Thứ hai, 20/05/2024 - 08:41:51

Online: 170
Lượt truy cập: 4728641
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Thị trường hàng hóa trong nước tuần qua: giá gạo biến động nhẹ (19/10/2015)

Giá gạo biến động nhẹ. Giá thu mua hạt điều khô ổn định so với tuần trước...

Lúa gạo
Tại các tỉnh phía Bắc, giá lương thực biến động nhẹ. Giá lúa tẻ thường ở mức phổ biến 6.500 – 8.500 đ/kg, giá gạo tẻ thường giảm 200-500 đ xuống mức 11.500 – 13.500 đ/kg.
Tại Đồng Tháp giá lúa tăng 150 đ/kg lên 4.450 – 4.650 đ/kg; gạo nguyên liệu tăng 150-200 đ/kg, loại 1 lên 6.650 đ/kg, loại 2 lên 6.450 đ/kg.
Tại Tiền Giang, giá lúa giảm nhẹ 50đ còn 5.800đ/kg, gạo nguyên liệu loại 1 giảm 100 đ còn 6.800 đ/kg, trong khi loại 2 tăng 50 đ lên 6.450 đ/kg.
Tại Hậu Giang, theo ngành Công Thương tỉnh Hậu Giang, khoảng 1 tuần qua giá lúa tại địa phương tăng mạnh trở lại. Cụ thể, hiện giá lúa tươi được thương lái thu mua tại ruộng đối với giống OM 5401 là 4.200 đồng/kg, IR 50404 là 4.300 đồng/kg, lúa hạt dài từ 4.400- 4.500 đồng/kg, tăng trung bình từ 300-500 đồng/kg tùy theo loại. Giá lúa tăng đúng vào thời điểm nông dân trong tỉnh đang bước vào cao điểm vụ thu hoạch lúa Thu Đông với diện tích khoảng 49.000 ha.
Những ngày qua, hoạt động thu mua lúa trong dân sôi nổi trở lại, các thương lái trong và ngoài tỉnh tìm đến tận đồng đặt cọc (trả tiền trước) để mua lúa. Có nơi đã xảy ra tranh giành giữa các thương lái, đẩy giá lúa tăng, có lợi cho nông dân. Tuy nhiên, hàng trăm hộ đã thu hoạch, bán lúa trước đó giá thấp “tiếc nuối”, trong khi diện tích lúa chưa thu hoạch trên đồng không còn nhiều. Theo tính toán của nhà nông, với giá lúa hiện nay, sau khi trừ chi phí lãi 15 - 20 triệu đồng/ha.
Ngành chức năng tỉnh Hậu Giang cho biết, nguyên nhân giá lúa tăng là do Việt Nam vừa trúng 2 gói thầu xuất khẩu gạo với khối lượng gần 1,5 triệu tấn sang Indonesia và Philippines. Cùng với đó, hiện lượng lúa, gạo dự trữ trong dân, tồn kho của cả nước không nhiều, trong khi vụ lúa Thu Đông năm nay nhiều tỉnh, thành giảm diện tích, sản xuất gặp thiên tai bất lợi, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa cả vụ. Từ thực tế này, các thương lái nhận định giá lúa thương phẩm tại Hậu Giang có khả năng sẽ còn tăng vào cuối vụ.
Đối với gạo xuất khẩu, sau khi xuống mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua, giá lúa gạo của Việt Nam đã quay đầu đi lên nhờ phiếu xuất khẩu gạo với Philippines và những số liệu khả quan khác trong ngành. Trong phiên 6/10, giá gạo 5% tấm đã tăng 3% lên 350-355 USD/tấn, giao theo hình thức FOB tại Cảng Sài Gòn, từ mức 340-345 USD/tấn một tuần trước đó. Giá gạo 15% tấm cũng tăng 10% so với 1 tuần trước đó lên 345 USD/tấn. Giá lúa gạo tại ĐBSCL cũng tăng từ 50 – 200 đồng/kg (tùy loại). Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VSA), nhu cầu gạo tại các thị trường truyền thống đang có dấu hiệu hồi phục, điều này sẽ giúp cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng tới sẽ khả quan hơn.
Giá nông sản, thủy sản tại Bạc Liêu giảm mạnh
Những ngày qua, thị trường nông - thuỷ sản tại Bạc Liêu có nhiều biến động, giá của cá loại mặt hàng này liên tục giảm.
Cụ thể, giá lúa chỉ còn 5.200 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg. Giá tôm sú loại 20 con/kg là 216.000 đồng/kg, giảm 75.000 đồng/kg. Giá tôm sú loại 30 con/kg còn 150.000 - 160.000 đồng/kg, giảm trên 72.000 đồng/kg… Giá ngò rí cách đây 3 ngày còn ở mức 23.000 - 25.000 đồng/kg nhưng hiện là 10.000 đồng/kg và khó tiêu thụ.
Trong khi đó, thời điểm này đang vào vụ thu hoạch rộ lúa, tôm và các loại hoa màu. Nhiều tiểu thương cho biết, các loại rau sạch đang được bán với giá ngang rau thường.
Theo bà con, đầu ra của các sản phẩm rau an toàn còn bấp bênh, chưa có điều kiện tiếp cận siêu thị. Với điều kiện sản xuất và tiêu thụ như hiện nay, để phát triển vùng chuyên canh rau màu cần có sự hỗ trợ của các ngành, cấp, nhất là xây dựng vùng nguyên liệu và đầu ra sản phẩm.
Nhận định của ngành công thương tỉnh Bạc Liêu về tình hình nông sản giảm giá là do nhu cầu thu mua của thương lái giảm. Đặc biệt, tôm nguyên liệu giảm mạnh giá bởi xuất khẩu gặp khó khăn. Sản lượng tôm chế biến có dấu hiệu chững lại.
Giá cả bấp bênh khiến các tiểu thương ở chợ đầu mối bị thua lỗ. Thời gian gần đây sức mua giảm hẳn, hoạt động mua bán cũng chỉ diễn ra ở mức cầm chừng. Trước tình trạng này, nhiều hộ tiểu thương không còn kinh doanh mặt hàng nông sản .
Để góp phần ổn định thị trường, các hộ kinh doanh kiến nghị đẩy mạnh sản xuất liên kết chuỗi, bao tiêu đầu ra đảm bảo tính bền vững của thị trường nông sản, tránh tình trạng thương lái ép giá. Đồng thời, tăng cường thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, nâng cao giá trị hàng nông sản. Các doanh nghiệp thực hiện tốt việc tổ chức liên kết 4 nhà, đầu tư thỏa đáng để người nuôi tôm có điều kiện tổ chức sản xuất bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ chế biến xuất khẩu.
Giá cà phê tại Tây Nguyên tăng
Sáng ngày 15/10, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 300 – 400 đồng, lên ở mức 35.900 – 36.500 đồng/kg.
Dữ liệu báo cáo sơ bộ của Tổng Cục Hải Quan đưa ra cho thấy xuất khẩu cà phê tháng 9 đạt 86.777 tấn, giảm 6,3% so với tháng trước. Lũy kế xuất khẩu 9 tháng đầu năm đạt tổng cộng 966.090 tấn, giảm 30,8% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, Việt Nam xuất khẩu cà phê toàn niên vụ 2014/2015 đạt tổng cộng 1.261.413 tấn, giảm tới 24,2% so với niên vụ 2013/2014, và là niên vụ có khối lượng xuất khẩu cà phê thấp nhất kể từ 2010.
  • Nguồn tin: Bộ Công Thương
  • Thời gian nhập: 19/10/2015
  • Số lần xem: 865