Thứ hai, 20/05/2024 - 01:17:42

Online: 177
Lượt truy cập: 4727046
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Thị trường gạo châu Á tuần qua: Giá gạo Việt Nam tăng, gạo Thái Lan giảm (17/03/2016)

- Giá gạo Việt Nam tăng bởi các nhà xuất khẩu đang tích cực bốc xếp, nhu cầu từ Trung Quốc và thời tiết khô hạn.

- Giá gao Thái Lan giảm bởi thiếu vắng nhu cầu.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tuần này tăng do các nhà xuất khẩu tiếp tục bốc xếp hàng theo những hợp đồng đã ký từ năm ngoái, và khả năng thời tiết khô hạn sẽ gây thiệt hại cho vụ mùa ở ĐBSCL, trong khi giá gạo Thái Lan giảm bởi thiếu đơn đặt hàng.
Thu hoạch lúa Đông xuân – vụ lúa lớn nhất cả nước – tại ĐBSCL sẽ cao điểm trong tháng này, nhưng tình hình nhiễm mặn do hiện tượng thời tiết El Nino đã và đang ảnh hưởng tới chất lượng lúa.
Hiện vựa lúa lớn nhất cả nước đang bị hạn hán và mặn xâm thực nghiêm trọng nhất trong vòng 90 năm.
Tại cuộc họp báo về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2016, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: “Theo dự báo, tháng 3 sẽ là cao điểm của khô hạn, xâm nhập mặn và tình trạng này kéo dài tới tháng 6-2016. Vì vậy chúng ta phải tập trung cao độ, huy động các nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn, xâm nhập mặn với mục tiêu cuối cùng phải giảm được tối đa thiệt hại do hậu quả của hạn hán, xâm nhập mặn gây ra”.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan phải hết sức quan tâm lo nước cho dân, trước hết là nước uống, nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất, kịp thời hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại theo quy định hiện hành để sớm ổn định cuộc sống, sản xuất. 
Gạo 5% tấm của Việt nam giá tăng lên 355-367 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, từ mức 355 – 365 USD/tấn một tuần trước đây, trong khi gạo 25% tấm giá 345-350 USD/tấn so với 340-350 USD/tấn một tuần trước.
Reuters dẫn lời một thương gia cho  biết: “Các nhà xuất khẩu không muốn chào bán gạo vào lúc này mà chờ xem tình hình thời tiết khô hạn diễn biến như thế nào”.
Hiện các nhà xuất khẩu vẫn đang bốc xếp gạo lên tàu theo các hợp đồng đã ký với Indonesia và Philippines từ cuối năm 2015, trong bối cảnh khách hàng Trung Quốc cũng đang mua khá nhiều, giúp đẩy giá tăng lên.
Xuất khẩu gạo Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2016 ước tăng 109,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,01 riệu tấn, chủ yếu sang Indonesia và philippines, theo Bộ NN&PTNT.
Tại Thí Lan, thị trường vẫn trầm lắng trong 2 tháng qua. Giá gạo 5% tấm của Thái hiện giảm xuống 360-365 USD/tấn, FOB, từ mức 373 – 375 USD/tấn một tuần trước đây.
Đồng USD mạnh đã ảnh hưởng tới sức mua của khách hàng quốc tế, và giá gạo Việt Nam rẻ hơn ảnh hưởng tới nhu cầu gạo Thái.
Nhưng do giá gạo Việt Nam đang tăng lên và giá gạo Thái giảm xuống nên các nhà xuất khẩu Thái hy vọng xuất khầu gạo của họ sẽ sớm tăng trở lại.
Trong tháng 1, Thái Lan đã xuất khẩu trên 1 triệu tấn gạo, trị giá hơn 15,5 tỷ baht, theo Bộ Thương mại nước này.
Trong bối cảnh hạn hán nghiêm trọng và giá gạo giảm thấp, Thái Lan đã thông báo các biện pháp hỗ trợ người trồng lúa với trị giá 285 triệu USD, bao gồm hỗ trợ nông dân trong việc sản xuất lúa và cho nông dân vay tiền với lãi suất thấp để họ lưu trữ lúa lại.
