Thứ hai, 20/05/2024 - 08:02:31

Online: 155
Lượt truy cập: 4728482
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Thị trường lúa gạo tháng 10/2015 và dự báo (21/12/2015)

Giá gạo tháng 10 tăng, đặc biệt tăng mạnh tại Việt Nam, bởi nhu cầu mua từ Philippines và Indonesia. Giá gạo Việt Nam cao nhất 9 tháng, vượt gạo cùng loại của Thái Lan.

I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG
Giá gạo thế giới đang tăng lên do lo ngại nguồn cung suy giảm và nhu cầu tăng từ Indonesia và Philippines.
Chỉ số giá gạo trắng xuất khẩu trung bình toàn cầu (WRI) hiện ở mức  tuần này ở mức 395 USD/tấn, tăng khoảng 8 USD/tấn so với một tháng trước, nhưng vẫn thấp hơn 59 USD/tấn so với một năm trước.
Tại châu Á, vựa lúa thế giới, giá gạo Việt Nam tăng mạnh nhất, tăng khoảng 35-40 USD/tấn (khoảng 9%) trong vòng một tháng qua, dù vẫn thấp hơn khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Liên tiếp nhận được những đơn hàng từ Philippines và Indonesia đã giúp thị trường gạo xuất khẩu của VN sôi động trở lại, với giá gạo 5% tấm đạt khoảng 380-390 USD/tấn, cao nhất trong vòng 9 tháng, và cao hơn cả giá gạo cùng loại của Thái Lan (360 – 370 USD/tấn), và càng cao hơn so với gạo Ấn Độ và Pakistan. Cách đây một tháng, loại gạo này có giá chỉ 340-345 USD/tấn.
Cuối tháng 8, giá gạo đã giảm xuống mức thấp nhất 8 năm, nhưng thị trường đã đảo chiều sau đó. Xu hướng giá gạo Việt Nam tăng bắt đầu từ tháng 9, khi thắng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo cho Philippines, và tiếp tục tăng sau khi ký được hợp đồng bán 1 triệu tấn cho Indonesia và khả năng sẽ ký tiếp hợp đồng xuất khẩu với Philippines.
Giá tăng nhanh trong khi đang phải thực hiện hợp đồng xuất khẩu khiến các nhà xuất khẩu không muốn chào bán, và nguồn cung trở nên khan hiếm.
Một số nhà kinh doanh gạo lo ngại khách hàng, trong đó có Trung Quốc, có thể chuyển hướng sang mua của những nước khác như Thái Lan hay Pakistan bởi giá rẻ hơn. Giá gạo 5% tấm của Pakistan hiện chỉ khoảng 310 – 320 USD/tấn.
Tại Thái Lan, đồng nội tệ tăng giá và hy vọng khách hàng châu Phi có thể sắp quay lại – thường vào trước mùa lễ hội Giáng sinh và Năm mới cũng đẩy giá gạo xuất khẩu tăng. Giá gạo 5% tấm của Thái hiện khoảng 360 – 370 USD/tấn, tăng khoảng 15 USD/tấn so với một tháng trước đây, nhưng vẫn thấp hơn 65 USD/tấn so với một năm trước. Tháng 9 vừa qua là thời điểm giá gạo Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất 8 năm.
Trong số các nước xuất khẩu lớn khác ở châu Á, giá gạo Campuchia không thay đổi trong tháng qua, với gạo 5% tấm ở mức khoảng 420 USD/tấn, trong khi gạo Ấn Độ và Pakistan giảm nhẹ, giảm khoàng 5 USD/tấn, xuống lần lượt 355 USD/tấn và 310 USD/tấn.
Tại một số nước nhập khẩu gạo chủ chốt, giá cũng tăng mạnh. Giá gạo nội địa Indonesia đã tăng 10% trong 2 tháng qua, lên 10.300 rupiah/kg (699 USD/tấn). Sản lượng lúa gạo của Indonesia có thể bị ảnh hưởng vì hạn hán do hiện tượng El Nino gây ra. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), giá gạo bình quân tại Indonesia trong tháng 9 đạt 10,27 triệu rupiah (720 USD)/tấn, tăng 1,3% so với 10,14 triệu rupiah (720 USD)/tấn trong tháng 8/2015 và tăng 15% so với 8,93 triệu rupiah (750 USD)/tấn cùng kỳ năm 2014.
