Thứ hai, 20/05/2024 - 00:07:20

Online: 170
Lượt truy cập: 4726783
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Báo cáo ngành hàng thủy sản tháng 4/2016 (19/05/2016)

anhtin

I. Thị trường thế giới:

* Nhập khẩu tôm đông lạnh vào Nhật Bản tiếp tục giảm do giá tôm cao và nhu cầu trong nước yếu. Đồng yên yếu khiến các nhà bán lẻ không thể giảm giá bán. Khác với ở Mỹ, giá tôm bán lẻ giảm nhờ đồng USD tăng. Nhiều kênh dịch vụ thực phẩm ở Nhật Bản đã bỏ tôm ra khỏi thực đơn do giá đắt. Khối lượng nhập khẩu trong năm tài chính 2015 (tháng 4/2015 đến tháng 3/2016) dự kiến giảm 6% so với năm trước đó trong khi khối lượng tiêu thụ giảm chỉ 2%. Theo đó, tồn kho dự kiến giảm. Doanh số bán buôn tôm trong tháng 1/2016 giảm sau khi tăng mạnh dịp cuối năm. Giá bán buôn dự kiến giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vẫn khá cao so với mức trung bình của các năm trước đó.

* Giá cá ngừ vằn giao cho nhà chế biến của Thái Lan đang tăng trở lại trong tháng Tư, do nguồn cung thấp hơn từ các tàu của Mỹ không đánh bắt cá trong ba tháng đầu tiên của năm. Trong tháng Tư, giá giao tới Bangkok đạt khoảng 1.600 USD/tấn, tăng 100- 150 USD/tấn so với tháng Ba. Với việc đội tàu của Mỹ ở Tây và Truing Thái Bình Dương tạm dừng hoạt động từ 1/1 đến 2/3 do sự bế tắc với hiệp ước cá ngừ giữa Mỹ và các nước PNA, sự tổn thất khối lượng đưa ra thị trường là rất lớn. Mặc dù hầu hết đội tàu Mỹ đang ra khơi đánh bắt trở lại, nhưng sản lượng đánh bắt không lớn. Kết quả là, có “một chút khủng hoảng ở Bangkok”.
* Giá cá ngừ vằn giao cho các nhà chế biến của Ecuador đang tăng lên và dự kiến đạt 1.600 USD/tấn trong tuần này. Tuần trước, giá ở mức 1.500 USD/tấn, tăng đáng kể so với mức giá thấp khoảng 900 USD/tấn trong cùng thời điểm này năm trước. Giá cá ngừ vằn của Ecuador không tăng vào đầu năm nay do nhu cầu từ châu Âu giảm, nhưng trong 1 tuần trở lại đây giá đã tăng “mạnh”. Ba tháng bế tắc trong hiệp ước cá ngừ giữa Mỹ và các nước PNA (các nước tham gia Hiệp định Nauru) về quyền đánh cá ở Thái Bình Dương không những dẫn đến sự đột biến trong giá cá ngừ vằn giao Bangkok, Thái Lan, mà còn thúc đẩy giá tăng ở Ecuador. Giá cá ngừ giao ở Manta, Ecuador luôn luôn theo sau giá của Bangkok và thường có sự chênh lệch nhỏ về giá giữa hai trung tâm chế biến cá ngừ lớn nhất trên thế giới, một nhà sản xuất cá ngừ nói. Ngoài ra, sản lượng đánh bắt của đội tàu Ecuador ở Đông Thái Bình Dương cũng giảm do ảnh hưởng của El Nino. Công ty phân tích Bualuang Securities dự báo giá cá ngừ sẽ ở trong phạm vi 1.000-1.500 USD/tấn trong năm 2016, do nguồn cung cá ngừ tăng từ các tàu khai thác lớn hơn từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Tranh chấp giữa Mỹ – PNA sẽ tác động đến 25-30% nguồn cung cá ngừ toàn cầu nhưng sự thông qua hiệp ước giữa hai bên sẽ thiết lập giai đoạn bình ổn giá trong vài tháng tới.
