Thứ hai, 20/05/2024 - 08:41:58

Online: 169
Lượt truy cập: 4728641
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Thị trường lúa gạo châu Á nửa đầu tháng 11/2015 (24/11/2015)

Trong tuần đầu tháng 11, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan và Việt Nam đều vững trong bối cảnh Thái Lan thương lượng với Iran và châu Phi về hợp đồng gạo, trong khi Indonesia và Thái Lan đạt được hợp đồng giao dịch 500.000 tấn gạo. Nhu cầu từ Indonesia và dự kiến từ Iran đã ngăn giá giảm.

Bước sang tuần thứ 2, thị trường lúa gạo tiếp tục ít biến động, với giá vẫn ổn định. Gạo 5% tấm của Thái Lan giá duy trì ở mức 360-365 USD/tấn (FOB) trong suốt nửa đầu tháng 11, trong khi gạo cùng loại của Việt nam giá vững ở 375-380 USD/tấn, so với mức 375-385 USD/tấn hồi cuố tháng 10. Gạo 25% tấm của Việt Nam giá cũng vững ở 360-365 USD/tấn, từ mức 360 USD/tấn cuối tháng 10.
Nhiều người bắt đầu tin rằng giá gạo Thái Lan đã chạm đáy bởi gần như không thay đổi trong suốt tháng vừa qua, mặc dù ít nhu cầu mới. Giá gạo Thái đã giảm xuống dưới mức trung bình 390 USD/tấn trong giai đoạn tháng 1 – tháng 10. Giá trung bình trong 10 tháng đầu năm nay thấp hơn 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc. Mức giảm này ít hơn so với giảm 15% ở giá gạo cùng loại của Việt Nam trong cùng kỳ (xuống 350 USD/tấn). Việt Nam và Thái Lan chiếm khoảng 40% mậu dịch gạo toàn cầu.
Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho biết, cuộc thương lượng của Thái Lan với Iran có thể sẽ bắt đầu từ 2016.
Giá gạo Việt Nam đã tăng trong tháng 10 bởi nguồn cung hạn hẹp khi vụ thu hoạch kết thúc, trong khi Việt Nam bán được 450.000 tấn gạo cho Philippines và 1 triệu tấn cho Indonesia. Malaysia cũng có kế hoạch mua thêm gạo vào cuối năm nay. Dự kiến vụ thu hoạch tới sẽ phải đợi tới tháng 2 năm sau mới cho thu hoạch (vụ Đông xuân ở ĐBSCL), tức là từ nay tới đó nguồn cung sẽ tiếp tục khan hiếm.
Việc giá gạo Việt Nam tăng mạnh gần đây khiến các thương gia lo ngại sẽ không có khách hàng muốn mua.
Một số khách hàng như châu Phi và Trung Quốc đã chuyển hướng sang tìm mua gạo Pakistan và Thái Lan có giá rẻ hơn.
Trên thị trường Ấn Độ, gía bán buôn bình quân trong tháng 10/2015 giảm sau khi tăng 2 tháng liên tiếp trước đó, chủ yếu do nguồn cung tăng từ vụ thu hoạch kharif (tháng 6 - tháng 12).
Giá gạo bán buôn bình quân tháng 10 giảm xuống 2.588,89 rupee/tạ, giảm 4% so với 2.696 rupee/tạ trong tháng 9/2015 và giảm 7,5% so với 2.801 rupee/tạ cùng kỳ năm ngoái.
Tính theo USD, giá gạo bán buôn tháng 10 đạt 399 USD/tấn, giảm 2% so với 408 USD/tấn trong tháng 9 và giảm 13% so với 458 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái.
Giới phân tích cho rằng giá gạo bình quân của Ấn Độ sẽ tăng nếu sản lượng bị ảnh hưởng của hiện tượng El Nino - gây khô hạn tại châu Á. Chính phủ Ấn Độ đang theo dõi tác động của El Nino đối với lượng mưa trong mùa mưa tại nước này - được dự đoán thấp hơn 16% so với mức thông thường trong nửa cuối mùa mưa, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm.
