Thứ hai, 20/05/2024 - 06:24:40

Online: 164
Lượt truy cập: 4728113
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Thị trường lúa gạo châu Á tuần qua: Giá gạo Việt giảm khoảng cách, gạo Thái giảm (28/12/2015)

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thu hẹp khoảng cách trong những ngày qua, trong bối cảnh giao dịch thưa thớt, còn gạo Thái Lan tiếp tục giảm do nhu cầu yếu và nội tệ giảm giá.

Thái lan và Việt Nam – hai nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới sau Ấn Độ, đều đang nỗ lực tìm kiếm khách hàng trong bối cảnh thị trường mấy tuần gần đây giao dịch rất chậm.
Gạo 5% tấm của Việt Nam giá chào bán 375-378 USD/tấn, so với 373-380 USD/tấn một tuần trước đây, FOB cảng Sài Gòn, trong khi gạo 25% tấm giá 355 USD/tấn, giảm so với 360 USD/tấn một tuần trước.
“Gần như không có đơn đặt hàng mới, giá chào hiện quá cao”, một nhà xuất khẩu ở TP HCM cho biết, và thêm rằng việc giao dịch gần đây chủ yếu là theo các hợp đồng liên chính phủ.
Philippines, một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới, có kế hoạch ký thêm hợp đồng mua khoảng 300.000 – 400.000 tấn gạo vào tháng Giêng để giao vào quý II, nhằm đảm bảo đủ cung trong bối cảnh lo ngại thời tiết năm tới sẽ khô hạn, theo tin từ Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines.
Nhưng các thương gia cho biets Philippines có thể mua từ những nước khác nữa chứ không chỉ từ Việt Nam, bởi giá gạo Việt hiện cao hơn so với nhiều nước khác.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm giarmveef 345 – 355 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 353-365 USD/tấn một tuần trước đây.
Các thương gia ở Bangkok cho biết giá giảm do thiếu vắng nhu cầu mới trong khi đồng baht tiếp tục giảm giá.
Các thương gia cho biết kỳ nghỉ lễ dài ngày cuối năm sắp tới là lý do chính làm thiếu vắng nhu cầu, và dự báo thị trường gạo Thái sẽ còn trầm lắng tới những tháng đầu năm 2016.
Bộ Thương mại Thái Lan dự đoán xuất khẩu gạo của nước này năm 2016 chỉ đạt 9 triệu tấn, giảm so với 10 triệu tấn năm 2015, do thời tiết khô hạn - ảnh hưởng xấu đến nhiều vùng sản xuất lúa trong năm nay - kéo giảm sản lượng lúa năm 2016. Kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2016 đạt khoảng 4,79 tỷ USD, giảm so với 4,86 tỷ USD năm nay.
10 tháng đầu năm nay, Thái Lan đã xuất khẩu được 7,814 triệu tấn gạo, giảm 11% so với 8,77 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA).
Trong báo cáo mới đây của mình, Fitch Rating dự báo sản lượng gạo thế giới năm 2015/16 sẽ giảm 0,5% xuống 476 triệu tấn, lần giảm đầu tiên trong vòng 7 niên vụ, trong khi tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng vững, với nhu cầu nhập khẩu gia tăng từ Trung Quốc, Philippines và Indonesia.
Sản lượng giảm có thể dẫn tới thiếu hụt 11 triệu tấn trong niên vụ 2015/16, sau khi dư thừa trung bình 6 triệu tấn/năm trong 10 năm qua.
Một số thông tin liên quan
Lô gạo hư hỏng đầu tiên của Thái Lan bán được 5,5 triệu USD
Thái Lan đã bán được 37.412 tấn gạo hư hỏng - lô gạo hư hỏng đầu tiên được đấu giá, thu về 198 triệu baht (5,5 triệu USD), Reuters đưa tin.
Lượng gạo chất lượng thấp này sẽ được sử dụng cho mục đích công nghiệp, được bán với giá bình quân 5.020-5.420 baht/tấn (140-150 USD/tấn).
Thư ký thường trực Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, lượng gạo hư hỏng này không còn phù hợp cho tiêu thụ của người và cần phải xả bán để cắt giảm chi phí lưu kho. Chính phủ Thái Lan hiện phải chi 30 triệu baht (837.614 USD)/tấn cho phí lưu kho gạo.
Chính phủ Thái Lan dự định bán 2 triệu tấn gạo lưu kho hư hỏng với từng đợt 1.000-6.000 tấn, để sử dụng cho mục đích công nghiệp.
