Thứ hai, 20/05/2024 - 08:30:44

Online: 171
Lượt truy cập: 4728605
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Thị trường thủy sản 11T/2015 và dự báo (12/01/2016)

- Giá tôm trên thế giới liên tục giảm từ đầu năm đến nay

- Giá tôm, cá tra trong nước cũng giảm giá mạnh.

- Xuất khẩu thủy sản sụt giảm đáng kể

- Dự báo giá vẫn trong xu hướng giảm.

I. DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG
1. Thế giới
Thị trường Mỹ 
Tại sàn giao dịch New York, trong tháng 11 giá tôm thẻ xuất xứ tại một số nước biến động tăng, trong khi giá tôm sú lại giảm so với tháng 10. Tính chung trong 11 tháng đầu năm 2015, giá tôm các loại vẫn trong xu hướng giảm.
Trung bình tháng 11, giá tôm thẻ kích cỡ 16/20 xuất xứ tại Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan giao dịch tại New York lần lượt ở mức 5,25 USD/lb, 5,12USD/lb, 5,2 USD/lb (tăng 0,05 USD/lb so với tháng 10/2015). Nhưng so vói hồi đầu năm 2015, giá tôm xuất xứ từ các thị trường trên đã giảm lần lượt là 1,4 USD/lb, 0,98 USD/lb và 0,25 USD/lb.
Đối với tôm sú kích cỡ 21/25 xuất xứ tại Ấn Độ, Việt Nam, Malaysia giao dịch tại New York trong tháng 11 lần lượt ở mức trung bình 5,15 USD/lb, 5,0 USD/lb, 5,23USD/lb (giảm 0,01 – 0,03 USD/lb so với tháng 10/2015). Và so với hồi đầu năm 2015, giá tôm sú cỡ 21/25 xuất xứ từ các thị trường này cũng giảm lần lượt 1.75 USD/lb, 2,2 USD/lb và 1,45 USD/lb.
Nhập khẩu tôm của Mỹ 9 tháng đầu năm 2015 đạt 415.438 tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2014. Ấn Độ xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất đạt 97.271 tấn. Tiếp theo là Indonesia; Ecuador với lượng đạt 85.971 tấn; 67.169 tấn.
Số đơn hàng tôm bị từ chối vào Mỹ trong năm 2015
Trong tháng 10/2015 có 112 đơn hàng hải sản bị từ chối nhập khẩu vào Mỹ, trong đó chỉ có 17 đơn hàng tôm (15,2%) bị từ chối do các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong 10 tháng đầu năm 2015, FDA đã từ chối tổng cộng 377 đơn hàng tôm nhập khẩu không đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn, vượt qua tổng cộng số đơn hàng tôm nhập khẩu bị từ chối trong 6 năm từ năm 2002-2007; cũng vượt quá số đơn hàng trong 4 năm từ 2008-2011 và trong 3 năm từ 2012-2014.
Thị trường Thái Lan
Tại Thái Lan, giá thu mua tôm thẻ tại các trang trại tăng trở lại trong tháng 11. Giá trung bình tôm thẻ chân trắng loại 40 con/kg; 60 con/kg; 90 con/kg lần lượt ở mức 180 baht/kg; 150 baht/kg; 118 baht/kg (tăng 1-7 bath/kg so với tháng 10). Loại 70-100 con/kg tăng 5 baht/kg lên mức 110-140 baht/kg.
Các nhà chế biến tôm của Thái Lan hiện đang làm ăn thuận lợi vì đồng nội tệ yếu và nguồn cung đã phục hồi sau đại dịch tôm chết sớm (EMS). Đồng nội tệ yếu giúp các nhà xuất khẩu tôm Thái Lan sang thị trường Mỹ có thể đưa ra mức giá cạnh tranh hơn so với một số nước đối thủ. Sản lượng tôm Ấn Độ hiện giảm và giá tăng cũng có thể là nguyên nhân khiến nhu cầu tôm Thái Lan tăng.
