Chủ nhật, 05/05/2024 - 12:55:30

Online: 67
Lượt truy cập: 4695638
Sản phẩm: 186
Chào hàng: 92
Thành viên: 100
Thành viên mới: BTS

TIN TỨC >>Doanh nghiệp >> Thông tin ngành hàng

Thị trường hàng hóa trong nước tuần qua (30/11/2017)

Cá tra tăng giá, người nuôi hết hàng

Giá cá tra nguyên liệu và con giống đang ở mức rất cao trong nhiều năm trở lại đây do nguồn cung khan hiếm.

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu cá tra tăng trưởng tốt nên giá cá nguyên liệu liên tục tăng, hiện đang ở mức 28.500 - 30.000 đồng/kg tùy loại và tùy theo phương thức thanh toán (trả nhanh hay chậm), cao hơn cùng kỳ năm ngoái từ 5.000 - 6.500 đồng/kg. Các nhà chế biến cá tra xuất khẩu cho biết, sự tăng trưởng của ngành cá tra chủ yếu đến từ thị trường Trung Quốc. Nước này hiện nay cũng vượt Mỹ và EU trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm trên 22% thị phần, Mỹ xếp thứ 2 với hơn 19%. Bên cạnh Trung Quốc, Brazil cũng có sự tăng trưởng đáng kể, trong 9 tháng đầu 2017 tăng 103% so với cùng kỳ 2016 và chiếm tỷ lệ 6%. Ngoài ra, vào thời điểm hiện tại, các thị trường nhập khẩu đang chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho những dịp lễ, tết sắp đến (Noel và Tết dương lịch, Tết Nguyên đán). Chính vì vậy, việc xuất khẩu cá tra của Việt Nam thời gian gần đây gặp nhiều thuận lợi.
Theo Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, diện tích nuôi cá tra của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đạt 5.410 ha, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, sản lượng thu hoạch từ đầu năm đến hết tháng 10.2017 tăng hơn 11%, đạt 1,1 triệu tấn. Tình hình xuất khẩu thuận lợi kéo giá cá tra giống tăng cao. Loại 20 con/kg lên đến 40.000 - 60.000 đồng, tăng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước; loại 30 - 35 con/kg giá khoảng 40.000 - 45.000 đồng. Với mức giá này, người nhân giống cá có thể lãi đến 10 triệu đồng/tấn.
Tuy giá đang tăng cao nhưng người nuôi không mấy phấn khởi vì phần lớn cá đã bán khi giá đạt mức 24.000 - 25.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Hữu Nguyên, nông dân ở Châu Đốc (An Giang), cho biết: Giá cá tra hiện tại chỉ doanh nghiệp có lãi vì họ mới còn cá để bán. Bà con không dám neo lại vì không biết giá cả lên xuống thế nào, sợ rủi ro. Hiện nhiều hộ dân cũng không thể tái thả nuôi vì con giống khan hiếm và giá cao. Mặt khác, vì thời điểm này đang là trái vụ nên nhân giống không hiệu quả.
Giá trái cây có múi tại đồng bằng sông Cửu Long liên tục giảm
Thời gian gần đây tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các loại trái cây có múi như cam xoàn, cam sành, cam dây, quýt đường… liên tục giảm giá.
Theo Nguyễn Thành Đông, ở Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, từ giữa tháng 9, giá càm sành giảm mạnh chỉ còn 4.000-6.000 đồng/kg, giảm từ 10.000-12.000 đồng/kg (so với thời điểm đầu vụ, có giá từ 14.000-16.000 đồng/kg). Ông Đông lo lắng giá cam giảm nhưng không có thương lái đến mua, hiện tại vườn ông có hơn 1ha đến thời điểm thu hoạch nhưng chưa tìm được thương lái. Theo ước tính với giá thị trường thấp như hiện nay, vụ cam này gia đình ông thất thu từ 100-120 triệu đồng so với mọi năm.
Cụ thể, cam sành loại I được thương lái mua tại vườn hiện giá chỉ từ 4.000-6.000 đồng/kg; các loại còn lại dao động từ 3.000 - 4.000 đồng/kg; giảm hơn 14.000 đồng/kg so với 4 tháng trước và giảm hơn 20.000 đồng/kg so với thời điểm này năm ngoái (có giá từ 22.000-27.000 đồng/kg).
Theo nhận định của một số thương lái, nguyên nhân cam sành rớt giá là do những năm gần đây, nông dân ở các tỉnh liên tục mở rộng diện tích, thêm vào đó cam sành chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa nên cung vượt cầu.