Giá lúa gạo trong nước tháng qua cũng tăng theo xu hướng giá xuất khẩu. Từ đầu tháng 10,  giá lúa gạo trong nước tăng từng ngày. Giá lúa nguyên liệu đã tăng 100 - 200 đồng/kg, giá gạo thành phẩm tăng 300 - 450 đồng/kg. Nông dân bắt đầu găm giữ lúa lại với hy vọng giá sẽ tăng thêm nữa.
Bảng 1: Giá lúa gạo nguyên liệu tại ĐBSCL (đồng/kg)
 
Loại lúa, gạo
23/9/2015
23/10/2015
Lúa khô tại kho loại thường
4.900– 5.000
5.100 - 5.200
Lúa dài
5.200 – 5.300
5.300 - 5.400
Gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm
6.250 – 6.350
6.600-6.700
Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm
6.100 – 6.200
6.500-6.600
Gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn
7.100 – 7.200
7.500-7.600
Gạo 15% tấm
6.800 – 6.900
7.350-7.450
Gạo 25% tấm
6.700 – 6.800
7.100-7.200
Nguồn: Phòng Thông tin kinh tế quốc tế - VITIC tổng hợp
từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA)
II. CUNG – CẦU
Trong khi nguồn cung vẫn dồi dào, nhất là ở Thái Lan, nước xuất gạo lớn thứ 2 thế giới, nhu cầu đã sôi động lên kể từ cuối tháng 9.
Philippines và Indonesia đang tích cực mua gạo để phòng giá trong nước tăng mạnh do sản lượng trong nước sụt giảm.
1. Các nước xuất khẩu chủ chốt
1.1. Thái Lan
Theo Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA), xuất khẩu gạo Thái Lan tháng 9/2015 không thay đổi so với tháng 8, đạt khoảng 700.000-800.000, nhưng giảm so với 960.042 tấn trong tháng 9/2014. Xuất khẩu trong tháng 7 tăng 7%, nhưng đã giảm 5% trong tháng 8.
Từ 1/1-22/9, xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 6,9 triệu tấn, giảm 5% so với 7,26 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Bộ Thương mại Thái Lan.
Tổng cục trưởng Tổng cục Ngoại thương Thái Lan nhận định sẽ đạt được mục tiêu xuất khẩu 10 triệu tấn gạo trong năm nay bất chấp sản lượng giảm do hạn hán, nhưng vẫn bày tỏ lo ngại sự cạnh tranh của các nước như Ấn Độ, Campuchia, Myanmar và Pakistan. Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post) ước tính xuất khẩu gạo của Thái Lan năm 2015 chỉ đạt 9 triệu tấn, giảm 18% so với 10,969 triệu tấn năm 2014 và không đổi so với ước tính chính thức của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), và dự báo sẽ giảm tiếp xuống 8 triệu tấn năm 2016 do nguồn cung gạo trắng và gạo đồ cho xuất khẩu thắt chặt hơn.
Tồn trữ gạo của chính phủ Thái Lan hiện ở mức khoảng 13 triệu tấn gạo và đang tìm cách bán hết tất cả số gạo này trước cuối năm 2016. Bộ Thương mại Thái Lan dự báo hạn hán có thể sẽ kéo giảm sản lượng lúa của Thái Lan xuống thấp nhất 19 năm ở 22,98 triệu tấn trong niên vụ 2015 - 2016, giảm 30% so với niên vụ trước. USDA Post cũng hạ dự báo sản lượng lúa của Thái Lan niên vụ 2014-2015 xuống 29,4 triệu tấn (19,4 triệu tấn gạo), giảm 5% so với 31 triệu tấn (20,46 triệu tấn gạo) năm 2013-2014. Sản lượng lúa niên vụ 2015-2016 dự báo giảm xuống 28,848 triệu tấn (16,4 triệu tấn gạo) do diện tích gieo cấy giảm do thiếu nước tưới tiêu.
Chính phủ Thái Lan đang kêu gọi người nông dân tạm ngừng trồng lúa trong thời điểm hiện tại do thiếu nguồn cung nước tưới tiêu giảm mạnh.