Chính phủ Ấn Độ dự báo sản lượng gạo vụ kharif 2015-2016 (tháng 6 - tháng 12) đạt 90,6 triệu tấn, giảm nhẹ so với 90,86 triệu tấn niên vụ 2014-2015.
Một số thông tin liên quan
Thái Lan đạt được thỏa thuận xuất khẩu 500.000 tấn gạo sang Indonesia
Chính phủ Thái Lan ngày 9/11 thông báo nước này đã giành được hợp đồng bán gạo cho Indonesia với số lượng 500.000 tấn, trị giá 8 tỷ baht (khoảng 223 triệu USD).
Trong số 500.000 tấn gạo mới thu hoạch này, gạo trắng hạt dài 15% tấm chiếm khoảng 450.000 tấn và phần còn lại là gạo trắng hạt dài 5% tấm. Thời gian giao hàng dự kiến bắt đầu từ tháng 11/2015 đến khoảng tháng 3/2016. Trước đó, Thái Lan cũng đã ký hợp đồng bán 2 triệu tấn gạo cho Trung Quốc.
Thái Lan hiện dự trữ khoảng 13 triệu tấn gạo trong kho, giảm so với mức 18 triệu tấn trước đó.
Cũng trong ngày 9/11, Bộ Nông nghiệp Thái Lan cho biết dự kiến sẽ mở rộng diện tích trồng gạo berry lên khoảng 3.200 héc-ta trong 3 năm tới, gấp 4 lần diện tích hiện nay, nhằm phục vụ nhu cầu cao của thị trường thế giới đối với mặt hàng gạo hữu cơ, cũng như để tăng thu nhập cho nông dân.
Chiến lược này nằm trong kế hoạch của Chính phủ Thái Lan nhằm khuyến khích nông dân trồng loại gạo có giá trị cao và giảm diện tích trồng đối với mặt hàng gạo trắng. Được biết, gạo berry mang lại giá trị gấp đôi so với gạo trắng.
Rất nhiều nước trong đó có Trung Quốc, Đức, Anh, Hà Lan và Mỹ có nhu cầu lớn đối với mặt hàng gạo berry của Thái Lan. Tại thị trường nội địa, gạo berry được chào bán với giá 50 baht/kg (khoảng 1,4 USD/kg), trong khi giá trị xuất khẩu của mặt hàng này cao gấp 4 lần.
Thái Lan phải chi 28 triệu USD/tháng cho việc lưu trữ lúa gạo
Chính phủ Thái Lan đang phải gánh khoản chi phí 1 tỷ baht (28 triệu USD) mỗi tháng cho việc lưu trữ lúa gạo trong kho quốc gia, các nguồn tin trong nước dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết.
Trả lời các câu hỏi của các thành viên Ủy ban Lập pháp Quốc gia (NLA), Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan lưu ý rằng kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 5/2014, chính phủ quân sự đã bán được 5 triệu tấn gạo lưu kho, thu về 52,3 tỷ baht (1,5 tỷ USD) và hiện vẫn còn 13,7 triệu tấn gạo lưu kho.
Chính phủ Thái Lan cần khoảng 1 tỷ baht (28 triệu USD) mỗi tháng để chi phí cho việc lưu kho 13,7 triệu tấn gạo bao gồm chi phí thuê kho, phí bảo quản và lưu trữ, khử trùng, trả lãi nợ vay và tiền bảo hiểm.
Tuy chính phủ Thái Lan đang cố gắng mở thêm các phiên đấu giá nhưng cũng dự định tạm dừng các phiên đấu giá trong tháng 11 và tháng 12 để hỗ trợ giá lúa nội địa trong thời gian thu hoạch. Thái Lan dự định bán đấu giá 2 triệu tấn gạo hư hỏng (sử dụng cho mục đích công nghiệp) vào tháng 11 và tháng 12.
Xuất khẩu gạo Thái Lan 2015 dự đoán giảm mạnh
Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post) dự đoán xuất khẩu gạo của Thái Lan trong năm 2015 chỉ đạt 9 triệu tấn, giảm 18% so với 10,97 triệu tấn năm 2014 do sự cạnh tranh khốc liệt của Việt Nam và Ấn Độ.