Trong 10 phiên đấu giá kể từ khi chính phủ quân sự lên nắm quyền hồi tháng 5/2014, Thái Lan đã bán được 4,6 triệu tấn gạo lưu kho, thu về 49 tỷ baht (1,4 tỷ USD). Hiện nước này vẫn còn 13 triệu tấn gạo lưu kho, trong đó 6 triệu tấn "dưới tiêu chuẩn hoặc hư hỏng" và không còn phù hợp cho tiêu dùng của người, theo thông báo của Bộ Thương mại Thái Lan.
Thái Lan thông qua việc bán 37.000 tấn gạo hư hỏng
Ủy ban Chính sách Lúa gạo Quốc gia (NRPC) đã thông qua việc bán 37.000 tấn gạo hư hỏng lưu kho cho các cơ sở sản xuất phân bón và sản xuất điện, theo Bloomberg.
Đây là một phần trong số 37.413 tấn gạo hư hỏng lưu kho chào bán trong phiên đấu giá hôm 1/12/2015. Giá bán được thông qua là 5.020-5.420 baht/tấn (139-150 USD/tấn).
Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch bán 2 triệu tấn gạo hư hỏng lưu kho cho mục đích sử dụng công nghiệp với từng lô 1.000-6.000 tấn.
Thái Lan đã bán được 4,6 triệu tấn gạo lưu kho, thu về 49 tỷ baht (1,4 tỷ USD) trong 10 phiên đấu giá kể từ khi chính phủ quân sự lên nắm quyền hồi tháng 5/2014.
Với 13 triệu tấn gạo lưu kho, Thái Lan hy vọng xuất khẩu được 10 triệu tấn gạo trong năm nay và 9 triệu tấn năm 2016.
Xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo ảm đạm đến tận quý I/2016
Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post) dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ tiếp tục ảm đạm cho đến tận quý I/2016 bất chấp xuất khẩu hồi phục trong tháng 10.
USDA Post dự báo xuất khẩu gạo của Thái Lan tháng 11 giảm xuống 600.000-700.000 tấn.
Xuất khẩu gạo của Thái Lan trong tháng 10 tăng chủ yếu nhờ giá xuất khẩu giảm so với gạo Việt Nam. Nhu cầu của Indonesia và Philippines tăng mạnh đã đẩy giá gạo Việt Năm tăng theo. Tuy nhiên, yếu tố giá này sẽ không còn giúp xuất khẩu gạo của Thái Lan do Chính phủ nước này tạm ngừng xả bán gạo lưu kho trong vụ thu hoạch.
Thái Lan sẽ mở lại các phiên đấu giá bán gạo lưu kho vào quý I/2016.
Khối lượng gạo hư hỏng bán ra được dự đoán sẽ tăng trương năm 2016 nếu phiên đấu giá đầu tiên vào 1/12 vừa qua được chứng minh là thành công. Chính phủ Thái Lan sẽ theo dõi xem liệu người mua lượng gạo hư hỏng vừa qua bán lại theo mục đích nào, sử dụng cho người hay sử dụng trong chế biến thức ăn chăn nuôi.
Thái Lan hiện còn 2 triệu tấn gạo hư hỏng và khoảng 4 triệu tấn gạo không phù hợp cho tiêu dùng của người.
USDA Post ước tính sản lượng lúa niên vụ 2015-2016 của Thái Lan đạt 24,85 triệu tấn, giảm 15% so với 29,4 triệu tấn năm 2014-2015 do thời tiết khô hạn và thiếu nước tưới tiêu.
Giá gạo Thái Lan có thể tăng 15% trong năm 2016 nếu hạn hán kéo dài
Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA) dự đoán giá gạo xuất khẩu của Thái Lan sẽ tăng thêm 10-15% trong quý I/2016 và thêm 10-15% nữa trong quý II/2016 nếu tình trạng khô hạn tiếp tục kéo dài.
Chính phủ Thái Lan dự đoán sản lượng gạo vụ chính năm nay giảm 2% xuống 26 triệu tấn và vụ 2 giảm hơn 50% xuống 4 triệu tấn. Nếu tình trạng khô hạn còn tiếp tục, sản lượng gạo vụ chính năm 2016 có thể cũng bị ảnh hưởng.
TREA dự đoán sản lượng gạo toàn cầu giảm 1%. Tác động của thời tiết khô hạn sẽ rõ ràng vào giữa năm tới, nhất là sau vụ thu hoạch của Indonesia vào tháng 4 và sản lượng gạo của Indonesia sẽ giảm.
