần 500 tỷ đồng.
Theo người trồng nhãn ở phường Lam Sơn và các xã Phương Chiểu, Hồng Nam, Quảng Châu (thành phố Hưng Yên), tỷ lệ nhãn ra hoa đậu quả năm nay nhiều hơn các năm trước khoảng 20%. Tuy nhiên sau khi bão số 1 xảy ra, hầu hết diện tích nhãn chuẩn bị cho thu hoạch ở các xã Hồng Nam, Quảng Châu, Phương Chiểu, Hoàng Hanh, Tân Hưng và phường Lam Sơn bị bão tàn phá, với hơn 550 ha bị rụng quả, thiệt hại hơn 80% sản lượng, hơn 200 ha bị rụng từ 30 đến 50% lượng quả.
Ông Nguyễn Văn Lâm và nhiều hộ trồng nhãn ở thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam cho hay, sau mưa bão, nhãn non gãy cành treo trên cây còn rất nhiều, quả khô và không vào cùi. Những cây không bị gãy cành thì quả nứt vỏ, thối đen và rụng do mưa lớn và kế tiếp là nắng gắt. Nhiều cây mới trưởng thành đến thời kỳ cho quả thì bị bật gốc nên quả hỏng hoàn toàn phải chặt bỏ.
Cùng với thành phố Hưng Yên, tại các huyện Tiên Lữ và Kim Động có 500 ha nhãn bị mưa bão làm thiệt hại từ 30 đến 50% sản lượng quả. Huyện Khoái Châu là nơi có diện tích nhãn lớn nhất tỉnh với hơn 1.500 ha nhãn cũng bị ảnh hưởng với hơn 10% lượng quả bị rụng.
So với các năm trước, thời điểm đầu tháng 8 là vụ thu hoạch rộ nhãn chính vụ, nhưng năm nay tại các vùng nhãn ở Hưng Yên mới cho thu hoạch nhãn chín sớm sản lượng không đáng kể. Hiện tại, nhiều hộ trồng nhãn vẫn đang phải khắc phục hậu quả mưa bão với các công việc như chặt bỏ, thu gom các cây nhãn bị gãy đổ, cắt tỉa các cành và quả non bị chết héo; chống buộc lại các cây bị đổ nghiêng và bổ sung thêm đất để đảm bảo chất lượng quả còn lại.
Thị trường rau quả trong nước tuần qua: nguồn cung khan hiếm do tác động thời tiết
Tuần qua, nguồn cung rau quả tại một số thị trường khan hiếm do ảnh hưởng của thời tiết xuất hiện mưa lớn cộng với dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn cho các loại rau củ.
Tại Quảng Nam, hiện đu đủ xanh (giống Quảng Ngãi) được thu mua với giá 2.500 – 3.500 đ/kg, đu đủ chín (giống Sinta) thu mua với giá từ 7.000 – 7.500 đ/kg.Mọi năm, đầu vụ giá đu đủ xanh được thu mua 5.000 đ/kg, đu đủ chín/ươm vàng thu mua giá 9.000 – 12.000 đ/kg.
Do tác động của thời tiết, nhiều địa phương xuất hiện mưa lớn cộng với dịch bệnh trước đó đã gây thiệt hại lớn cho các loại rau củ, dẫn đến nguồn cung khan hiếm. Trong khi đó, diện tích trồng rau củ ở tỉnh Lâm Đồng lại ít bị ảnh hưởng thời tiết hay dịch bệnh. Điều này khiến thương lái khắp nơi đổ về tỉnh Lâm Đồng để mua rau củ đưa đi nơi khác tiêu thụ, khiến mức giá của nhiều loại rau củ tăng so với tháng trước, song mức tăng không nhiều. Nếu so với tuần trước, nhiều loại rau củ tại đây không biến động quá nhiều. Cụ thể, cà chua đạt mức giá 20.000 đ/kg, cà rốt là 14.000 đ/kg.
Tại Tiền Giang, mít Thái siêu sớm giá tăng mạnh. Một nông dân trồng mít Thái ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho biết, hơn nửa tháng qua các thương lái cho người vào tận vườn của nông dân thu mua mít Thái siêu sớm với giá tăng mạnh từ 4.000-8.000 đồng/kg so với tháng trước. Hiện nay, mít Thái siêu sớm loại I (mít tròn đều, không bị sâu, trọng lượng từ 12 kg trở lên, múi to vàng) dạt mặt (cắt 1 phần vỏ để kiểm tra mít) được thương lái thu mua với giá giá 12.000 đồng/kg; nếu mua mít không dạt mặt thì có giá 11.000 đồng/kg. Đối với mít loại 2 (mít dạt ra từ loại 1) cũng có giá 8.000 đồng/kg.
Tại huyện Cái Bè, hiện nay vựa thu mít Thái siêu sớm loại 1 của nông dân chở tới vựa với giá 16.000 đồng/kg, còn mít loại 2 được mua với giá 12.000 đồng/kg. Vựa của bà Lập cũng đang thu mua mít non loại 3-7 kg/trái của nông dân để bán cho những người nấu đồ chay dịp rằm tháng 7 với giá 5.000 đồng/kg.
Trong những năm gần đây, mít Thái siêu sớm được xem là loại cây trồng đem lại nguồn thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, để cây mít cho năng suất và chất lượng cao, trong thời điểm hay mưa như hiện nay, các cán bộ kỹ thuật ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm vườn, có giải pháp xử lý để tránh tình trạng ngập úng và kịp thời phát hiện dịch bệnh để xử lý có hiệu quả.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Phòng NN và PTNT các địa phương, hiện nay tỉnh Tiền Giang có khoảng 1.180 ha mít đang cho trái. Trong đó, huyện Cai Lậy có khoảng 980 ha mít và được trồng tập trung tại các xã: Cẩm Sơn, Thanh Hòa, Long Khánh và Hội Xuân…; huyện Cái Bè có 200 ha trồng mít với tỷ lệ cho trái hơn 70% tập trung ở các xã: Đông Hòa Hiệp, Hòa Khánh, Hậu Thành, Mỹ Đức Tây, Mỹ Đức Đông, Hòa Hưng và An Thái Trung…
Hà Nội do ảnh hưởng của bão khiến nguồn cung rau tại một số chợ giảm, giá đã tăng với mức tăng dao động từ 1.000 – 5.000 đ/kg, tùy loại. Tăng nhiều nhất là những loại rau như rau muống, rau cải, rau mồng tơi. Đơn cử, rau cải có giá tăng từ 10.000 đ/kg lên 12.000 đ/kg, bắp cải cũng có giá 12.000 đ/kg, tăng 3.000 đ/kg so với trước.
  • Nguồn tin: Bộ Công Thương
  • Thời gian nhập: 18/08/2016
  • Số lần xem: 985