Nhu cầu tôm Thái Lan trên thị trường Mỹ dự báo sẽ vẫn cao cho tới đầu tháng 12. Tuy nhiên, một nhà chế biến tôm của Thái Lan cho rằng, tình hình khả quan hiện nay có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn vì đang được tỷ giá ủng hộ. Trong vài tuần tới, khi tôm Ấn Độ vào vụ mới, sản lượng sẽ tăng, giá tôm Thái Lan sẽ không còn cạnh tranh như hiện tại.
Bảng 1. Giá tôm thẻ chân trắng tại Thái Lan
                                            ĐVT: Baht/kg
Tháng
40 con/kg
60 con/kg
90 con/kg
8
185
165
129
9
184
160
122
10
180
149
111
11
180
150
118
Nguồn: agromonitor
Thị trường Trung Quốc
Giá tôm Trung Quốc có những biến động mạnh trong thời gian qua là do vấn đề dịch bệnh và ảnh hưởng từ thời tiết. Tại Quảng Đông và Quảng Tây, khoảng 70-80% các hộ nuôi tôm bị giảm sản lượng. Đặc biệt, Trạm Giang, Quảng Đông vừa phải chịu sự tàn phá của cơn bão lớn vào đầu tháng 10/2015 làm nhiều ao tôm bị thiệt hại. Điều này khiến người nuôi tôm tại Trung Quốc tiếp tục lo lắng trong vụ nuôi thứ 3 trong năm, một số có ý định từ bỏ ao nuôi.
Giá tôm thẻ chân trắng tại các tỉnh Quảng Đông; Quảng Tây; Hải Nam; Giang Tô... trong tháng 10 nhìn chung biến động không rõ xu hướng với biên độ dao động từ 0,5-2 NDT/tấn. Đầu tháng 11 (02/11), giá tôm thẻ tại Bắc Hải, Quảng Tây giảm nhẹ; trong khi tại Trung Sơn, Quảng Đông tăng, còn tại Trạm Giang giá ổn định so với cuối tháng 10.
Tại Bắc Hải, Quảng Tây giá tôm thẻ loại 40 con/lb và 50 con/lb ngày 02/11 giảm 1 NDT/tấn so với ngày 17/10 xuống mức 20 NDT/tấn và 17 NDT/tấn. Trái chiều, ngày 02/11 tại Trung Sơn, Quảng Đông giá tôm thẻ loại 40 con/lb tăng 2 NDT/tấn so với ngày 22/10 lên mức 22 NDT/tấn.
2. Thị trường trong nước
Thị trường tôm nội địa trong tháng 11/2015 vẫn khá trầm lắng, giá thu mua tôm thẻ và tôm sú giảm mạnh so với tháng 10. Trong khi đó tình hình nuôi trồng tôm trong 10 tháng đầu năm 2015 gặp khá nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp và dịch bệnh xảy ra liên tục.
Giá tôm thẻ nguyên liệu trong tháng 11/2015 giảm mạnh tại Khánh Hòa, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu.
Tại Khánh Hòa, giá tôm sú loại 40con/kg giảm từ 320.000đ/kg hồi đầu tháng 11 xuống 280.000 đ/kg vào cuối tháng. So với hồi đầu năm thì giảm 40.000 đ/kg. Giá tôm sú từ đầu năm đến nay biến động liên tục từ 280.000 – 380.000 đ/kg, giá đạt mức cao 360.000 - 370.000 đ/kg vào tuần đầu tháng 2 và tuần đầu tháng 6; sau đó lên mức đỉnh điểm 380.000 đ/kg vào tuần thứ 2 của tháng 7, rồi tăng giảm thất thường và hiện nay xuống mức thấp nhất 280.000 đ/kg 
Giá tôm thẻ cũng diễn biến tương tự, loại 60 con/kg vào đầu tháng 11 khoảng 170.000 đ/kg, nhưng đến tuần cuối tháng 11 giá xuống 160.000 đ/kg. Tính chung trong cả năm, giá dao động trong khoảng 160.000 – 220.000 đ/kg, Giá đạt mức cao nhất vào tuần thứ nhất của tháng 6, sau đó biến động liên tục và hiện nay đạt mức thấp nhất kể từ đầu năm.