Hiện quốc gia Đông Nam Á này cũng đang bị khô hạn nghiêm trọng nhất trong vòng nhiều thập kỷ, ảnh hưởng tới sản lượng gạo. Tuy nhiên, giá gạo tại đây không vì đó mà tăng lên, bởi vẫn còn khoảng 12 triệu tấn dự trữ từ các vụ trước và nhu cầu từ Trung Quốc – nước tiêu thụ gạo hàng đầu thế giới – yếu đi do tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Giá gạo Thái đã giảm gần 40% trong 3 năm qua, và chỉ tăng khoảng 8% từ đầu năm 2016 tới nay.
Ủy ban quản lý gạo Thái Lan dự báo nhu cầu trong nước và thế giới đối với lúa Thái Lan năm nay sẽ đạt khoảng 25 triệu tấn. Sản lượng gạo Thái năm 2016 dự báo đạt 27,17 triệu tấn, so với mức trung bình trên 30 triệu tấn những năm gần đây.
Một số thông tin liên quan
Indonesia đặt mục tiêu sản xuất 76,22 triệu tấn lúa năm 2016
Bộ Nông nghiệp Indonesia cho biết nước này đặt mục tiêu sản xuất 76,22 triệu tấn lúa và 24 triệu tấn trong năm 2016. Sản lượng lúa năm 2015 ước đạt 75,36 triệu tấn, trong khi sản lượng ngô là 19,61 triệu tấn.
Thái Lan công bố chiến lược đẩy mạnh tiêu thụ gạo và hạn chế sản lượng
Chính phủ Thái Lan đã công bố chiến lược lúa gạo dài hạn với hy vọng thúc đẩy tiêu thụ nội địa và hạn chế sản lượng, theo Thái PBS.
Thủ tướng Thái Lan cho biết, tiêu thụ gạo theo đầu người của nước này đã giảm từ 190kg/năm xuống 106kg/năm trong một thập kỷ qua.
Chiến lược này cũng bao gồm cả việc cung cấp cho nông dân giống chất lượng cao và hỗ trợ tài chính, cũng như khuyến khích họ chuyển đổi sang loại cây trồng hiệu quả hơn.
Nhập khẩu gạo Iran 2015-2016 dự báo đạt 1,2 triệu tấn
Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) dự báo Iran sẽ nhập khẩu 1,2 triệu tấn gạo trong năm 2015-2016 (tháng 4 - tháng 3) bất chấp sản lượng lúa của nước này năm 2015 tăng.
Tổng nhập khẩu ngũ cốc của Iran năm 2015-2016 dự báo giảm 35% xuống còn 10 triệu tấn.
Theo ước tính của FAO, sản lượng lúa năm 2105 của Iran đạt 2,7 triệu tấn, tăng 17% so với 2,3 triệu tấn năm 2014.
Ấn Độ đã thu mua 28,4 triệu tấn gạo, tăng 21% so với cùng kỳ
Từ đầu niên vụ 2015-2016 (tháng 10/2015 - tháng 9/2-2016) đến nay, Tổng công ty Lương thực Ấn Độ (FCI) đã thu mua được 28,4 triệu tấn gạo, tăng 21% so với 23,42 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Chính phủ Ấn Độ đặt mục tiêu thu mua 30 triệu tấn gạo trong niên vụ 2015-2016. Tuy nhiên, dựa vào xu hướng hiện tại, dự đoán lượng gạo thu mua năm nay sẽ vượt 32 triệu tấn của năm ngoái.
Trong ước tính mới đây, chính phủ Ấn Độ dự báo sản lượng gạo của nước này trong niên vụ 2015-2016 (tháng 7 - tháng 6) giảm 2% xuống 103,61 triệu tấn so với 105,48 triệu tấn niên vụ trước.
Trong một diễn biến khác, giá gạo bán buôn tại Ấn Độ trong tháng 2/2016 giảm nhẹ sau khi tăng 3 tháng liên tiếp do lo ngại sản lượng giảm.