1.2. Việt Nam
Nguồn cung lúa gạo so với cuối tháng 9 đã tăng khá nhiều. Tuy nhiên, báo công thương dẫn nguồn tin VFA nhận định, việc cân đối lượng gạo còn trong kho để ký tiếp các hợp đồng cũng như đảm bảo thời gian giao hàng của các doanh nghiệp vẫn rất cần tính toán kỹ, và các địa phương sản xuất lúa gạo cần rà soát nguồn cung, đưa ra những kế hoạch cụ thể để đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu trong những tháng tới.. Hiện tại, lượng gạo tồn kho còn khoảng 1,4 triệu tấn.
Về sản xuất, tính đến ngày 15/10/2015, theo số liệu của Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống vụ Hè Thu năm 2015 được khoảng 1,668 triệu ha/ 1,6 triệu ha diện tích kế hoạch; thu hoạch khoảng 1,650 triệu ha với năng suất khoảng 5,6-,5,7 tấn/ha, sản lượng khoảng 9,32 triệu tấn lúa. Đối với vụ Thu Đông 2015, khu vực này đã xuống giống được khoảng 800.000 ha/ 886.000 ha diện tích kế hoạch, thu hoạch được khoảng 270.000 ha với năng suất khoảng 5 tấn/ha, sản lượng đạt khoảng 1,35 triệu tấn lúa.
Bộ Nông nghiệp Việt Nam ước tính, sản lượng thóc năm 2015 của Việt Nam sẽ tăng khoảng 0,3% so với năm ngoái lên 45 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng lúa của miền Bắc có thể sẽ giảm 1% do diện tích canh tác lúa giảm 1,3%. Ngược lại, khu vực ĐBSCL đã canh tác hơn 612.000 hecta lúa vụ Thu Đông 2015, tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái với năng suất ước tính đạt 5,43 tấn/hecta.
Về xuất khẩu, sau khi thắng thầu cung cấp 450.000 tấn gạo cho Philippines, Việt Nam tiếp tục giành được hợp đồng bán 1 triệu tấn gạo cho Indonesia, thời hạn giao hàng trước tháng 3/2016, cùng thời gian giao hàng cho Philippines.
Theo VFA, 9 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 4,35 triệu tấn, giảm 9% so với 4,8 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Giá xuất khẩu bình quân đến nay đạt 420,77 USD/tấn (FOB), giảm 2,6% so với 432 USD/tấn cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi xuất khẩu gạo nhìn chung giảm thì xuất khẩu gạo chất lượng cao lại đạt kết quả tích cực. Dòng gạo cao cấp Việt Nam đang ngày càng chiếm ưu thế với mức giá liên tục tăng. Xuất khẩu gạo chất lượng cao trong 9 tháng đầu năm nay tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,2 triệu tấn, chiếm 26% trong tổng khối lượng gạo xuất khẩu trong giai đoạn này. Lợi nhuận mà dòng sản phẩm cao cấp mang lại hấp dẫn hơn nhiều so với hàng phổ thông và cấp thấp.
Dòng sản phẩm gạo dược liệu (gạo có hàm lượng dinh dưỡng cao) cũng hút hàng. Thực tế cho thấy một bộ phận người VN có điều kiện kinh tế cũng có nhu cầu ăn gạo cao cấp, gạo dược liệu giàu dinh dưỡng. Trang Tuoitre đưa tin, khách hàng châu Âu tìm đến tận ruộng đặt mua lúa dinh dướng với giá rất cao. Đó là loại gạo Ngọc đỏ hương dứa, cho 8,75% protein, 1,85% glucose và 9,84mg chất sắt... trong 100 gr gạo, rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là người cao tuổi và người bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường... Lúa dược liệu có năng suất khá cao (5-8 tấn/ha, tùy vụ), giá bán cao nhưng vì loại này mới có gần đây, chưa được sản xuất đại trà, có bao nhiêu doanh nghiệp mua hết bấy nhiêu nên người tiêu dùng chưa có cơ hội mua sử dụng thử. Bộ NN&PTNT đã định hướng cho các địa phương quy hoạch, phát triển các vùng nguyên liệu lúa gạo theo từng phân khúc thị trường. Bên cạnh việc yêu cầu giảm tối đa diện tích lúa IR50404, đồng thời tăng diện tích lúa thơm và lúa gạo dinh dưỡng để ngoài việc sản xuất để xuất khẩu thì doanh nghiệp có thể mở rộng diện tích, đưa sản phẩm ra thị trường trong nước nhiều hơn để người tiêu dùng được tiếp cận, đánh giá và lựa chọn.