Tại Sóc Trăng, tính trung bình tháng 11/2015, giá tôm sú cỡ 30 con/kg và 40 con lần lượt là 165.000 đồng/kg và 120.000 đồng/kg (xấp xỉ mức giá của tháng 10). So với hồi đầu năm thì giá giảm khoảng 30.000 đ/kg .
Giá cá tra tại các tỉnh đồng Bằng sông Cửu Long tháng 11 tăng nhẹ so với tháng 10. Cụ thể, tại Đồng Tháp, cá tra thịt trắng loại 1 giá 19.500 – 21.500 đ/kg (tăng 500 đ/kg). So với hồi đầu năm, giá giảm mạnh 5.000 đ/kg.
II. CUNG – CẦU
1. THẾ GIỚI
Theo ước tính từ Nuôi trồng thủy sản châu Á – Thái Bình Dương, Indonesia đã trở thành quốc gia nuôi tôm lớn thứ hai trên thế giới trong năm 2014. Sản lượng tôm thẻ chân trắng của Indonesia đã tăng 31% lên mức 504.000 tấn, đứng sau Trung Quốc với 955.000 tấn. Sản lượng tôm thẻ chân trắng của Ecuador đã giảm 19% xuống còn 286.000 tấn so với mức 340.000 tấn của năm 2013. Trong năm 2014, Việt Nam cũng ghi nhận mức sản lượng tôm chân trắng tăng, từ 267.615 tấn lên mức 328.000 tấn. Điều này khiến sản lượng tôm sú đã giảm từ 292.844 tấn xuống còn 241.000 tấn. Tình trạng trên cũng diễn ra ở Indonesia với sản lượng tôm sú giảm từ 178.783 tấn xuống còn 126.000 tấn.
Thái Lan là nước sản xuất tôm lớn nhất thế giới. Hãng thủy sản đông lạnh Thai Union đưa ra dự báo khiêm tốn về sản lượng tôm Thái Lan năm 2015 là 250.000 tấn, cao hơn năm ngoái 35.000 tấn. Nếu tình hình khả quan hơn, sản lượng sẽ lên 285.000 tấn.
Sản lượng tôm năm 2015 của Trung Quốc dự kiến giảm 25-40% so với 2014, thấp hơn nhiều so với 2013. Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào Ấn Độ và Ecuador về NK tôm nguyên liệu để chế biến. Việt Nam cũng là một nguồn cung cấp tôm nguyên liệu cho mục đích chế biến của Trung Quốc.
Ngược lại, Ấn Độ vẫn duy trì được mức sản lượng ổn định trong khoảng 300.000 tấn tôm thẻ chân trắng và 45.000 tấn tôm sú.
Sản lượng tôm thẻ chân trắng trên thế giới trong năm 2014 đã tăng từ 2,7 triệu tấn lên 3,05 triệu tấn nhờ việc chuyển đổi đối tượng nuôi từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng khiến sản lượng tôm sú trong năm 2014 giảm xuống còn 634.800 tấn so với mức 743.616 tấn của năm 2013.
2. TRONG NƯỚC
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 10 năm 2015 ước đạt 298.000 tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, đưa tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản 10 tháng đạt 2,88 triệu tấn, tăng 2% so với cùng kỳ.
Cá tra: Đáng chú ý diện tích nuôi cá tra có xu hướng giảm dần, do nhiều người nuôi nhỏ lẻ thua lỗ, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm. Nhiều hộ nuôi đã chuyển sang hướng liên kết với các doanh nghiệp hoặc nuôi gia công cho doanh nghiệp thay vì tự đầu tư nuôi. Nhờ liên kết nuôi cá tra theo chuỗi nên sản lượng cá tra 10 tháng năm 2015 của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long vẫn giữ vững, ước đạt 946.000 tấn, tăng 6% so với cùng kỳ, Đồng Tháp hiện có khoảng 80% hộ nuôi cá tra tham gia chuỗi liên kết, đạt sản lượng cá tra lớn nhất vùng với 309.141 tấn (tăng 2,8%), sản lượng cá tra tại An Giang đạt 245.255 tấn (tăng 3,5%).