* Do mùa vụ khai thác sò điệp ở bờ biển phía đông nước Mỹ sắp diễn ra, hai trong số các công ty sò điệp lớn nhất thế giới nhận thấy rằng giá cao hiện tại với nguồn cung thắt chặt trong năm 2016 sẽ sớm dịu trở lại trong năm 2017. Eastern Fisheries, công ty sò điệp lớn nhất thế giới cho biết nguồn cung sò điệp của Mỹ giảm dự kiến sẽ giữ giá cao, ít nhất là trong thời gian ngắn. Theo công ty này, triển vọng chung của năm nay vẫn là xu hướng giảm nguồn cung, giá cao nhưng triển vọng tổng thể cho năm 2017 là một sự phục hồi đáng kể từ góc độ cung và giá có xu hướng giảm. Nguồn cung toàn cầu sẽ tiếp tục phải đối mặt với áp lực vào năm 2016, giá sẽ vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như nhập khẩu, tiền tệ, nền kinh tế bởi sò điệp là một sản phẩm có giá trị cao. Hiện tại, nguồn cung sò điệp cỡ lớn (U10s và U5s) rất hạn chế, nhất là cỡ < U10s trên toàn cầu đã thực sự giảm trong vài năm gần đây, đó là lý do tại sao giá tăng đến chóng mặt.
* Ngư trường khai thác cua tuyết tại vùng Primorye, miền Viễn Đông Nga, đã mở cửa với hạn ngạch khai thác cua tuyết là 4.678 tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Các ngư dân Nga chủ yếu cung cấp các sản phẩm tươi sống cho Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi các sản phẩm đông lạnh thì rất hạn chế. Sự chuyển đổi này là do giá cua sống cao, hiện đang được bán với giá 28 USD/kg. Mặt khác, các sản phẩm đông lạnh dạng nguyên liệu không được bán tại chợ đấu giá từ ngày 24 tháng 3. Các nhà đóng gói của Nga đang chào bán với mức giá 14 USD/kg, nhưng chưa ký kết hợp đồng mua bán với Nhật Bản. Ngày 10 tháng 4, ngư trường khai thác cua tuyết tại miền bắc Okhotsk sẽ bắt đầu với hạn ngạch 13.440 tấn, tăng 12%. Các nhà sản xuất chính của Nga đang lên kế hoạch sản xuất nhiều sản phẩm tươi sống hơn. Một nhà sản xuất lớn cho biết họ đã sử dụng 80% hạn ngạch để cung cấp các sản phẩm tươi sống. Nguồn cung cua tuyết đông lạnh cho thị trường Nhật Bản đang giảm. Sau khi 1 chương trình chống khai thác bất hợp pháp giữa Nga và Nhật Bản có hiệu lực, hầu hết cua của Nga được xuất sang thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Năm ngoái, 6.000 tấn đã được xuất khẩu sang 2 nước này dưới dạng tươi sống. Các ngư dân Nga đang muốn tăng nguồn cung lên 10.000 tấn trong năm nay. Tổng hạn ngạch cua tuyết tại vùng Viễn Đông của Nga đã tăng 5% đạt 20.422 tấn trong năm 2016. Tuy nhiên, sản lượng cua đông lạnh không tăng. Mặt khác, ngư trường khai thác cua tuyết tại miền đông Canada dự kiến sẽ bắt đầu sớm hơn thường lệ.
* Giá bột cá của Peru đã ổn định trở lại mức trong tháng 1, trong khi các nhà sản xuất đang chờ đợi hạn ngạch đánh bắt cá trỏng đầu tiên cho năm 2016, dự kiến sẽ được biết trong tháng 5. Giá bột cá hiện đang ở trong khoảng 1.720-1.770 USD/tấn, FOB Peru, cho loại tốt nhất, ngang với mức giá trong tháng 1, sau khi sụt giảm xuống 1.600 USD/tấn trong tháng 2. Giá tăng trở lại do sự phục hồi trong nhu cầu của Trung Quốc cao hơn dự kiến từ tháng 6 – khi sản lượng tôm hồi phục ở các quốc gia châu Á. Trong khi đó, dự trữ bột cá của Peru là “rất hiếm” và đang cạn kiệt, với hàng tồn kho hiện nay dao động từ 15.000 – 30.000 tấn. Hiện tượng thời tiết El Nino vẫn còn hiện diện ở Peru, nhưng nó đã bắt đầu giai đoạn suy giảm . Tuy nhiên, rất khó để dự đoán điều kiện khai thác vào lúc bắt đầu mùa vụ đánh bắt đầu tiên của năm (dự kiến diễn ra từ tháng 5 – tháng 7), một nhà sản xuất bột cá cho biết. Dự trữ bột cá hiện nay có thể cạn kiệt một cách nhanh chóng do nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc đối với bột cá.