Theo số liệu của Hải quan Thái Lan, USDA Post cho biết, xuất khẩu gạo của Thái Lan trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt 6,6 triệu tấn, giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 3 tháng cuối năm, ước tính xuất khẩu của Thái Lan bình quân đạt 750.000-800.000 tấn mỗi tháng so với 735.000 tấn bình quân trong 9 tháng đầu năm.
Theo ước tính của USDA Post, sản lượng gạo vụ 2 niên vụ 2015-2016 của Thái Lan chỉ đạt 3,875 triệu tấn, giảm so với 7,4 triệu tấn năm ngoái do thiếu nước tưới tiêu. Nguồn cung nước tưới hiện thấp hơn 35% so với năm 2014 và 64% so với mức bình quân 10 năm qua.
Hiện Thái Lan còn 13 triệu tấn gạo lưu kho và thông báo sẽ bán 2 triệu tấn gạo hư hỏng để sản xuất thức ăn chăn nuôi và ethanol trong tháng 11 và tháng 12/2015.
Tháng trước, nội các Thái Lan đã phê chuẩn 2,2 tỷ baht (61 triệu USD) cho chương trình hỗ trợ nông dân nhằm ngăn ngừa tình trạng giá giảm trong thời gian thu hoạch.
Thái Lan dự kiến sẽ xuất khẩu 10 triệu tấn gạo vào năm 2016
Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan ngày 12/11 nhận định triển vọng xuất khẩu gạo của nước này sẽ ngày càng khả quan, dự kiến sẽ đạt mức từ 9,5-10 triệu tấn năm 2016.
Chủ tịch Hiệp hội Charoen Laothammatas cho biết ngành xuất khẩu gạo của Thái Lan ổn định nhờ các hợp đồng mua gạo cấp chính phủ với Trung Quốc và Philippines.
Ông cũng dự báo giá gạo của nước này sẽ ổn định ở mức 229-236 USD mỗi tấn vào năm tới.
Trong tuần này, Bộ Ngoại thương Thái Lan sẽ ký kết một hợp đồng cấp chính phủ với Cơ quan Dự trữ quốc gia Indonesia (Bulog) để bán 500.000 tấn gạo mới thu hoạch cho nước này.
Có tin, Indonesia đang tích cực mua gạo để dự trữ trong bối cảnh nguồn cung tại nước này đang cạn kiệt.
Hồi tháng 9, Thái Lan cũng giành được hợp đồng bán 300.000 tấn gạo cho Philippines với giá 426,6 USD mỗi tấn.
Kể từ khi lên nắm quyền Thủ tướng Prayut Chan-ocha đã bán được 1 triệu tấn gạo bằng các hợp đồng cấp chính phủ.
Dự kiến trong năm 2016, Thái Lan cũng sẽ ký hợp đồng bán 1 triệu tấn gạo cho Trung Quốc.
Chính phủ Thái Lan cũng dự định sử dụng hàng chục triệu tấn gạo dự trữ trong kho để bù vào sản lượng thiếu hụt vì hạn hán trong năm nay.
Theo các chuyên gia, hạn hán sẽ khiến sản lượng vụ lúa thứ hai trong năm của Thái Lan giảm 50% còn 4-5 triệu tấn thay vì mức 8-10 triệu tấn hàng năm.
Nhập khẩu gạo Trung Quốc 2015-2016 dự đoán tăng mạnh
Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post) dự đoán nhập khẩu gạo của Trung Quốc năm 2015-2016 (tháng 7 - tháng 6) đạt 4,7 triệu tấn, tăng 9% so với 4,315 triệu tấn năm 2014-2015 do giá gạo nội địa tăng.
Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu gạo từ Việt Nam và Thái Lan do gần về vị trí địa lý. Tuy nhiên, Pakistan cũng đang tích cực xúc tiến xuất khẩu gạo sang thị trường này.
Trong khi đó, Trung Quốc hiện vẫn chưa cho phép nhập khẩu gạo từ Mỹ. Cả 2 nước vẫn đang đàm phán để hoàn tất hiệp định kiểm dịch thực vật - cần thiết để cho phép gạo Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc.