1.3. Ấn Độ
USDA Post ước tính đến hết tháng 8, xuất khẩu gạo của Ấn Độ đạt 10,9 triệu tấn và xuất khẩu trong tháng 9 ước đạt 800.000 tấn, và dự báo xuất khẩu gạo của Ấn Độ niên vụ 2015-2016 (tháng 10 - tháng 9) giảm xuống 9 triệu tấn, giảm 30% so với 11,7 triệu tấn năm 2014-2015 do nguồn cung thắt chặt.
Sản lượng gạo của Ấn Độ năm 2015-2016 dự báo đạt 103 triệu tấn, giảm 1,7% so với 104,8 triệu tấn niên vụ trước và giảm 1% so với 104 triệu tấn ước tính chính thức của USDA.
Theo Bộ Nông nghiệp Ấn Độ, tổng diện tích gieo cấy tính đến 9/10/2015 đạt 37,72 triệu ha, giảm nhẹ so với 37,79 triệu ha cùng kỳ năm ngoái.
Theo ước tính của Post, lượng gạo dự trữ của Ấn Độ trong năm 2015-2016 đạt 11,5 triệu tấn, giảm so với 16,5 triệu tấn năm 2014-2015.
1.4. Campuchia
Xuất khẩu gạo của Campuchia trong tháng 9/2015 chỉ đạt 26.969 tấn, giảm 10% so với 29.819 tấn trong tháng 8 và giảm 24% so với 35.511 tấn trong tháng 9/2014, chủ yếu do giá gạo Campuchia cao hơn so với gạo Thái Lan và Myanmar. Nguồn cung giảm do lượng mưa thấp hơn trung bình hồi đầu năm đã khiến giá gạo tăng tại Campuchia.
9 tháng đầu năm xuất khẩu gạo của Campuchia đạt 369.105 tấn, tăng 37% so với 269.370 tấn cùng kỳ năm ngoái .
Hiện Campuchia đang thực hiện kế hoạch tăng cường thâm nhập vào những thị trường mới. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính xuất khẩu gạo của Campuchia năm 2015 đạt 1,1 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2014. FAO ước tính, tổng xuất khẩu gạo của Campuchia (bao gồm cả xuất khẩu chính thức và không chính thức qua đường biên giới sang Thái Lan và Việt Nam) sẽ đạt 1,2 triệu tấn trong năm 2015, tăng 6% so với năm ngoái.
Trong một diễn biến khác, các nhà xuất khẩu Campuchia đang lên kế hoạch tăng xuất khẩu gạo thơm jasime sang Mỹ như một phần trong nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Theo một đơn vị xuất khẩu gạo hàng đầu Campuchia, thị trường EU đã đạt đỉnh và không còn nhiều cơ hội để mở rộng, trong khi thị trường Mỹ vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Tuy vậy, các nhà xuất khẩu gạo Campuchia cần nâng cao khả năng cạnh tranh.
Hiện gạo thơm Campuchia đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với gạo Thái Lan - đang chiếm 22% thị trường xuất khẩu gạo toàn cầu, trong khi thị phần của gạo Thái Lan trên thị trường thế giới chỉ là 1,1%.
Trong khi giá xuất khẩu gạo thơm jasmine của Campuchia tăng lên 880 USD/tấn từ 750 USD/tấn hồi đầu năm, giá xuất khẩu gạo thơm của Thái Lan lại giảm xuống 810 USD/tấn từ 900 USD/tấn cùng kỳ.
Tuy nhiên, sản lượng thóc năm 2015 của Campuchia được dự báo sẽ giảm 1,5% so với năm ngoái xuống 9,18 triệu tấn. Hiện tại, có khoảng 189.122 hecta lúa đã bị phá hủy bởi hạn hán kéo dài.
2. Các nước nhập khẩu chủ chốt
2.1. Philippine
Theo Cục Thống kê Nông nghiệp Philippines (BAS), dự trữ gạo của nước này trong tháng 9 giảm tháng thứ 4 liên tiếp, khi chỉ đạt 1,96 triệu tấn, giảm 12,5% so với tháng 8/2015 nhưng tăng 31,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự trữ gạo của hộ gia đình đạt 570.000 tấn, dự trữ gạo thương mại đạt 580.00 tấn và dự trữ gạo của Cơ quan Lương thực quốc gia (NFA) là 800.000 tấn. Số gạo này sẽ đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cho 58 ngày tới.
