Thứ tư, 08/05/2024 - 14:41:37

Online: 89
Lượt truy cập: 4700654
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Cung khan hiếm: giá cá tra tiệm cận mức kỷ lục năm 2011-2012 (10/04/2017)

anhtin

Theo chuyên gia Phân tích và Dự báo thị trường VN ước tính tồn kho cá tra đầu kỳ năm 2017(1) ở mức 305.000 tấn - tồn kho khá thấp (giảm tới 50%) so với số tồn kho vào năm 2015 - do tình trạng nguồn cung cá nguyên liệu thiếu hụt trong khi giá cá đã tăng liên tục trong quí 4-2016.

Xu hướng sản lượng nuôi tiếp tục thiếu hụt, tồn kho ở mức thấp, trong khi nhu cầu chế biến của các nhà máy khá ổn định đã đẩy giá cá tra nguyên liệu nội địa liên tục tăng cao, đến thời điểm ngày 22-2-2017 giao dịch ở mức 26.000 đồng/ki lô gam, cách mức giá kỷ lục 27.000-28.000 đồng/ki lô gam thiết lập vào năm 2011-2012 không xa.
Thậm chí thương nhân còn dự kiến, mức giá có thể sẽ còn tăng hơn nữa khi áp lực nguồn cung khan hiếm sẽ còn kéo dài đến khoảng quí 2- 2017, và cả năm 2017 dự kiến nguồn cung có thể sẽ thiếu hụt tới hai phần ba sản lượng so với năm 2016. Trong khi đó, nhu cầu chế biến các đơn hàng đi thị trường Mỹ, đặc biệt là thị trường Trung Quốc vẫn đang gia tăng.
Theo ước tính của AgroMonitor, sản lượng cá tra trong quí 1-2017 chỉ đạt 211.000 tấn, giảm 1,67% so với quí 1-2016. Còn theo Tổng cục Thủy sản, diện tích nuôi cá tra đến ngày 17-2-2017 là khoảng 1.762 héc ta, bằng 91,3% so với 2016; sản lượng thu hoạch là 103.150 tấn, bằng 99,3% so với cùng kỳ.
Như vậy, có thể thấy, nguồn cung cá tra tại hầu hết các tỉnh ĐBSCL tính đến thời điểm ngày 22-2-2017 ở mức không cao. Trong khi đó, với tiến độ thả nuôi vụ mới và lượng cá tra giống thả mới như trên thì dự kiến phải đến khoảng quí 2-2017 mới có lượng cá tương đối đủ để đáp ứng cho các doanh nghiệp chế biến.
Sản lượng cá cung ứng cho các nhà máy chế biến hiện ở mức trung bình (khoảng 4.500 tấn/ngày) dù nhu cầu chế biến có gia tăng. Tại An Giang, hiện các nhà máy chế biến khoảng trên dưới 3.000 tấn/ngày.
Trong khi đó, trên kênh xuất khẩu đang có những kỳ vọng tích cực từ phía một số thị trường nhập khẩu cá tra lớn như Mỹ và Trung Quốc. Có thông tin cho rằng, hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang đàm phán chào giá xuất khẩu tăng đối với các hợp đồng mới xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Trung Quốc...
Hai tháng đầu năm 2017 và trong năm 2016, dù vướng phải rào cản về thuế chống bán phá giá và Chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ nhưng xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng khá tốt.
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 14- 2-2017, Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam lớn nhất với lượng đạt 10.100 tấn, kim ngạch đạt 28,85 triệu đô la Mỹ. Trong năm 2016, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh, đạt 134.560 tấn, thu về 384,85 triệu đô la Mỹ, tăng 23,79% về lượng và 21,4% về kim ngạch so với năm 2015.
Về thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thủy, hải sản đã khởi sắc hơn sau rằm tháng Giêng năm Đinh Dậu, do nhu cầu của khách hàng Trung Quốc tăng đáng kể và các lực lượng xuất khẩu của Việt Nam hiện đáp ứng tốt. Ngoài những mặt hàng thủy, hải sản xuất khẩu truyền thống, từ năm 2017, thị trường Trung Quốc, theo dự báo, sẽ thu hút rất mạnh các sản phẩm cá da trơn của Việt Nam, bao gồm cá tra, cá ba sa. Tới đây, Trung Quốc sẽ là thị trường nhập khẩu cá da trơn lớn nhất của Việt Nam dưới dạng sản phẩm phi lê và cắt khúc cấp đông, đông lạnh tươi.
Trong năm 2016, thị trường Trung Quốc lần đầu tiên vượt thị trường Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam với lượng đạt 153.130 tấn, trị giá 263,94 triệu đô la Mỹ, tăng mạnh 134,02% về lượng và 109,19% về trị giá so với năm 2015. Đặc biệt trong tháng 12-2016, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đã xác lập mức kỷ lục xuất khẩu mới - đạt 18.780 tấn.
Còn theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 14-2-2017, ước tính trong quí 1-2017 sản lượng cá tra xuất sang thị trường Trung Quốc (cả chính ngạch và biên mậu) đạt 30.000 tấn.
Tuy nhiên, tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam đi các thị trường trong quí 1-2017 ước tính vẫn suy giảm 7,37% so với quí 1-2016, một phần do sụt giảm đơn hàng xuất khẩu sang thị trường EU trong năm 2016 và tiếp tục tại hai tháng đầu năm 2017(2). Cùng với đó, việc một số siêu thị, như Carrefour, tại một số nước khu vực châu Âu từ chối bán cá tra trong hệ thống của họ cũng đã phần nào gây tác động suy giảm xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang khu vực này. Một nguyên nhân quan trọng khác của việc tổng xuất khẩu suy giảm là do nguồn cung cá nguyên liệu ở mức thấp nên đã kéo các đơn hàng giao quí 1-2017 suy giảm.
Như vậy, dựa vào con số về tình hình cung cầu cá tra, AgroMonitor ước tính lượng tồn kho cá tra tính đến cuối tháng 3-2017 sẽ còn khoảng 224.000 tấn. Sang đến quí 2-2017, khi nguồn cung cá nguyên liệu có những chuyển biến tốt hơn thì có thể giảm bớt áp lực lên thị trường.
 (1) Chi tiết có tại bảng cân đối cung cầu năm 2016-2017 tại Báo cáo thường niên thị trường cá tra 2016 và triển vọng 2017 - AgroMonitor đã phát hành.
 (2) Hai tháng đầu năm 2017 và năm 2016 tiếp tục chứng kiến sự suy giảm trên thị trường EU. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá tra của Việt Nam vào khu vực EU tính đến 14-2-2017 chỉ đạt 16.200 tấn, kim ngạch đạt 35,06 triệu đô la Mỹ, giảm lần lượt 7,91% và 9,32% so với cùng kỳ 2016. Còn trong năm 2016, lượng xuất khẩu đạt 116.470 tấn, kim ngach đạt 256,21 triệu đô la Mỹ, giảm 3,83% về lượng và 11,17% về kim ngạch so với năm 2015.
  • Nguồn tin: TBKTSG Online
  • Thời gian nhập: 10/04/2017
  • Số lần xem: 765