USDA Post ước tính sản lượng lúa của Trung Quốc năm 2015-2016 giảm xuống 206 triệu tấn từ 206,429 triệu tấn năm 2014-2015 và giảm so với 207,857 triệu tấn ước tính chính thức của USDA.
Chính phủ Trung Quốc đã quyết định tiếp tục thu mua gạo Indica với giá 2.700 nhân dân tệ (423 USD)/tấn và gạo Japonica với giá 3.100 nhân dân tệ (486 USD)/tấn. Thời gian thu mua bắt đầu từ 10/10/2015 đến 29/2/2016.
Theo dự đoán của USDA Post, tiêu thụ gạo của Trung Quốc năm 2015-2016 đạt 150 triệu tấn, giảm so với 151 triệu tấn ước tính chính thức của USDA do giá tăng, chất lượng gạo không ổn định và thói quen tiêu dùng thay đổi.
Hợp đồng xuất khẩu gạo Việt Nam tháng 10 cao nhất từ trước đến nay
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu của cả nước trong 10 tháng qua đạt 5,038 triệu tấn gạo, giảm gần 6% về lượng và giảm bình quân 24,03 USD/tấn về giá so với cùng kỳ năm trước.
Trong các thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam, khu vực châu Á vẫn chiếm thị phần cao nhất với 71,58%, nhưng tỷ lệ này đã giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Thay vào đó là gia tăng lượng gạo xuất khẩu ở các nước khu vực châu Phi (chiếm 15,58%, tăng 16,97% so với 2014), châu Đại Dương (chiếm 2,15%, tăng 138,48%), châu Âu (chiếm 2,02%, tăng 25,62%).
Các thị trường xuất khẩu gạo chính của Việt Nam gồm có Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Ghana, Cuba, I’vory Coast, tăng từ gần 2-33% so với cùng kỳ năm trước về sản lượng.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA, hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trong tháng 10 qua đạt mức cao nhất từ trước đến nay, gần 2 triệu tấn, vượt mức cùng kỳ năm 2014 trên 22%.
Sự gia tăng trên chủ yếu do có các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung lớn sang Indonesia, Philippines và Cuba trên 1,5 triệu tấn. Đặc biệt, lượng hàng 1,45 triệu tấn chuẩn bị cho thực hiện theo hợp đồng tập trung Philippines và Indonesia đã đủ giao cuối năm nay và phần lớn cho giao quý 1/2016.
Trong khi đó, theo Cục Trồng trọt và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, vụ Đông Xuân 2015-2016, nhiều địa phương sẽ xuống giống sớm do lũ đầu nguồn về ít, mực nước lũ thấp, rút sớm. Do đó, nhiều khả năng đến tháng 1/2016, khu vực này đã cho thu hoạch nhiều lúa gạo mới.
Thực tế tình hình cho thấy từ sản xuất, tiêu thụ cho đến xuất khẩu lúa gạo đến cuối năm nay và những tháng đầu năm 2016 tương đối khả quan.
Theo dự báo của VFA, xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm nay là 6,34 triệu tấn. Nếu tính thêm lượng gạo xuất khẩu không chính thức qua mậu biên không được thống kê khoảng 1,64 triệu tấn, lượng xuất khẩu cả năm nay có thể đạt xấp xỉ 7,98 triệu tấn gạo.
Indonesia sẽ nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo vào tháng 3/2016
Indonesia đã quyết định nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan trước tháng 3/2016 để bổ sung lượng gạo lưu kho và ổn định giá gạo trong bối cảnh El Nino gây hạn hán ở một số nơi, Bloomberg dẫn lời Giám đốc Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia Bulog cho biết.
Chính phủ Indonesia đã đạt được thỏa thuận với Việt Nam trong việc nhập khẩu 1 triệu tấn gạo, gồm 750.000 tấn gạo 15% tấm và 250.000 tấn gạo 5%.
Indonesia sẽ nhập khẩu thêm 500.000 tấn gạo từ Thái Lan. Tuy nhiên, giá cả và các vấn đề kỹ thuật vẫn chưa được thống nhất.
Ngoài ra, Indonesia cũng đang đàm phán với Campuchia và Myanmar để nhập khẩu gạo theo thỏa thuận liên chính phủ G2G.