* Giá tôm từ Ecuador đã tăng lên do mưa nhiều dẫn đến bởi El Nino làm sản lượng thu hoạch giảm, đặc biệt đối với tôm kích thước nhỏ. Mưa lớn, dự kiến sẽ tiếp tục cho đến giữa tháng Tư, đã ảnh hưởng đến sản lượng tại một thời điểm khi nhu cầu của Trung Quốc tăng và người mua sẵn sàng trả giá cao hơn cho các đơn đặt hàng mới, một số nhà sản xuất tôm của Ecuador cho biết. Ecuador là một trong số ít các quốc gia hiện đang sản xuất tôm hiện nay – chẳng hạn như vụ tôm của Trung Quốc sẽ không tiếp tục cho đến tháng Sáu – nhưng thu hoạch gặp khó khăn có nghĩa là sản lượng ít hơn, vì vậy các nhà máy chế biến đang cạnh tranh thu mua hàng, khiến giá nguyên liệu tăng. Vì vậy, các công ty chế biến đã điều chỉnh giá xuất khẩu theo giá mới của nguyên liệu. Một nguồn tin cho biết, giá thu mua tôm nguyên liệu ở Ecuador, cho tôm HOSO cỡ 30/40 trong khoảng 6,40 – 6,80 USD/kg; cỡ 40/50 ở mức 5,90-6,0 USD/kg; cỡ 50/60 ở mức 5,5 USD/kg; cỡ 60/70 là 5 USD/kg và cỡ 70/80 từ 4,15 -4,20 USD/kg. Nhu cầu đối với cỡ 40/50 và 50/60 là mạnh mẽ, nhưng khối lượng là không đủ. Đối với cỡ 60/70 và 70/80 nguồn cung rất thấp.
Tình trạng thiếu tôm của Ecuador đã được phản ánh trong dữ liệu nhập khẩu của Mỹ trong tháng 2/2016. Nhập khẩu tôm của Mỹ từ Ecuador đã giảm 11,1% trong tháng 2/2016 từ 7.626 tấn xuống 6.781 tấn tháng 2/2015, theo số liệu mới nhất từ NOAA. Trong khi lượng cung tiếp tục bị ảnh hưởng, giá có thể tiếp tục tăng trong vài ba tháng tới và sau đó nó sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng trong sản xuất ở Ấn Độ, giám đốc điều hành một nhà xuất khẩu tôm lớn cho biết. Do nhu cầu quốc tế thấp hơn và lũ lụt hồi năm ngoái, tăng trưởng xuất khẩu của Ấn Độ đối với tôm đông lạnh có thể giảm xuống mức một con số trong năm 2016. Mặc dù Ấn Độ có khả năng tăng diện tích nuôi năm nay, mối lo dịch bệnh sẽ khiến nông dân thu hoạch tôm của họ thường xuyên hơn và kích thước nhỏ hơn. Theo Phòng Nuôi trồng thủy sản quốc gia Ecudo (CAN), đến cuối tháng Tư, sản lượng tôm của Ecuador có thể sẽ đạt mức tăng trưởng bằng 0 hoặc lên đến tối đa là 3% do tác động của mưa lớn. Năm ngoái, xuất khẩu tôm của Ecuador đạt mức cao kỷ lục với 720 triệu pound và CNA dự kiến kim ngạch xuất khẩu tôm có sự tăng trưởng nhẹ trong năm 2016.