TREA cũng lưu ý rằng các nước nhập khẩu chủ yếu như Philippines, Indonesia và các nước Trung Đông đang lo ngại khi sản lượng gạo giảm và buộc phải duy trì lượng gạo lưu kho để ngăn ngừa tình trạng giá cả leo thang.
Tuy sản lượng giảm, song TREA cho rằng xuất khẩu gạo của Thái Lan vẫn đạt 9-10 triệu tấn. Bên cạnh đó, hiện Thái Lan còn 13 triệu tấn gạo lưu kho, trong đó 7-8 triệu tấn có chất lượng tốt.
Giá xuất khẩu gạo 100% B của Thái Lan hiện là 365 USD/tấn so với 375 USD/tấn gạo 5% tấm của Việt Nam.
Philippines có kế hoạch tăng nhập khẩu gạo trong năm 2016
Philippines đang có kế hoạch tăng nhập khẩu gạo trong năm 2016 bên cạnh mức nhập khẩu như mọi năm để chuẩn bị ứng phó những nguy cơ mà hiện tượng thời tiết El Nino có thể gây ra.
Ông Herminio Coloma Jr., Thư ký Văn phòng truyền thông của Tổng thống Philippines, cho biết vấn đề tăng lượng thóc gạo "đệm" dự phòng thông qua nhập khẩu là một trong những chỉ thị của Tổng thống Benigno Aquino trong buổi họp với Nội các bàn về các nỗ lực làm giảm thiểu những tác động tiêu cực của hiện tượng El Nino.
Theo Thư ký Cơ quan phát triển kinh tế quốc gia Philippines Arsenio Balisacan, Hội đồng Cơ quan Lương thực quốc gia (NFA Council) đã quyết định nhập khẩu thêm 300.000 đến 400.000 tấn gạo để bổ sung vào kho dự trữ và nguồn thóc gạo nội địa.
Dự kiến, các hoạt động nhập khẩu sẽ bắt đầu vào quý 2/2016 và với số lượng lớn hơn mức trung bình mọi năm.
Ông Coloma nhấn mạnh những ảnh hưởng của hiện tượng El Nino sẽ được cảm nhận rõ nhất vào các tháng Hai và tháng 3/2016, với dự kiến lượng mưa ở Philippines ước sẽ giảm đến 70% so với mọi năm.
Theo một số cơ quan nghiên cứu của nước này, kịch bản xấu nhất là những tác động của đợt El Nino này có thể tồi tệ hơn đợt El Nino mà Philippines đã trải qua vào năm 1997-1998.
Các nhà xuất khẩu gạo Campuchia tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ
Các nhà xuất khẩu gạo của Campuchia đang tìm kiếm sự hỗ trợ của chính phủ trước sự cạnh tranh ngày một tăng của các nước láng giềng như Myanmar, Thái Lan và Ấn Độ, tờ Khmer Times đưa tin.
Giới xuất khẩu gạo Campuchia lo ngại rằng sản lượng gạo thấp hơn trong khi chi phí sản xuất cao hơn đang làm giảm khả năng cạnh tranh của gạo Campuchia trên thị trường quốc tế. Tuy có lợi thế về chất lượng, song các nhà xuất khẩu gạo Campuchia đang cần sự hỗ trợ của các nhà hoạch định chính sách ở mọi cấp độ để nâng cao khả năng cạnh tranh.
Một quan chức Bộ Công nghiệp Campuchia cho rằng lĩnh vực tư nhân và chính phủ phải hợp tác để nâng cao khả năng cạnh tranh của gạo Campuchia. Bộ Công nghiệp dự kiến tổ chức hội thảo quốc gia về năng suất và khả năng cạnh tranh của lĩnh vực lúa gạo nhằm giúp nông dân và các thành phần khác khai thác lợi thế từ Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) - tạo ra thị trường chung với 630 triệu dân.
Chính phủ Campuchia đã nỗ lực tìm kiếm thị trường mới trong bối cảnh xuất khẩu gạo của nước này sang EU theo Hiệp định Mọi thứ trừ Vũ khí (EBA) đã đạt mức tối đa.
9 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu gạo của Campuchia đạt 369.105 tấn, tăng 37% so với 269.370 tấn cùng kỳ năm ngoái. Tuy đặt mục tiêu tăng xuất khẩu gạo lên 1 triệu tấn trong năm 2015, song chính phủ Campuchia cũng cho rằng khó có thể đạt được mục tiêu này do thiết cơ sở xay xát và cơ sở hạ tầng cũng như khả năng tiếp cận vốn.
Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Campuchia dự đoán sản lượng lúa năm 2015 đạt trên 9,2 triệu tấn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính, xuất khẩu gạo của Campuchia năm 2015 đạt 1,1 triệu tấn, tăng 10% so với 1 triệu tấn năm 2014.