Cơ quan Thống kê Indonesia đã hạ dự báo sản lượng lúa của nước này trong năm 2015 xuống 74,99 triệu tấn từ 75,55 triệu tấn trước đó, nhưng cũng thừa nhận chưa tính đến tác động của hiện tượng El Nino.
Bulog cần duy trì 2 triệu tấn gạo lưu kho vào thời điểm cuối năm nay. Hiện lượng gạo lưu kho chỉ đạt 1,5 triệu tấn.
El Nino đã xảy ra tại Indonesia từ tháng Tám và kéo dài đến tháng 12 với đỉnh điểm là tháng Chín. Mùa khô kéo dài đã làm hơn 200.000ha ruộng lúa thiếu nước tưới tiêu và 30.000ha không thể thu hoạch.
Năm 1998, El Nino cũng đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng tại Indonesia, khiến chính phủ nước này phải nhập khẩu 5 triệu tấn lương thực.
Xuất khẩu gạo Myanmar nửa đầu năm 2015-2016 giảm mạnh
Xuất khẩu gạo của Myanmar trong 6 tháng đầu năm tài khóa 2015-2016 (tháng 4 - tháng 3) giảm mạnh do lệnh cấm xuất khẩu gạo thời sau đợt lũ lụt hồi tháng 8 vừa qua, theo số liệu của Liên đoàn Lúa gạo Myanmar (MRF).
Giai đoạn 1/4 đến 9/10/2015, xuất khẩu gạo của Myanmar đạt 507.624 tấn, trị giá 185,843 triệu USD, giảm 23% khối lượng so với 657.624 tấn và giảm 24% giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Gạo của Myanmar hiện được xuất khẩu sang 43 nước và vùng lãnh thổ. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Myanmar, chiếm 83% (422.044 tấn) khối lượng xuất khẩu giai đoạn từ 1/4 đến 9/10/2015.
MRF dự đoán xuất khẩu gạo của Myanmar năm 2015-2016 đạt 1-1,5 triệu tấn, giảm so với 1,8 triệu tấn năm 2014-2015.
Philippines kế hoạch nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo năm 2016
Lãnh đạo cơ quan chính sách kinh tế Philippines cho biết, Chính phủ nước này sẽ xem xét nhập khẩu thêm 1,3 triệu tấn gạo do mất mùa sau những cơn bão lớn và khô hạn gây ra bởi El Nino.
Con số này cao hơn mức 1 triệu tấn mà Bộ trưởng Kế hoạch Kinh tế - Xã hội, ông Arsenio Balisacan công bố hồi tháng trước.
Kế hoạch này cần được Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) thông qua sau cuộc họp vào cuối tháng này.
Việc Philippines mua thêm gạo có thể hỗ trợ giá xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan. Dự báo Indonesia cũng sẽ mua thêm, và Iran và các nước châu Phi cũng sẽ mua thêm.
Con số 1,3 triệu tấn này nằm ngoài 500.000 tấn mà Philippines đã mua của Việt Nam và Thái Lan kỳ hạn giao quý I/2016.
“Chúng tôi có thể mua thêm 1,3 triệu tấn, nhưng đó chưa phải là con số chính xác. Có thể chúng tôi sẽ cần mua thêm nữa trong quý II năm tới”, ông Balisacan cho biết.
Số liệu của PSA cho thấy, giá lúa bình quân tại cửa trang trại giảm xuống 17,75 peso/kg (377 USD/tấn) trong quý III/2015, giảm 13,4% so với 20,51 peso/kg (435 USD/tấn) cùng kỳ năm 2014.
9 tháng đầu năm 2015, giá lúa bình quân tại cửa trang trại giảm xuống 17,5 peso/kg (371 USD/tấn), giảm 13,4% so với 20,21 peso/kg (429 USD/tấn) so với cùng kỳ năm ngoái.
Khoảng 5% sản luơng lúa thu hoạch trong quý II của Philippines bị hỏng do cơn bão Koppu. Sản lượng lúa quý III của Philippines đạt 2,55 triệu tấn, giảm 15,7% so với 3,027 triệu tấn cùng kỳ năm 2014, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Philippines (PSA), chủ yếu do khô hạn do El Nino gây ra. Sản lượng lúa trong 9 tháng đầu năm 2015 đạt 10,875 triệu tấn, giảm 4,7% so với 11,407 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.
