Thứ hai, 20/05/2024 - 08:30:33

Online: 171
Lượt truy cập: 4728605
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Thị trường gạo châu Á tuần qua: Giá giảm do nội địa sụt giá, nhu cầu yếu (04/09/2015)

Giá xuất khẩu gạo trên các thị trường châu Á tuần này giảm trong bối cảnh các đồng nội tệ của những nước xuất khẩu lớn là Thái Lan và Việt Nam sụt giá, trong khi vẫn thiếu vắng nhu cầu mua từ nước ngoài.

Các thương gia ở Bangkok cho biết, xu hướng thị trường thế giới gần đây cũng khiến khách hàng của Thái Lan trì hoãn mua gạo nước này.
“Thị trường thế giới trầm lắng và thiếu chắc chắn nên khách hàng trì hoãn việc mua tới tháng 9”, một thương gia Thái Lan cho biết. “Việc tiêu thụ cho tới nay rất chậm, song hy vọng nhu cầu mới sẽ tăng vào những tháng cuối năm.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 360-365 USD/tấn, FOB Bangkok, từ mức 360-380 USD/tấn một năm trước đây.
“Đồng baht Thái vẫn yếu, cộng với việc thiếu vắng nhu cầu từ khách hàng quốc tế nên giá vẫn trong xu hướng giảm”.
Đồng baht đã giảm gần 7,7% từ đầu năm tới nay so với USD, trong khi đồng Việt Nam giảm 5,2% tính theo tỷ giá liên ngân hàng và giảm 5,3% trên thị trường tự do.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 3 lần hạ tỷ giá hối đoái chính thức từ ngày 7/1 tới nay, mỗi lần hạ 1%, và cũng nới rộng biên độ giao dịch tỷ giá USD/VND 3 lần trong tháng này lên mức 3%, từ 1% trước ngày 12/8.
Giá gạo 5% tấm đã giảm xuống 335-340 USD/tấn, FOB cảng Sài Gòn, từ mức 338-345 USD/tấn một tuần trước đây, còn gạo 25% tấm cũng giảm xuống 320-330 USD/tấn, từ mức 325-330 USD/tấn một tuần trước đây. Mặc dù giá giảm song nhu cầu nhập khẩu từ khách hàng quốc tế không nhiều.
Gạo nằm trong số những nông sản bị giảm xuất khẩu mạnh nhất trong 8 tháng đầu năm nay. Khối lượng xuất khẩu gạo 8 tháng ước đạt 4,09 triệu tấn với 1,76 tỷ USD, giảm 8,6% về khối lượng và giảm 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Song đáng chú ý là thị trường Malaysia có sự tăng trưởng đột biến 74% về giá trị, vươn lên vị trí thứ 3 về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam.
Mặc dù xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái trong 8 tháng đầu năm, nhưng đây vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, với 35% thị phần.
Trang nongnghiep.vn ngày 26/8 đưa tin, trong những ngày qua, các khách hàng Trung Quốc đã có những động thái ép giá gạo XK của Việt Nam xuống thấp. Chẳng hạn, với những hợp đồng đã ký kết mà chưa giao hàng, họ yêu cầu phải điều chỉnh lại giá theo hướng giảm. Điều này khiến cho DN đang thực hiện XK gạo chính ngạch sang Trung Quốc rất mệt mỏi. Trên thị trường, giá gạo XK chính ngạch sang Trung Quốc đã giảm khá nhiều, hiện chỉ còn 340 USD/tấn với gạo 5% tấm (giá FOB tại TP HCM), 330 USD/tấn với gạo 15% … So với cách đây không lâu thì giá gạo XK chính ngạch sang Trung Quốc đã giảm khoảng 7-8 USD/tấn. XK gạo qua đường tiểu ngạch cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi sự phá giá NDT. Mỗi kg gạo bán qua biên giới phía Bắc hiện đã giảm khoảng 200-300đ. Tuy bị giảm về giá, nhưng gạo đi đường tiểu ngạch vẫn khá đều đặn.
Bên cạnh đó, trên thị trường gạo thế giới, gạo Ấn Độ và Pakistan đang được chào bán với giá khá thấp, cũng tạo thêm áp lực lên giá gạo XK của Việt Nam nói chung, gạo XK sang Trung Quốc nói riêng.
