Thứ hai, 20/05/2024 - 01:00:50

Online: 161
Lượt truy cập: 4726979
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Thị trường hàng hóa trong nước tuần qua (10/08/2016)

ĐBSCL: Giá cá tra giảm mức kỷ lục

Giá cá tra nguyên liệu sụt giảm xuống mức kỷ lục, giá lúa gạo xuất khẩu bấp bênh…, nhiều mặt hàng nông nghiệp chủ lực ở ĐBSCL vẫn đang lâm vào cảnh lao đao chưa có hồi kết…

Trong tháng 7 vừa qua, xuất khẩu gạo của các DN đã giảm mạnh với khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 274.000 tấn, với giá trị đạt 120 triệu USD, nâng tổng khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2016 ước đạt 2,93 triệu tấn và 1,32 tỉ USD, giảm 18,4% về khối lượng và giảm 14,4% về giá trị so với cùng kỳ. Theo nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo, những tháng gần đây, doanh nghiệp chủ yếu giao hàng cho những hợp đồng đã ký trước đó, còn hợp đồng ký mới không nhiều; đặc biệt là hợp đồng tập trung có xu hướng giảm do sự thay đổi về chính sách nhập khẩu của các nước. Gạo Việt Nam cũng đang chịu áp lực cạnh tranh lớn từ Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ.
Ngoài lúa gạo, hiện giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Cụ thể, tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL như: An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre… giá cá tra nguyên liệu loại thịt trắng đang ở mức từ 17.500-18.500 đồng/kg, giảm hơn 2.000 đồng mỗi kg so với cùng kỳ.
Có thông tin lý giải việc giá xuất khẩu quá thấp như hiện nay còn do chính các nhà xuất khẩu cạnh tranh gay gắt muốn giành đơn hàng đã giảm giá bán sát đáy, kéo theo là giảm chất lượng, giảm giá thu mua. Các nhà nhập khẩu biết được điều này nên càng trả giá thấp.
Hiện nay, nhiều DN chế biến cá tra xuất khẩu đã trực tiếp tham gia nuôi cá tra để chủ động phần lớn nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu. Gần đây, giá cá tra phi lê xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp vẫn bình ổn nhưng giá thu mua cá tra nguyên liệu trong nước lại giảm mạnh là thiệt thòi lớn cho các hộ nuôi cá tra. Với giá bán cá tra nguyên liệu hiện nay, nhiều người nuôi cá đã lỗ trên dưới khoảng 3.000 đồng/kg...
Rau củ Đà Lạt tăng giá mạnh
Do tác động của thời tiết, nhiều địa phương xuất hiện mưa lớn cộng với dịch bệnh trước đó đã gây thiệt hại lớn cho các loại rau củ, dẫn đến nguồn cung khan hiếm.
Trong khi đó, diện tích trồng rau củ ở tỉnh Lâm Đồng lại ít bị ảnh hưởng thời tiết hay dịch bệnh. Điều này khiến thương lái khắp nơi đổ về các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng và TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để mua rau củ đưa đi nơi khác tiêu thụ.
Chủ một vựa nông sản tại TP Đà Lạt cho biết hiện các loại rau ngắn ngày như xà lách, diếp, bắp cải, hành lá... đều tăng giá gần gấp đôi so với tháng trước. Cụ thể, giá bán buôn rau diếp, xà lách và hành lá tại TP Đà Lạt lên đến 12.000 đồng/kg, củ dền 21.000-25.000 đồng/kg, hành tây 35.000-40.000 đồng/kg, tỏi tía 90.000-100.000 đồng/kg.
Theo anh Võ Hoàng Khương (người trồng rau tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng), hiện hành lá và xà lách được thương lái ở TP HCM thu mua với giá khá cao, từ 6-8 triệu đồng/sào, tăng gấp đôi so với tháng trước. Sau khi trừ chi phí, anh lãi khoảng 100-150 triệu đồng/ha/vụ.
Ông Trịnh Minh Hưng - ngụ phường 7, TP Đà Lạt - nhẩm tính: “Nếu như tháng trước, giá cần tây chỉ 8.000-12.000 đồng/kg, nay được thương lái thu mua tại vườn 24.000 -35.000 đồng/kg. Với giá này, sau hơn 1 tháng trồng, mỗi sào cần tây tôi lãi hơn 50 triệu đồng”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Hiền, Tổ trưởng Tổ Quản lý chợ nông sản Đà Lạt, cho biết do giá rau củ tăng cao nên các thương lái đến tận vườn thu mua, bà con ít mang ra chợ bán. Vì thế, lượng rau củ quả về chợ rất hạn chế. Ngay cả nông sản Trung Quốc cũng giảm mạnh so với trước. “Gần 2 tháng nay, nhiều xe tải phải chờ rất nhiều ngày mới có hàng để xuất đi TP HCM, Hà Nội” - ông Hiền nói.
  • Nguồn tin: Bộ Công Thương
  • Thời gian nhập: 10/08/2016
  • Số lần xem: 831