Thứ hai, 20/05/2024 - 09:08:48

Online: 168
Lượt truy cập: 4728744
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Thị trường hàng hóa trong nước tuần qua (09/11/2015)

Giá lúa Thu Đông cuối vụ tăng nhẹ; cà phê Tây Nguyên giá giảm; giá mía tăng; …

Giá lúa Thu Đông cuối vụ tăng nhẹ
Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang cho biết, tính đến thời điểm này, bà con cơ bản thu hoạch dứt điểm vụ lúa Thu Đông, với năng suất, sản lượng đạt khá và giá lúa tăng.
Hiện ở Hậu Giang, giá lúa trên thị trường tăng nhẹ 100 - 200 đồng/kg. Cụ thể, lúa OM 4900, OM 5451 dao động từ 4.500 - 4.700 đồng/kg, IR 50404 từ 3.900 - 4.300 đồng/kg, tùy chất lượng lúa. Với giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân lãi 20 - 25 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao gần gấp đôi so với vụ trước.
Tuy ở thời điểm này, giá lúa tăng nhẹ nhưng không còn nhiều người dân được hưởng lợi. Bởi ở Hậu Giang đã vào cuối vụ thu hoạch lúa Thu Đông, phần lớn sản lượng lúa thu hoạch trước đó bán giá thấp. Nhưng giá lúa tăng thời gian gần đây tạo sự sôi động cho thị trường lúa, gạo tại địa phương sau thời gian dài trầm lắng. Bà con nông dân “giải phóng” toàn bộ sản lượng lúa tồn đọng từ nhiều vụ trước.
Theo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, giá lúa tăng những ngày qua là do Việt Nam trúng gói thầu xuất khẩu gạo. Đây là động thái tích cực giúp địa phương thực hiện tốt vụ lúa Đông Xuân. Riêng vụ lúa Thu Đông, đến thời điểm này, Hậu Giang cơ bản hoàn thành thu hoạch 49.000 ha đã xuống giống, với năng suất bình quân khoảng 5,5 tấn/ha.
Cà phê Tây Nguyên giá giảm
Bước vào vụ thu hoạch cà phê năm nay, giá cà phê nhân giảm. Hiện giá cà phê nhân ở các tỉnh Tây Nguyên chỉ còn 35.200 - 35.800 đồng/kg, giảm 5.200 - 5.800 đồng/kg so với đầu năm 2015. Nắng hạn kéo dài, nhiều vùng sản xuất cà phê tập trung ở các tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai thiếu nước tưới nên nhân cà phê nhỏ, năng suất, sản lượng giảm từ 20% trở lên so với niên vụ trước.
Ngay tại Đắk Lắk, nơi có diện tích cà phê nhiều nhất nước, với trên 204.500 ha; trong đó, 193.000 ha cà phê kinh doanh, mùa khô hạn vừa qua khiến trên 47.835 ha khô hạn thiếu nước tưới.
Ngoài việc bảo vệ các vườn cà phê đạt tỷ lệ quả chín từ 90% trở lên mới đưa vào thu hoạch đại trà, các nông hộ sản xuất, kinh doanh cà phê ở các tỉnh Tây Nguyên còn thuê mướn nhân công, tu bổ, sửa chữa các loại máy sơ chế cà phê, sân phơi, nhà kho, mua sắm bao, bạt nilon… phục vụ tốt yêu cầu thu hoạch cà phê niên vụ 2015 - 2016.
Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 573.000 ha cà phê; trong đó, 532.000 ha cà phê kinh doanh thu hoạch niên vụ này.
Giá mía tăng
Các nhà máy đường ở ĐBSCL mới vào vụ ép 2015/2016 chưa lâu, mà giá mía ở khu vực này đã tăng mạnh.
Giá mía đầu vụ năm nay cao hơn đầu vụ năm ngoái, ít nhất là trên 100 đồng/kg. Vì thế, nông dân trồng mía ở ĐBSCL đang rất phấn khởi.
Hiện giá thu mua mía của các nhà máy như Tây Nam, Vị Thanh, Long Mỹ Phát … đã lên ở mức 1.055 đồng/kg, tăng 40 đồng/kg so với tháng 9 và 100 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Có nơi giá mua xô tại ruộng đã lên tới 1.150 - 1.200 đồng/kg với mía 11 - 12 CCS.
Thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng cho thấy, giá mía ở ĐBSCL đang tăng mạnh. Cuối tháng 9, khi mới bước vào niên vụ 2015/2016, các nhà máy đường Phụng Hiệp và Vị Thanh đưa ra giá mua mía 10 CCS ngay tại ruộng là 860 đồng/kg. Đến giữa tháng 10, giá thu mua mía tại ruộng của những nhà máy này đã tăng lên mức 970 đồng/kg (tăng 110 đồng/kg). Một số nhà máy khác vừa vào vụ nửa đầu tháng 10, cũng đưa ra mức giá thu mua mía khá cao, như Nhà máy Đường Bến Tre thông báo giá mua mía tại ruộng là 1.020 đồng/kg…
Sở dĩ giá mía đang tăng, trước hết là do lo ngại về việc thiếu hụt mía nguyên liệu. Niên vụ trước, do giá mía giảm nhiều (theo Bộ NN-PTNT, niên vụ 2014/2015, giá thu mua mía từ 750-900 đồng/kg, giảm 100-150 đồng/kg so với niên vụ trước đó), nên nhiều hộ trồng mía ở ĐBSCL đã bỏ mía.
Chính vì vậy, tuy mới đầu vụ ép 2015/2016, nhưng để mua được lượng mía nguyên liệu cần thiết, nhiều nhà máy đã sớm nâng giá thu mua mía lên. Vì thiếu hụt mía nguyên liệu mà có nhà máy đã lâm vào tình cảnh giở khóc giở cười khi chấp nhận mua mía non bằng với giá mía đạt chuẩn tối thiểu đưa vào ép (9 CCS), nhưng ép không thể ra đường, nên nhà máy lại phải tạm ngừng sản xuất.
Nhiều khả năng trong cả niên vụ 2015/2016, giá thu mua mía ở ĐSBCL vẫn sẽ ở mức tốt hơn so với niên vụ trước. Bởi vừa qua nhiều nông dân bỏ mía, cộng với năng suất bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi, sản lượng mía khu vực này trong niên vụ 2015/2016 có thể giảm 25 - 30%.
  • Nguồn tin: Bộ Công Thương
  • Thời gian nhập: 09/11/2015
  • Số lần xem: 859