Tại ĐBSCL, cam sành trồng chủ yếu tập trung ở các tỉnh như Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp. Theo ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh liên tục khuyến cáo nông dân không nên phá bỏ các diện tích trồng lúa chuyển sang trồng cam sành sai quy hoạch, nhưng những năm gần đây, mỗi năm nhà vườn trong tỉnh trồng mới hơn 300ha cam sành.
Không riêng cam sành, cam xoàn và cam dây cũng rớt giá. Chị Nguyễn Thị Bích - xã Long Phú, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long - cho biết, hiện thương lái thu mua cam dây chỉ còn 11.000 đồng/kg (giảm từ 9.000 - 12.000 đồng/kg so thời điểm đầu năm 2017), cam xoàn khá hơn một chút nhưng cũng chỉ khoảng 22.000 đồng/kg (hồi đầu năm có giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg).
Ngoài ra, giá quýt đường cũng liên tục giảm giá, theo ông Lâm Văn Trung, người dân trồng quýt đường ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, thương lái đến mua tại vườn giá chỉ còn 10.000 đồng/kg, (giảm từ 10.000-15.000đồng/kg) trước đó vào tháng 7 có giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg.
Ông Lưu Văn Tín - Chủ nhiệm Hợp tác xã quýt hồng Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho rằng: Nguyên nhân giảm giá là do diện tích cây có múi, nhất là quýt đường và cam, được các nơi mở rộng quá nhiều, khiến cung vượt cầu dẫn đến giá giảm. Bởi sản lượng được thu hoạch liên tục, trong khi thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng nhiều, chủ yếu là tiêu thụ nội địa.
Hiện giá sầu riêng trái vụ tại Bến Tre được các thương lái đến tận vườn thu mua với giá từ 75.000 – 90.000 đồng/kg. Do thời tiết bất lợi nên năng suất trái trái vụ giảm phần nào làm cho giá loại trái cây này tăng cao trên thị trường. Hiện sầu riêng tại thị trường trong nước dao động ở mức giá 130.000 - 160.000 đồng/kg, cao hơn sầu riêng nhập khẩu từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.
Anh Trần Văn Út, xã Vĩnh Bình, huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết: Anh đang thu hoạch diện tích sầu riêng hạt lép. Do thời tiết mưa nhiều trong thời gian xử lý ra hoa nên năng suất và chất lượng giảm so với năm trước, trung bình năng suất hơn 2 tấn/1.000 m². Trong đó, có hơn 1/3 số trái bạt được giá 90.000 đồng/kg, số còn lại bán được giá 70.000 đồng/kg. Theo anh Út, tuy năng suất, chất lượng trái không cao nhưng bù lại giá cao nên cũng cho lợi nhuận hơn 200 triệu đồng. Trong khi đó, rất nhiều vườn sầu riêng khác tại huyện Chợ Lách đã xử lý nghịch vụ bị thất bại, nên năng suất giảm.
Theo các thương lái thu mua sầu riêng, thị trường sầu riêng đầu vụ năm nay giá cao hơn so với năm trước từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, chủ yếu cung cấp cho thị trường Trung Quốc.
Chị Nguyễn Thị Thu, thương lái thu mua sầu riêng tại huyện Chợ Lách nhận định: Với năng suất trái sầu riêng năm nay giảm có thể giá sẽ tăng cao trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hiện Trung Quốc tìm kiếm nguồn hàng cũng làm cho giá tăng cao. Mặc khác, người tiêu dùng ưa chuộng sầu riêng nội địa hơn là sầu riêng nhập khẩu từ Thái Lan vì vậy thị trường trong nước tiêu thụ sầu riêng mạnh hơn.
Tiến sỹ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát tiển Nông thôn  huyện Chợ Lách cho biết: cách đây khoảng 4 - 5 tháng, lúc nhà vườn xử lý cho trái nghịch vụ thì bị mưa dầm, gió giật nên bông sầu riêng bị rụng nhiều, tỷ lệ đậu trái khá thấp. Các vườn không thoát nước tốt bị ngập, cây sẽ bị đâm chồi, việc xử lý nghịch vụ thất bại. Ngoài ra, việc thất mùa còn do ảnh hưởng kéo dài của đợt thiên tai xâm nhập mặn vào mùa khô năm 2016 khiến cây đến nay vẫn chưa phục hồi thể trạng tốt, vì vậy ảnh hưởng khả năng đậu trái.
Hiện nay, tại 2 huyện Chợ Lách và Châu Thành (Bến Tre) có hơn 700 ha sầu riêng xử lý trái nghịch vụ (chiếm khoảng 40% tổng diện tích) sẽ cho trái rải đều đến đầu tháng 2 năm sau mới kết thúc.
  • Nguồn tin: Bộ Công Thương
  • Thời gian nhập: 30/11/2017
  • Số lần xem: 732