Tích cực thúc đẩy xuất khẩu gạo sang thị trường Hong Kong
Ngày 16/12, tại tòa nhà Thương hội Triều Châu, Khu Hành chính Đặc biệt Hong Kong, Trung Quốc, Bộ Công Thương phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong và Ma Cao tổ chức Hội thảo giao thương gạo và nông sản Việt Nam-Hong Kong.
Đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tổng cục Hải quan, Văn phòng Chính phủ Việt Nam, đại diện Hiệp hội kinh doanh gạo Hong Kong và đại diện Hiệp hội các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo Hong Kong, Hiệp hội các nhà cung cấp gạo Hong Kong đã tham dự hội thảo.
Đại biểu của hơn 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo và nông sản lớn của Việt Nam như Tổng Công ty lương thực miền Nam, Công ty thương mại Hà Nội, Công ty Trách nhiệm hữu hạn xuất khẩu gạo Tấn Vương cùng đại diện của khoảng 35 doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh gạo của Hong Kong đã tham dự hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương Việt Nam, bà Phan Thị Diệu Hà cho biết, những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Hong Kong không ngừng được củng cố và phát triển.
Năm 2014, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 21% so với năm 2013, trong 9 tháng đầu năm 2015, kim ngạch thương mại giữa hai bên tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2014.
Bà Phan Thị Diệu Hà nhấn mạnh, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, tổng lượng xuất khẩu trung bình khoảng 7 triệu tấn/năm.
Hiện gạo Việt Nam đã có mặt trên 135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Chất lượng gạo Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu khắt khe của nhiều thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và châu Âu.
Năm 2010, Việt Nam xuất khẩu sang Hong Kong 60.000 tấn gạo, năm 2014 con số này là 162.000 tấn, tăng gần 3 lần.
Hong Kong là một trong những thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác với Hong Kong trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo và thông qua Hong Kong để gạo vươn đến các thị trường khác.
Chủ tịch Hiệp hội kinh doanh gạo Hong Kong, ông Kenneth Chan khẳng định, Việt Nam đã trở thành thị trường cung cấp gạo rất quan trọng của Hong Kong.
Từ năm 2007, tỷ lệ gạo Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Hong Kong tăng mạnh từ 0,1% lên đến 42% trong năm 2013.
Năm 2014, tỷ lệ gạo Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Hong Kong chiếm 39,5%, trong 10 tháng đầu năm 2015, Hong Kong nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 81.000 tấn gạo.
Ông Kenneth Chan cho biết, hiện nay, Việt Nam là nước lớn thứ hai sau Thái Lan xuất khẩu gạo sang Hong Kong. Tuy nhiên các thành viên Hiệp hội kinh doanh gạo Hong Kong cho rằng, con số trên vẫn còn khá hạn chế.
Nguyên nhân chính là các doanh nghiêp Hong Kong thiếu thông tin về gạo Việt Nam. ​Thông qua hội thảo này, các doanh nghiệp kinh doanh gạo Hong Kong sẽ có cơ hội tốt để tìm hiểu thêm thông tin về gạo và chính sách xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Phó Tổng Lãnh sự phụ trách thương mại Việt Nam tại Hong Kong và Ma Cao, Phạm Văn Công cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh gạo Hong Kong rất quan tâm đến gạo Việt Nam, không chỉ gạo thành phẩm các loại mà cả trong lĩnh vực gia công gạo xuất khẩu.
Thông qua cuộc hội thảo này, các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh gạo của Hong Kong có thêm cơ hội để tìm hiểu về chính sách, thị trường xuất nhập khẩu gạo của Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam-Hong Kong, không ngừng phát triển.
Tại hội thảo, đại diện bộ, ngành Việt Nam đã lần lượt giải đáp các vấn đề liên quan mà đại diện các doanh nghiệp kinh doanh gạo của Hong Kong quan tâm.
Được biết, nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh gạo và hàng nông sản giữa Việt Nam với Trung Quốc, trước khi đến Hong Kong, Bộ Công Thương đã cùng với các cơ quan đại diện hữu quan của Việt Nam tại Trung Quốc lần lượt tổ chức các cuộc hội thảo tương tự tại Nam Ninh (Quảng Tây), Côn Minh (Vân Nam) và Quảng Châu (Quảng Đông), Trung Quốc.