Tôm sú: Diện tích nuôi tôm sú ước đạt 577.843 ha, tăng 4,5% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 215.799 tấn, tăng 0,2%. Vùng đồng bằng sông Cửu Long diện tích tôm sú tăng 3,7% so với cùng kỳ, ước đạt 555.954 ha, sản lượng ước đạt 204.086 tấn, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó một số tỉnh có sản lượng giảm đáng kể như: Cà Mau giảm 11,5%, Bến Tre giảm 8,9%.
Tôm thẻ chân trắng: ước đạt 82.034 ha, giảm 3,9% so với cùng kỳ, sản lượng ước đạt 250.897 tấn, giảm 4,2%, Diện tích và sản lượng tôm thẻ chân trắng vùng đồng bằng sông Cửu Long 10 tháng đầu năm 2015 giảm so với cùng kỳ năm trước: diện tích ước đạt 58.406 ha, giảm 1,2%; sản lượng ước đạt 169.433 tấn, giảm 11,7%, Trong đó, Trà Vinh diện tích giảm 10%, sản lượng giảm 11,2%; Bạc Liêu diện tích giảm 33,3%, sản lượng giảm 6,6%, Kiên Giang diện tích giảm 7,9%, sản lượng giảm 27%.
Theo Bộ NN&PTNT, định hướng đến năm 2020, toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có hơn 600.000ha tôm nuôi nước lợ, giảm so với năm 2014 nhằm nâng cao chất lượng tôm thương phẩm. Trong đó, hạ diện tích tôm thẻ chân trắng xuống chỉ còn 150.000 ha, đưa diện tích tôm sú lên trở lại khoảng 550.000ha. Đồng thời, phải đẩy mạnh mô hình xen canh tôm lúa.
Bộ NN&PTNT đã đặt mục tiêu phát triển 200.000-250.000 ha tôm-lúa, sản lượng tôm thương phẩm 100.000-150.000 tấn, nông dân sẽ có doanh thu trên 20.000 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ USD.
3. XUẤT KHẨU
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục hải quan, 10 tháng đầu năm 2015, tổng trị giá thủy sản xuất khẩu đạt 5,43 tỷ USD, giảm 17,19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu tôm đạt khoảng 2,4 tỷ USD, giảm 28%; cá tra 1,3 tỷ USD, giảm 12%; cá ngừ 383 triệu USD, giảm 6%; mực bạch tuộc giảm 13% đạt 345 triệu USD. Chỉ có các mặt hàng cá biển khác tăng gần 4% đạt 863 triệu USD.
Hoa Kỳ luôn là thị trường tiêu thụ nhiều nhất các loại thủy sản của Việt Nam, chiếm 19,71% trong tổng kim ngạch, đạt 1,07 tỷ USD; tiếp đến Nhật Bản chiếm 15,64%, đạt 848,25 triệu USD; Hàn Quốc chiếm 8,49%, đạt 460,37 triệu USD; Trung Quốc chiếm 6,85%, đạt 371,45 triệu USD.
Xuất khẩu sang các thị trường chính đều giảm mạnh (từ 8- 25%), trong đó thị trường Mỹ giảm mạnh nhất 25,3%, EU giảm 19% và Nhật Bản giảm 13,45%.
Tuy nhiên, xuất khẩu sang 2 thị trường I rắc, Séc, Thái Lan, Ấn Độ lại tăng trưởng mạnh với mức tăng lần lượt là 30,13%, 28,04%, 19,41% và 19,02% về kim ngạch so với cùng kỳ, có thể do sự chuyển hướng của doanh nghiệp thủy sản khi các thị trường lớn khó tiêu thụ.
Thị trường tiêu thụ kém và biến động tỷ giá tiền tệ là nguyên nhân chính khiến cho thủy sản Việt Nam bị cuốn trong vòng xoáy giảm giá trên thị trường thế giới suốt từ đầu năm đến nay.