Tuy nhiên, khối lượng xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc được biết là không ảnh hưởng nhiều. Cũng trang nongnghiep.vn dẫn tin từ một số doanh nhân ở ĐBSCL cho biết, từ đầu năm đến nay, đã có trên 1 triệu tấn gạo được XK sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Có những DN ở ĐBSCL, hàng tháng vẫn đang thực hiện XK khoảng 10.000-12.000 tấn gạo sang bên kia biên giới phía Bắc.
Do giá gạo XK sang Trung Quốc bị giảm, giá lúa gạo hàng hóa ở ĐBSCL cũng đã giảm theo. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, trong tuần qua, giá giá gạo nguyên liệu làm gạo 5% tấm đã giảm 100đ/kg so với tuần trước đó, gạo thành phẩm 5% tấm tại mạn tàu giảm 50đ/kg, giá lúa khô loại thường tại kho cũng giảm 50đ/kg.
Những thông tin liên quan
Myanmar tính nhập khẩu gạo nếu điều kiện thời tiết bất lợi
Myanmar có thể nhập khẩu gạo trong trường hợp điều kiện thời tiết khắc nghiệt trong những tháng tới, các nguồn tin trong nước dẫn lời các quan chức Liên đoàn Lúa gạo Myanmar (MRF).
Các đợt lũ lụt gần đây tại miền bắc Myanmar đã dấy lên lo ngại sản lượng lúa gạo sẽ giảm cũng như giá tăng. Mới đây, MRF đã quyết định tạm ngừng xuất khẩu gạo cho đến tháng 9 tới nhằm đảm bảo đủ lượng gạo lưu kho và kiểm soát giá tăng.
Trong số 2,56 triệu ha đất lúa tại khu vực phía bắc, 240.000 ha bị ảnh hưởng nghiêm trọng do lũ lụt và 32.000 ha không thể phục hồi.
Giá gạo nội địa tại Myanmar tại các vùng bị lũ lụt đang tăng mạnh, lên 1.638 USD/tấn. Theo số liệu của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), giá gạo nội địa bình quân tại Myanmar dao động khoảng 390 USD/tấn trong đầu tháng 8.
Sản lượng lúa Indonesia 2015 có thể giảm 800.00 tấn do khô hạn
Sản lượng lúa của Indonesia năm 2015 có thể sẽ giảm 800.000 tấn so với ước tính ban đầu 75,5 triệu tấn do hạn hán kéo dài.
Theo một quan chức Bộ Nông nghiệp Indonesia, khoảng 350.000 ha đất lúa đang chịu ảnh hưởng của hạn hán, trong đó, 40.000 ha là vùng đã được gieo cấy.
Indonesia sẽ tiếp tục nhập khẩu lương thực để bình ổn giá
Trả lời phỏng vấn tờ Jakarta Post, tân Bộ trưởng Thương mại Indonesia, ông Thomas Lembong cho biết, Chính phủ Indonesia sẽ phải tiếp tục nhập khẩu một số mặt hàng lương thực nhằm bình ổn giá và kiểm soát lạm phát.
Theo ông Thomas, nhập khẩu lương thực không tác động lớn đến thâm hụt cán cân thương mại của Indonesia, nhưng lương thực có liên quan chặt chẽ đến giá trị của hàng hóa và dịch vụ, vì vậy sẽ tác động mạnh đến tỷ lệ lạm phát.
Ông Thomas cho rằng, nếu Indonesia dừng nhập khẩu lương thực ngay thời điểm này sẽ khiến giá lương thực tăng đột biến và làm lạm phát tăng mạnh.
Ấn Độ cảnh báo dịch bệnh khô vằn hại lúa tại tỉnh Punjab
Các chuyên gia nông nghiệp tại Ấn Độ đang cảnh báo người nông dân về sự xuất hiện của dịch bệnh khô vằn hại lúa trong vụ lúa kharif hiện tại (kéo dài từ tháng 6 đến tháng 12/2015). Giới chuyên gia cho rằng, dịch bệnh có thể sẽ lây lan rộng trên cả tỉnh Punjab do Ấn Độ đang bước vào mùa mưa.
Punjab là một trong những vựa lúa lớn của Ấn Độ, chiếm khoảng 11% tổng sản lượng gạo của cả nước. Nếu không ngăn chặn kịp thời, dịch bệnh khô vằn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng gạo của Ấn Độ trong niên vụ này.
  • Nguồn tin: Bộ Công Thương
  • Thời gian nhập: 04/09/2015
  • Số lần xem: 902