Lào lên kế hoạch xuất khẩu hơn 10.000 tấn gạo sang Trung Quốc
Tỉnh Savannakhet của Lào đang có kế hoạch tăng xuất khẩu gạo sang Trung Quốc lên hơn 10.000 tấn mỗi năm sau khi nước này vừa chính thức khởi động hoạt động xuất khẩu gạo sang nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuần trước, Lào đã xuất khẩu sang Trung Quốc 8.000 tấn gạo đầu tiên từ tỉnh Savannakhet, cách thủ đô Vientiane 500km về phía Nam.
Tờ Vientiane Times số ra mới đây dẫn lời ông Souphanh Keomixay, Tỉnh trưởng tỉnh Savannakhet, cho biết tỉnh này đặt mục tiêu tăng sản lượng gạo cao nhất có thể để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, tuy nhiên điều này còn tùy thuộc vào chất lượng hạt giống.
Theo ông Souphanh, hoạt động xuất khẩu gạo trên nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa chính quyền trung ương và địa phương của Lào và Trung Quốc, nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Khamseng Sorphabmixay, phụ trách mảng nông nghiệp của tỉnh Savannakhet, cho biết sản lượng lúa gạo của tỉnh này có thể lên đến 800.000 tấn mỗi năm, chủ yếu là gạo nếp.
Ông cho biết gạo nếp không nằm trong danh mục gạo xuất khẩu, do loại gạo này chủ yếu tiêu thụ trong nước.
Lào xuất khẩu từ 300.000 đến 400.000 tấn lúa gạo sang các nước láng giềng mỗi năm.
Xuất khẩu gạo Việt Nam 11 tháng đầu năm đạt 5,807 triệu tấn
11 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 5,807 triệu tấn, giảm 1% so với 5,858 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA).
Giá xuất khẩu bình quân từ đầu năm đến nay đạt 408,3 USD/tấn (FOB), giảm 6,8% so với 438,27 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái.
Riêng tháng 11, Việt Nam xuất khẩu được 771.312 tấn gạo, tăng 12% so với 687.663 tấn tháng 10/2015 và tăng 59% so với 484.413 tấn trong tháng 11/2014.
Xuất khẩu gạo tăng chủ yếu do nhu cầu của Indonesia và Philippines tăng mạnh.
Giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.500-5.600 đ/kg, lúa dài khoảng 5.650-5.750 đ/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.050-7.150 đ/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.900-7.000 đ/kg tùy chất lượng và địa phương. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.050-8.150 đ/kg, gạo 15% tấm 7.850-7.950 đ/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.600-7.700 đ/kg tùy chất lượng và địa phương.
Tính đến ngày 03/12/2015, theo số liệu của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & PTNT, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ Thu Đông 2015 được khoảng 860.000 ha/874.000 ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được khoảng 620.000 ha với năng suất khoảng 5,1-5,2 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 3,19 triệu tấn lúa.
 Các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ Mùa 2015 được khoảng 170.000 ha/190.000 ha diện tích kế hoạch; vụ Đông Xuân 2015-16 đã được khoảng 600.000 ha/1,560 triệu ha diện tích kế hoạch.
Xuất khẩu gạo Campuchia 10 tháng đầu năm tăng mạnh
10 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu gạo của Campuchia đạt 408.169 tấn, tăng 34% so với 304.788 tấn cùng kỳ năm ngoái, Liên đoàn Lúa gạo Campuchia dẫn số liệu của Văn phòng Thư ký Dịch vụ Một cửa về Thủ tục Xuất khẩu gạo Campuchia (SOWS-REF) cho biết.
Các thị trường xuất khẩu chính của gạo Campuchia trong 10 tháng đầu năm là Trung Quốc với 83.577 tấn, Pháp 57.745 tấn và Ba Lan 46.125 tấn.
Riêng tháng 10, xuất khẩu gạo của Campuchia đạt 26.969 tấn, tăng 45% so với 29.819 tấn trong tháng 9/2015 và tăng 10% so với 35.418 tấn trong tháng 10/2014.
Năm 2014, Campuchia xuất khẩu 370.000 tấn gạo, trị giá 247 triệu USD. Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng xuất khẩu gạo năm 2015 lên 1 triệu tấn, nhưng thừa nhận rằng không thể đạt được mục tiêu này do thiếu cơ sở xay xát và cơ sở hạ tầng cũng như khả năng tiếp cận vốn.
Bộ Nông nghệp Mỹ (USDA) ước tính xuất khẩu gạo của Campuchia năm 2015 đạt 1,1 triệu tấn, tăng 10% so với 1 triệu tấn năm 2014.
  • Nguồn tin: Bộ Công Thương
  • Thời gian nhập: 28/12/2015
  • Số lần xem: 820