Làn sóng mất giá và thả nổi giá nội tệ so với đồng USD ở các thị trường và các nước sản xuất chính khiến cho không chỉ xuất khẩu tôm mà cả các mặt hàng khác của Việt Nam khó cạnh tranh tại thị trường nhập khẩu, nhất là thị trường Mỹ. Thời tiết năm 2015 khá khắc nghiệt so với năm trước… Một thông tin rất đáng lưu tâm khi 9 tháng đầu năm 2015, số lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định bảo đảm an toàn thực phẩm là 165 lô, tăng 6 lô hàng so với cả năm 2014, còn số lô hàng bị phát hiện vi phạm quy định hóa chất, kháng sinh là 78, tăng 10 lô so với cả năm 2014.
Theo VASEP, trước những thách thức về nhu cầu sụt giảm, vòng xoáy giảm giá xuất khẩu nông, thủy sản nói chung, xuất khẩu trong 2 tháng cuối năm sẽ chỉ tăng nhẹ so với những tháng đầu năm và vẫn thấp hơn 20 – 25% so với cùng kỳ năm 2014.
Với xu hướng như hiện nay, dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2015 sẽ đạt khoảng 6,6 tỷ USD, giảm 15% so với năm 2014.
Hiện nay, cá tra của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 113 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngoài hai thị trường truyền thống là Mỹ và châu Âu đang có dấu hiệu giảm sút gần đây thì ở các thị trường mới như Trung Quốc, Brazil, Mexico lại có dấu hiệu tăng nhanh về giá trị và sản lượng. Dự báo trong thời gian tới Trung Quốc là một trong ba thị trường xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam, cùng với Mỹ và châu Âu.
10 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra đạt trên 1,3 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ, trong đó thị trường Mỹ đạt 246 triệu USD, giảm hơn 3% so với cùng kỳ; thị trường châu Âu đạt 231 triệu USD, giảm gần 16% so với cùng kỳ. VASEP cho biết, biến động tỷ giá chỉ là một phần nguyên nhân dẫn đến việc xuất khẩu cá tra sụt giảm. Nguyên nhân chính vẫn là nguồn cung các loại cá thịt trắng khác ở các thị trường này đang được mở rộng, cá tra phải chịu cạnh tranh gay gắt về giá. Bên cạnh đó, dù có mức giá ổn định, thịt cá ít mùi, dễ chế biến nhưng hình ảnh cá tra Việt Nam vẫn chưa được quảng bá tốt ở những thị trường trên.
Riêng thị trường Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) đạt 122 triệu USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ, chiếm tới 11% thị phần xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Dự báo trong năm 2016, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có khả năng sẽ chiếm tới 17-18% thị phần xuất khẩu.
Bảng 2. Số liệu thống kê sơ bộ của TCHQ xuất khẩu thủy sản 10 tháng năm 2015
                            ĐVT: USD
Thị trường
 10T/2015
 10T/2014
+/- (%) 10T/2015 so với cùng kỳ
Tổng kim ngạch
      5.425.037.913
      6.551.552.005
-17,19
Hoa Kỳ
      1.069.340.414
      1.431.475.657
-25,30
Nhật Bản
         848.249.901
         980.035.368
-13,45
Hàn Quốc
         460.370.086
         533.026.459
-13,63
Trung Quốc
         371.451.392
         403.108.322
-7,85
Thái Lan
         177.769.462
         148.873.217
+19,41
Anh
         165.701.819
         152.656.686
+8,55
Đức
         163.575.680
         199.995.576
-18,21
Canada
         159.654.516
         217.500.732
-26,60
Australia
         144.190.666
         190.592.268
-24,35
Hà Lan
         142.577.896
         181.554.516
-21,47
Hồng Kông
         122.493.644
         122.184.365
+0,25
Đài Loan
         100.118.818
         121.372.741
-17,51
Italia
           99.345.808
         120.749.539
-17,73
Bỉ
           92.073.471
         121.838.484
-24,43
Pháp
           91.157.017