Cơn bão Koppu gây thiệt hại khoảng 412.000 tấn lúa, và đây là một trong những nguyên nhân khiến Philippines đang cân nhắc khả năng nhập khẩu thêm gạo trong năm nay.
Chính phủ Philippines lo ngại sản lượng lúa của nước này không thể đạt mục tiêu 20,09 triệu tấn do El Nino gây hạn hán. Đến nay, nước này đã nhập khẩu 1,8 triệu tấn gạo.
USDA đã nâng dự báo về nhập khẩu gạo của Chính phủ Philippines niên vụ 2015 - 2016 (tháng 5/2015 - tháng 4/2016) lên 2 triệu tấn, từ mức 1,4 triệu tấn dự báo trước đây. USDA ước tính, sản lượng lúa của Philippines sẽ giảm xuống còn 18,73 triệu tấn trong niên vụ 2015 - 2016 do tác động của hiện tượng El Nino.
Cơ quan Thống kê Philippines (PSA) ước tính sản lượng lúa quý III/2015 của nước này đạt 2,579 triệu tấn, giảm 14,8% so với 3,03 triệu tấn cùng kỳ năm 2014 và giảm so với 2,589 triệu tấn dự báo trước đây, chủ yếu do thiếu nguồn cung nước tưới tiêu và thời tiết khô nóng tại hầu hết các vùng trồng lúa chủ chốt.
2.2. Indonesia
Lượng gạo tồn kho của Indonesia tính đến tháng 12/2015 dự kiến chỉ đạt khoảng 62.000 tấn, trong khi cần phải dự trữ từ 1,5-2 triệu tấn mới có thể đáp ứng nhu cầu trước khi vào vụ thu hoạch mới vào đầu năm 2016.
Việc sụt giảm lượng gạo dự trữ chủ yếu do việc kéo dài thời gian triển khai chương trình trợ cấp gạo cho người nghèo theo chính sách của Tổng thổng Joko Widodo từ 12-14 tháng so với kế hoạch ban đầu. Chính phủ Indonesia đã phải kéo dài thời gian trên do hiện tượng thời tiết khô hạn El Nino gây ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất lúa gạo ở nhiều vùng. 
Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, mùa khô năm nay kéo dài cộng với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã khiến 200.000ha lúa bị thiếu nước, trong đó có 30.000ha mất trắng. Điều này khiến cho sản lượng lúa của nước này trong năm nay không thể đạt mức 75,5 triệu tấn như ước tính trước đó của Cục Thống kê Quốc gia Indonesia. Bộ Nông nghiệp nước này cho biết chính phủ sẽ không tăng chỉ tiêu sản xuất gạo trong năm tới. 
III. CẢNH BÁO, DỰ BÁO
Hiện tượng thời tiết El Nino đang mạnh dần lên, và là một trong những đợt El Nino mạnh nhất kể từ 1950. El Nino chắc chắn sẽ còn kéo dài tới đầu năm sau. Trong khi các nước châu Á, Nam Mỹ và Australia sẽ bị hạn hán thì các nước Nam Mỹ lại bị mưa quá nhiều. Sản lượng gạo chắc chắn sẽ giảm ở Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Philippines.
Dự báo từ nay tới cuối năm, giá gạo sẽ còn tiếp tục tăng khi Philippines tăng cường và Indonesia bắt tay vào nhập khẩu gạo.
Khách hàng Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ tích cực mua gạo sau khi giảm mua xuống mức thấp nhất 5 tháng vào tháng 8 vừa qua.
Tuy nhiên, sang quý I/2016, giá gạo có thể sẽ giảm trở lại, khi các nước sản xuất chủ chốt vào thu hoạch vụ mới, còn các nước nhập khẩu lớn cũng đã mua đủ lượng cần thiết.
Sản lượng gạo của Ấn Độ và Indonesia có thể sẽ giữ vai trò quyết định triển vọng của giá gạo trong năm nay. Nếu sản lượng gạo của hai quốc gia này thấp hơn bình thường, giá gạo thế giới có thể tăng 15-20% trong năm tới.
  • Nguồn tin: Bộ Công Thương
  • Thời gian nhập: 21/12/2015
  • Số lần xem: 820