Thứ hai, 20/05/2024 - 09:32:04

Online: 168
Lượt truy cập: 4728841
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Thị trường lúa gạo châu Á trong tuần: Giá gạo Việt Nam tăng sau cuộc đấu thầu của Manila (01/10/2015)

Trong tuần kết thúc vào ngày 23/9/2015, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng nhẹ sau khi thắng thầu cung cấp phần lớn lượng gạo Philippines chào mua, trong khi giá gạo Thái Lan ổn định mặc dù nước này cũng thắng thầu cung cấp một phần gạo mà Philippines mời thầu.

Tuần qua, Việt Nam đã giảm giá chào bán cho Philippines và nhờ đó đã cùng Thái Lan giành được hợp đồng cung cấp tổng cộng 750.000 tấn gạo trong giai đoạn tháng 11/2015 – tháng 3/2016.
"Thông tin về cuộc đấu thầu của Philippines đã đẩy giá gạo Việt Nam tăng mặc dù Việt Nam sẽ không xuất khẩu nhiều từ nay tới cuối năm”, một thương gia của công ty châu Âu ở TP. HCM cho biết. Ông này thêm rằng việc Trung Quốc đang mua vào cũng hỗ trợ xu hướng giá tăng hiện nay.
Trung Quốc tháng này tăng cường mua gạo Việt Nam sau khi giảm mua xuống mức thấp nhất 5 tháng vào tháng 8. Thị trường lúa gạo nhờ đó đang sôi động trở lại, và rút ngắn khoảng cách giữa giá gạo chất lượng cao và chất lượng thấp. Chênh lệch giá giữa gạo 25% tấm và gạo 5% tấm xuất khẩu giảm xuống hiện chỉ 3-5 USD/tấn, từ mức khoảng 20 USD/tấn trước đây.
Reuters dẫn lời thương gia của một công ty nước ngoài ở TP. HCM cho biết: “Trung Quốc đang tích cực mua các loại gạo của Việt Nam”.
Trung Quốc là nước sản xuất gạo hàng đầu thế giới và cũng là một trong những nước nhập khẩu lớn nhất toàn cầu, đồng thời là khách hàng mua gạo lớn nhất của Việt Nam. Việc Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu gạo Việt Nam khiến cho giá gạo Việt có thể trở nên đắt hơn so với các thị trường khác. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng gạo Việt sẽ khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng trong thời gian tới.
Việt Nam thắng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo 25% tấm cho Philippines với giá 425,60 USD/tấn, bao gồm cả chi phí vận chuyển.
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines cho biết, Việt Nam sẽ giao cho họ 150.000 tấn gạo vào tháng 11/12 năm nay, 300.000 tấn còn lại sẽ giao vào đầu 2016.
Gạo 5% tấm của Việt Nam giá tăng lên 330 – 340 USD/tấn, FOB, từ mức 325 – 330 USD/tấn một tuần trước đây, trong khi gạo 25% tấm tăng lên 320-330 USD/tấn, từ mức 315 USD/tấn một tuần trước.
Việt Nam sẽ nâng giá sàn gạo 25% tấm xuất khẩu thêm khoảng 3% (340 USD/tấn, FOB) bắt đầu từ ngày 25/9.
"Giá sàn tăng cũng sẽ thuận lợi cho Việt Nam trong quá trình thương lượng với Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (Bulog)  – đơn vị đang có kế hoạch nhập khẩu 1,5 triệu tấn gạo vào năm tới”, một thương gia ở TP. HCM cho biết.
Tháng 8 vừa qua Bulog tuyên bố chưa chắc sẽ nhập khẩu gạo trong năm nay, song có thể sẽ mua vào tháng 3 hoặc tháng 4 năm 2016 bởi việc trồng lúa đang bị muộn hơn mọi năm do El Nino.
Xuất khẩu gạo Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay giảm gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 4,05 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng gần 6 năm.
Mặc dù vậy, lượng xuất khẩu sang Trung Quốc tháng 8 vừa qua vẫn cao hơn 40% so với một năm trước đó, đưa tổng khối lượng xuất sang Trung Quốc 8 tháng đầu năm nay chiếm gần 30% tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Trong 8 tháng đầu năm, nhập khẩu gạo Việt Nam vào Trung Quốc tăng lên 1,18 triệu tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, 8 tháng đầu năm 2015, nhập khẩu gạo của Trung Quốc đạt 1,96 triệu tấn, tăng 18% so với 1,65 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 8, nhập khẩu gạo đạt 215.000 tấn, giảm 34% so với 325.200 tấn trong tháng 7 nhưng tăng 43% so với 150.000 tấn tháng 8/2014.