* Mỹ nhập khẩu một số lượng kỷ lục cá tra philê đông lạnh trong tháng 2/2016 khi người mua dự đoán chương trình thanh tra cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) được thực thi từ ngày 1/3/2016 chắc chắn sẽ tác động đến thị trường.
Tổng lượng nhập khẩu cá tra philê đông lạnh đạt 27,1 triệu pound trong tháng 2/2016, tăng tới hơn 3 triệu pound so với tháng 2/2015 và tăng 24,5% so với tháng 2/2014. Việt Nam là nhà cung cấp duy nhất cho thị trường.
Tổng nhập khẩu philê cá tra đông lạnh của Mỹ
Chương trình có hiệu lực vào ngày 1 tháng 3/2016 mặc dù các nhà cung cấp nước ngoài có giai đoạn chuyển tiếp 18 tháng để các cơ sở của họ đạt được tiêu chuẩn tương đương với Mỹ. Tính đến tháng Ba, phần lớn các nhà cung cấp lớn nhất trong danh sách đầu tiên các công ty đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Mỹ của USDA đã được phê duyệt.
Cho đến nay không có dấu hiệu cho thấy chương trình thanh tra của USDA sẽ cản trở các lô hàng thị trường này trong năm nay. Nếu có thì hạn hán nghiêm trọng ở sông Mê Kông và việc các nhà sản xuất thua lỗ do giá cá thấp rút khỏi nghề nuôi cá tra sẽ là một mối đe dọa trực tiếp hơn đến nguồn cung cấp chung cá tra cho thị trường Mỹ.
Nhưng với số liệu nhập khẩu hiện nay, Mỹ đang đi đúng hướng để thiết lập một kỷ lục đối với khối lượng nhập khẩu cá tra trong năm 2016.
II. Thị trường trong nước:
Giá cá tra nguyên liệu tại khu vực ĐBSCL trong tháng Tư tiếp tục đà tăng giá của tháng trước. Nếu như đầu tháng 3, giá cá chỉ ở mức 19.000 đồng/kg thì sang đầu tháng 4 này đã vọt lên 23.000 đồng và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, từ giữa tháng Tư, do nhu cầu thu mua đã chững lại nên giá không còn tăng mạnh, hiện giá cá tra nguyên liệu size 700-900 gr/con ở mức 22.000-23.000 đồng/kg (trả chậm), tăng khoảng 500 đ/kg so với thời điểm cuối tháng 3.
Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp chế biến cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cung cấp thông tin với báo chí cho biết sản lượng cá tra nguyên liệu giảm đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái, thậm chí có một số nhà máy phải đóng cửa vì “đói” nguyên liệu. Thế nhưng, tình hình thiếu hụt nguyên liệu không quá nghiêm trọng như vậy. Theo Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius), tuy diện tích, sản lượng cá tra nguyên liệu trong những tháng đầu năm nay có giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng không đến mức nghiêm trọng như một số thông tin đã đăng tải trên báo chí trước đó. Tính đến ngày 19-4-2016, diện tích nuôi mới cá tra ở ĐBSCL đạt 801 héc ta, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng thu hoạch đạt gần 252.220 tấn, giảm chỉ 11%, tương đương hơn 27.700 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo VN Pangasius, nhiều khả năng sắp tới giá cá tra nguyên liệu sẽ có xu hướng tăng thêm, nhưng sẽ không nhiều và điều này còn phụ thuộc khá lớn vào diễn biến nhu cầu của thị trường nhập khẩu.
Giá tôm sú nguyên liệu tại ĐBSCL trong tháng này đã có dấu hiệu phục hồi sau khi giảm mạnh từ 10.000 – 30.000 đ/kg vào tháng trước, nguyên nhân chính khiến giá tôm tăng là do nguồn cung yếu. Tại Cà Mau, tôm sú cỡ 20 con/kg hiện ở mức 273.000 đ/kg, tăng 3.000 đ/kg so với thời điểm cuối tháng 3; cỡ 30 con/kg là 203.000 đ/kg (+ 3.000 đ/kg) và cỡ 40 con/kg là 152.000 đ/kg (+ 2.000 đ/kg). Giá tôm thẻ chân trắng cũng tăng nhẹ : cỡ 70 con/kg ở mức 131.000 đ/kg (+ 4.000 đ/kg), cỡ 100 con/kg là 109.000 đ/kg (+ 4.000 đ/kg).