Theo đó, giá gạo bán buôn bình quân trong tháng 2/2016 đạt 2.773,3 rupee/tạ, tăng nhẹ so với 2.782,77 rupee/tạ trong tháng 1/2016, nhưng giảm nhẹ so với 2.787,06 rupee/tạ cùng kỳ năm ngoái.
Tính theo USD, giá gạo bán buôn trong tháng 2 đứng ở 404 USD/tấn, giảm 3% so với 415 USD/tấn trong tháng 1/2016 và giảm 10% so với 450 USD/tấn trong tháng 2/2015.
World Bank khuyến nghị Philippines mở cửa thị trường nhập khẩu gạo
Kinh tế trưởng World Bank đã tư vấn Philipppines bãi bỏ hạn chế định lượng về nhập khẩu gạo và mở cửa thị trường nhập khẩu gạo nhằm kiềm chế giá gạo tăng bất thường và nâng cao hiệu quả của ngành lúa gạo, tờ Manila Times đưa tin.
Phát biểu tại Diễn đàn Thương mại lần thứ 3 của Manila Times, Kinh tế trưởng World Bank cho rằng, chính sách độc quyền nhập khẩu gạo hiện nay của chính phủ Philippines không mang lại lợi ích cho nông dân và quốc gia và rằng chính sách này sẽ không giúp làm tăng thu nhập của nông dân hay kiểm soát được giá gạo bán lẻ.
Philippines đã không thể đạt được mục tiêu tự túc lúa gạo do khoảng cách lớn giữa sản lượng và tiêu thụ. Chính sách "mua giá cao" từ nông dân và "bán giá thấp cho người nghèo" của chính phủ Philippines không hiệu quả.
Việc mở cửa thị trường nhập khẩu gạo sẽ điều chỉnh những yếu tố không hiệu quả khi thương nhân có đủ thời gian để nhập khẩu và có thể tránh được việc giá gạo nội địa tăng lên.
World Bank khuyến nghị Philippines nên bãi bỏ hạn chế định lượng và hạn ngạch thuế trong trung hạn và từng bước giảm thuế trong dài hạn để được mục tiêu đề ra.
Campuchia thiếu chính sách xuất khẩu gạo đồng bộ
Các nhà xuất khẩu gạo Campuchia đã bày tỏ lo ngại nước này thiếu chính sách xuất khẩu gạo đồng bộ - có thể hỗ trợ tăng sản lượng và xuất khẩu, tờ Phnompenh Post đưa tin.
Theo các nhà xuất khẩu gạo, dù giành thắng lợi trong cuộc thi gạo tốt nhất thế giới 3 năm liền, song ngành lúa gạo Campuchia tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức như khả năng tiếp cận tài chính, thiếu hệ thống thủy lợi, cơ sở xay xát và kho chứa.
Các bộ ngành liên quan như Bộ Kinh tế và Tài chính cùng với Bộ Nông nghiệp và Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF) chưa đưa ra được chiến lược toàn diện, các chính sách và khung thực hiện chính sách để nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành lúa gạo nước này trên thị trường quốc tế.
Trong một diễn biến khác, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Campuchia (CEDAC) đang lên kế hoạch tăng sản lượng gạo sinh thái lên 1.000-1.500 tấn trong năm nay do tiềm năng xuất khẩu cao. Năm 2014, sản lượng gạo sinh thái của Campuchia đạt 400 tấn, tăng lên 800 tấn trong năm 2015.
Năm 2015, Campuchia xuất khẩu được 538.396 tấn gạo, tăng 39% so với 387.061 tấn năm 2014. Chính phủ Campuchia đặt mục tiêu xuất khẩu chính ngạch 1 triệu tấn trong năm 2015 nhưng không đạt được mục tiêu do thiếu cơ sở xay xát và cơ sở hạ tầng phù hợp cũng như khả năng tiếp cận vốn.
  • Nguồn tin: Bộ Công Thương
  • Thời gian nhập: 17/03/2016
  • Số lần xem: 787