Trước khi xảy ra bão Koppu, chính phủ cũng đã cho biết cần nhập thêm gạo bởi dự kiến El Nino sẽ gây thiên tai, có thể kéo dài tới quý II/2016.
Nếu được thông qua, tổng khối lượng gạo chính phủ Philippines thông qua nhập khẩu cho năm tới sẽ lên tới 1,8 triệu tấn, vượt khối lượng 1,79 triệu tấn nhập trong năm nay.
Nhập khẩu gạo EU từ các nước LDC châu Á giảm 7%
Nhập khẩu gạo của EU từ các nước Kém phát triển (LDC) ở châu Á như Campuchia và Myanmar theo Hiệp định Mọi thứ trừ Vũ khí (EBA) trong 2 tháng đầu niên vụ 2015-2016 (tháng 9/2015 - tháng 8/2016) đạt 42.916 tấn, giảm 7% so với 45.975 tấn cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Ủy ban châu Âu (EC).
Theo số liệu của EC, nhập khẩu gạo từ Campuchia trong 2 tháng đầu niên vụ 2015-2016 đạt 34.880 tấn, giảm 4% so với 36.297 tấn cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, nhập khẩu gạo từ Myanmar cùng kỳ đạt 7.387 tấn, giảm 15% so với 8.677 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Campuchia chiếm 81% lượng gạo nhập khẩu của EU từ các nước LDC châu Á, trong khi Myanmar chiếm 17%.
Nhập khẩu gạo của EU từ Myanmar giảm chủ yếu do lệnh cấm xuất khẩu tạm thời của Myanmar sau khi đợt lũ lụt lịch sử tàn phá nước này hồi tháng 8 vừa qua. Chính phủ Myanmar đã dỡ bỏ lệnh cấm này vào giữa tháng 9/2015.
Sản lượng gạo Hàn Quốc 2015 dự báo tăng nhẹ
Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post) dự đoán sản lượng gạo năm 2015 của Hàn Quốc tăng lên 4,26 triệu tấn từ 4,24 triệu tấn năm 2014 nhờ năng suất tăng dù diện tích gieo cấy giảm.
Dựa vào số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT), USDA Post dự đoán diện tích gieo cấy năm 2015 đạt 799.000 ha, giảm so với 816.000 ha năm 2014.
Diện tích trồng lúa của Hàn Quốc liên tục giảm từ năm 2001 do nhu cầu xây dựng nhà ở và nhà cao tầng tăng cao và việc chuyển đổi đất lúa sang các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn.
USDA Post dự đoán năng suất lúa năm 2015 tăng lên 5,33 tấn/ha, tăng 2,5% so với 5,2 tấn/ha năm ngoái nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi.
Chính phủ Hàn Quốc đang lên kế hoạch thu mua 390.000 tấn gạo từ nông dân theo Chương trình Dự trữ Ngũ cốc Lương thực Công cộng nhằm kiềm chế giá giảm do sản lượng tăng.
Chính phủ Hàn Quốc và Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp Quốc gia (NACF) cũng đang cung cấp các khoản tín dụng lãi suất thấp cho các cơ sở xay xát và thương nhân nhằm khuyến khích họ thu mua lúa gạo từ nông dân.
Dự đoán, nông dân Hàn Quốc sẽ bán khoảng 2 triệu tấn lúa gạo trong vụ thu hoạch, kể cả 390.000 tấn chính phủ thu mua trực tiếp.
Hàn Quốc sẽ phải nhập khẩu 408.700 tấn gạo từ các nước được hưởng Quy chế Tối huệ quốc (MFN) với thuế suất 5% theo quy chế hạn ngạch thuế suất WTO (TRQ). Tính đến 4/8/2015, Công ty Thương mại Lương thực và Nông thủy sản Hàn Quốc đã mua 315.524 tấn gạo, bằng 77% tổng khối lượng cam kết TRQ năm 2015.
  • Nguồn tin: nhanhieuviet.gov.vn
  • Thời gian nhập: 24/11/2015
  • Số lần xem: 912