         117.764.784
-22,59
Mexico
           88.851.879
           93.870.649
-5,35
Singapore
           85.204.622
           87.646.556
-2,79
Tây Ban Nha
           75.833.238
         106.254.285
-28,63
Nga
           65.313.251
           85.831.527
-23,91
Malaysia
           61.624.602
           59.623.036
+3,36
Braxin
           59.811.378
         109.387.129
-45,32
Ả Rập Xê út
           58.579.004
           55.406.192
+5,73
Philippines
           57.869.318
           54.743.676
+5,71
Ai Cập
           56.213.745
           63.738.713
-11,81
Colômbia
           53.146.639
           59.788.852
-11,11
Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất
           46.420.137
           53.025.576
-12,46
Bồ Đào Nha
           36.990.845
           45.349.375
-18,43
Israel
           32.864.281
           37.601.161
-12,60
Thuỵ Sĩ
           32.803.096
           61.540.990
-46,70
Đan Mạch
           26.456.036
           35.807.119
-26,12
NewZealand
           17.924.431
           18.109.879
-1,02
Ba Lan
           16.557.954
           22.889.173
-27,66
Ấn Độ
           16.064.043
           13.497.028
+19,02
Campuchia
           15.157.140
           13.500.752
+12,27
Thuỵ Điển
           14.507.584
           15.765.712
-7,98
Séc
           13.177.030
           10.291.051
+28,04
Pakistan
           12.705.014
           12.589.680
+0,92
Cô Oét
           10.382.197
           10.367.863
+0,14
Hy Lạp
             8.536.856
           12.020.584
-28,98
I rắc
             7.720.440
             5.932.735
+30,13
Ucraina
             7.380.593
           31.760.047
-76,76
Thổ Nhĩ Kỳ
             6.175.936
             6.060.431
+1,91
Rumani
             5.086.767
             7.668.372
-33,67
Indonesia
             2.429.765
             4.502.677
-46,04
Brunei
             1.141.422
             1.169.797
-2,43
 
III. DỰ BÁO
Dự báo, giá tôm nói riêng và giá thủy sản nói chung vẫn đang tiếp tục có xu hướng giảm xuống. Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam, mặt bằng giá thủy sản trên toàn cầu đang trong xu thế điều chỉnh giảm xuống do các nguyên nhân như nguồn cung tăng, giả giảm mạnh ở các mặt hàng chủ lực …
Một số chuyên gia còn cho rằng, xu hướng giảm giá thủy sản không chỉ tiếp tục trong những tháng cuối năm nay mà còn kéo dài trong cả năm 2016, thậm chí sang cả năm 2017.
Tại Trung Quốc, trong những tháng tới, nghề nuôi tôm có thể bị ảnh hưởng không nhỏ bởi gió mùa và ElNino, khiến cho sản lượng bị giảm. Còn ở khu vực Trung Mỹ và Nam Mỹ, nhiều nước XK tôm như Honduras, Nicaragua và nhất là Ecuador đang phải đối mặt với dịch bệnh EMS.
Còn theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), do nhu cầu tiêu dùng yếu tại các thị trường tiêu thụ lớn, những biến động vĩ mô ở các thị trường mới nổi và khả năng dư cung ở các nước XK, giá tôm trên thị trường thế giới vẫn có xu hướng giảm trong những năm tới.
Cụ thể, IMF dự báo năm 2016 giá tôm sẽ giảm 4% so năm 2015, năm 2017 giảm 7% và năm 2020 có thể giảm tới 13%.
Ngay chính tại các thị trường tiêu thụ tôm lớn trừ thị trường Mỹ, các nhà NK cũng muốn hạ giá tôm NK xuống, do nhu cầu tiêu thụ suy giảm bởi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế.
Tuy nhiên, những khó khăn về dịch bệnh, thời tiết, cùng với xu hướng giảm nuôi tôm vì giá thấp tại nhiều nước XK chính, cũng có thể sẽ là những yếu tố quan trọng giúp cải thiện phần nào giá tôm trong năm 2016.
  • Nguồn tin: nhanhieuviet.gov.vn
  • Thời gian nhập: 12/01/2016
  • Số lần xem: 866