Trong khi giá tôm và một số loại thủy sản ở Nam bộ chỉ tăng nhẹ mặc dù hạn hán, xâm nhập mặn cũng như dịch bệnh đang tác động tới hoạt động nuôi trồng thủy sản thì những ngày qua, giá tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại Hà Nội và nhiều địa phương ở miền Bắc lại tăng thêm 50.000 – 80.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tôm rảo đã tăng lên mức 180.000 – 250.000 đồng/kg, tôm thẻ chân trắng đang bán với giá 250.000 đồng/kg. Tôm nước ngọt cũng có giá 250.000 đồng/kg. Đặc biệt, giá tôm sú đang bán tới 450.000 đồng/kg. Đây là mức tăng kỷ lục từ trước đến nay. Nguyên nhân được cho là hiện nay đang là thời điểm cuối vụ, các điểm nuôi tôm ở miền Bắc đã thu hoạch gần hết nên đây chính là thời điểm khan hiếm hàng nhất. Thêm vào đó, năm nay ĐBSCL bị xâm nhập mặn nặng nề, hạn hán kéo dài nên cũng bị thất thu nặng vụ tôm. Thành ra thị trường “khát” tôm, do đó giá cũng bị đẩy lên cao.
III. Nhận định và dự báo:
Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 4 năm 2016 ước đạt 564 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 4 tháng đầu năm 2016 đạt 1,97 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2015. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2016, chiếm 51,47% tổng giá trị xuất khẩu. Trong 3 tháng đầu năm 2016, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Hoa Kỳ (15,08%); Trung Quốc (33,18%), (Thái Lan (24,41%) và Anh (20,48%)
Sau thời gian dài gặp khó khăn thì trong quý 1-2016, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 9% so cùng kỳ năm ngoái; đây là sự phục hồi đáng mừng của ngành thủy sản.
Cụ thể, 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra đều tăng lần lượt là 12,2% và 4,2%. Các thị trường chính của thủy sản Việt Nam cũng tăng mạnh, như: thị trường Mỹ tăng 21%, thị trường Trung Quốc tăng 33%, thị trường ASEAN tăng 22%; riêng Brazil nhập khẩu cá tra của Việt Nam tăng gấp 8 lần so cùng kỳ năm ngoái… Qua theo dõi, thị trường Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu cá tra của Việt Nam khá lớn, còn Brazil dự báo sẽ tiếp tục tăng…
Kim ngạch xuất khẩu đang tăng nhưng trước mắt vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Theo VASEP, bất lợi lớn nhất hiện nay là Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra phán quyết cuối cùng mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR 11) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn 1-8-2013 đến 31-7-2014. Theo đó, mức thuế dao động từ 0,41 – 0,97 USD/kg, mức thuế bình quân là 0,69 USD/kg; đây là mức thuế rất khó để doanh nghiệp Việt Nam xuất cá tra vào thị trường Mỹ trong thời gian tới. Hiện tại có khoảng 27 doanh nghiệp cá tra của Việt Nam đang theo đuổi và tham gia xem xét hành chính lần thứ 12 (POR 12), dự kiến vào tháng 9-2016 sẽ có kết quả sơ bộ. Song song đó, cá tra của Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với các loài cá thịt trắng ở EU, Mỹ, Nga… Vì vậy, ngành chức năng và doanh nghiệp cần chủ động ứng phó, đẩy mạnh quảng bá, tìm thị trường… Thêm cái khó là sản lượng cá tra nguyên liệu thiếu hụt, trong khi giá cá đang tăng nhưng người dân không dám nuôi mới bởi hết vốn và ngân hàng “ngại” cho vay.
Trước tình hình trên, VASEP cho rằng, các ngành chức năng và doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa thì mới mong kim ngạch xuất khẩu thủy sản 2016 đạt khoảng 7 tỷ USD, tăng 6,3% so năm 2015.
  • Nguồn tin: nghenong.com
  • Thời gian nhập: 19/05/2016
  • Số lần xem: 789