Về xuất khẩu, 8 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Trung Quốc đạt 142.200 tấn, tăng 5% so với 135.573 tấn cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 8, xuất khẩu gạo đạt 19.000 tấn, giảm 2,8 lần so với 6.700 tấn trong tháng 7/2015 và giảm 26% so với 25.997 tấn trong tháng 8/2014.
Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) dự báo năm nay Trung Quốc sẽ nhập khẩu 3,2 triệu tấn gạo, tăng 6,7% so với năm 2014.  Năm 2014, Trung Quốc nhập khẩu 2,563 triệu tấn gạo và xuất khẩu 419.069 tấn.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng gạo của Trung Quốc niên vụ 2015 -2016 đạt 146 triệu tấn, nhập khẩu 4,4 triệu tấn và xuất khẩu 400.000 tấn.
Tại Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới sau Ấn Độ, nhu cầu mua yếu và giá gần như không thay đổi so với một tuần trước đây, mặc dù quốc gia này cũng thắng thầu cung cấp 300.000 tấn gạo cho Manila.
“Gần đây chúng tôi không có nhiều khách hàng, mọi người dường như không muốn mua gì khi giá dầu thế giới giảm thấp”, một thương gia ở Bangkok cho biết.
Gạo 5% tấm của Thái Lan giá vững ở 340 – 348 USD/tấn, FOB Bangkok.
Chính phủ Thái Lan dự kiến sẽ mở thầu bán khoảng 462.931 tấn gạo vào tuần tới, theo nguồn tin từ Bộ Thương mại nước này. Cuộc đấu thầu dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29/9.
Hiện Thái Lan còn khoảng 13,5 triệu tấn gạo dự trữ từ những chương trình can thiệp giá trước đây, và dự kiến mở bán hết toàn bộ trong 2 năm tới..
Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch bán đấu giá 462.931 tấn gạo lưu kho vào ngày 29/9 tới. Đây là phiên đấu giá thứ 7 trong năm nay và 11 kể từ khi chính phủ quân sự lên nắm quyền hồi tháng 5/2014. Chính phủ đã bán được 4,56 triệu tấn gạo, thu về 48,6 tỷ baht (1,36 tỷ USD) trong 10 phiên đấu giá vừa qua.
Chủ tịch danh dự Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan, Chookiat Ophaswongse dự báo giá gạo Thái có thể tăng 8-10% vào cuối năm nay và đầu năm tới (tháng 12- tháng 1) bởi nguồn cung giảm vào đúng mùa lễ hội cuối năm.
Nigeria sẽ bắt đầu mua gạo đồ từ tháng 11. Trong khi đó, sản lượng lúa vụ chính của Thái Lan sẽ sụt giảm, chỉ khoảng 23 triệu tấn so với 27-28 triệu tấn dự kiến ban đầu, do hạn hán.
Theo ông Chookiat: “Giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện rất thấp, chỉ 355 – 360 USD/tấn, và có thể đã chạm đáy”. Ông cho biết đồng baht giảm giá so với USD cũng là một lý do nữa khiến giá gạo giảm.
Ông cho biết hầu hết các thương gia đều cho rằng triển vọng giá từ nay sẽ khả quan hơn, nhất là sau khi Philippine vừa mở thầu mua đấu giá.
Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines sẽ mua 750.000 tấn gạo 25% tấm theo hợp đồng liên chính phủ, với giá 426,6 USD/tấn (CIF), trong đó 300.000 tấn sẽ do Thái Lan cung cấp, 450.000 tấn do Việt Nam cung cấp. Hàng sẽ giao từ tháng 11 năm nay đến tháng 1 năm tới.
Ông Chookiat cho biết nhu cầu của Indonesia vào cuối năm nay dự kiến sẽ khoảng 500.000 tấn, mặc dù quốc gia này đang theo đuổi chính sách tự cung lúa gạo. Theo ông, Indonesia sẽ không thể sản xuất đủ gạo để tiêu thụ trong nước, ít nhất vào thời điểm hiện tại.
Ông Chookiat dự báo Thái Lan có thể xuất khẩu khoảng 9 triệu tấn gạo trong năm nay, nhưng rất khó để dự báo quốc gia này có giành lại được vị trí nước xuất khẩu số 1 thế giới hay không.
Thái Lan đã mất vị trí này về tay Ấn Độ từ năm 2012, trong khi Việt Nam vươn từ vị trí thứ 3 lên thứ 2.
Năm ngoái, mặc dù nỗ lực của Thái Lan, Ấn Độ vẫn duy trì vị trí số 1 với 11,3 triệu tấn gạo xuất khẩu, trong khi Thái Lan chỉ bán được 10,8 triệu tấn.
"Chúng ta vẫn phải chờ xem Ấn Độ sẽ xuất khẩu bao nhiêu gạo trong những tháng cuối năm”, ông Chookiat chia sẻ.
Tính tới 17/8, Thái Lan đã xuất khẩu 6 triệu tấn gạo, trong khi Ấn Độ xuất 5,7 triệu tấn. Ông Chookiat dự báo Việt Nam sẽ xuất khẩu 6,1-6,2 triệu tấn gạo trong cả năm nay.
  • Nguồn tin: nhanhieuviet.gov.vn
  • Thời gian nhập: 01/10/2015
  • Số lần xem: 911