1
Bạn cần hỗ trợ?

Tổng quan thị trương Ớt thế giới tháng 9 năm 2020

 

Ớt là một loại quả được sử dụng làm gia vị phổ biến trong bữa ăn hàng ngày ở hầu khắp các nước trên thế giới, là một trong những loại rau/gia vị mang lại sự giao thoa văn hóa nhiều nhất trên thế giới.

 

Vị cay của ớt kích thích người ăn, làm cho món ăn trở nên tròn vị hơn. Ngoài ra, ớt còn có nhiều tác dụng trong việc phòng và trị các bệnh như ung thư, huyết áp, mỡ máu..., do đó được sử dụng trong các lĩnh vực dược phẩm, mỹ phẩm…

Ớt được sử dụng dưới dạng quả tươi, quả khô, quả hun khói, bột ớt, ớt tương ớt, snack...

DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG NĂM 2019-2020

Giá ớt thế giới năm 2019 tăng cao vì nhu cầu mạnh từ các nước nhập khẩu lớn là Thái lan, Trung Quốc, Pakistan và Bangladesh. Ngay tại các nước sản xuất chủ chốt, nhu cầu tiêu thụ cũng tăng lên (Ví dụ: Tiêu thụ các sản phẩm gia vị hoặc món ann có vị cay phổ biến ở Myanmar...). Trong năm qua, khách hàng Thái Lan tiếp tục mua mạnh ớt tươi, trong khi khách hàng Trung Quốc nhập khẩu các loại ớt khô.

Bước sang năm 2020, nhu cầu ớt tiếp tục tăng trên thị trường thế giới do lo ngại về dịch Covid-19. Phòng ngừa việc nhập khẩu sẽ gặp khó khăn, nhiều khách hàng Malaysia tăng cường nhập khẩu ớt Trung Quốc. Tuy nhiên, xu hướng này chỉ diễn ra trong ngắn hạn.

Dịch Covid-19 bùng phát, các nhà hàng, khách sạn... phải đóng cửa. Dịch ban đầu bùng phát mạnh ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc (ngay từ dầu năm 2020). Giá ớt tại đây nhanh chóng giảm từ 0,77 – 0,86 USD/kg xuống chỉ 0,3 – 0,34 USD/kg. Mức giá này càng thấp xa so với khoảng 1,08 – 1,29 USD của các năm trước.

Với vị thế là nước nhập khẩu ớt lớn, việc Trung Quốc tiêu thụ chậm lại ảnh hưởng không nhỏ đến ngành ớt của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Chưa dừng lại ở đó, một số thị trường cũng thắt chặt việc nhập khẩu ớt, ra những quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn chất lượng, độ an toàn....

Tháng 3/2020, ớt Mexico vụ mới có mặt trên thị trường khiến cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu càng thêm khốc liệt. Các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Mexico đều nỗ lực xuất khẩu ớt, trong khi Covid-19 khiến cho nhu cầu từ hầu khắp các thị trường, từ Hàn Quốc tới Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Trug Đông... đều sụt giảm. Đáng chú ý, nhập khẩu ớt vào Thái Lan giai đoạn này giảm mạnh.

Thị trường ớt thế giới cho đến thời điểm này vẫn chưa hồi phục như trước khi khủng hoảng, giá vẫn duy trì ở mức thấp.

Tại Việt Nam, giá ớt năm nay giảm thấp. Nếu như năm 2019, giá ớt đầu vụ 50.000- 100.000 đồng/kg, cuối vụ khoảng 30- 50.000 đồng/kg, thì năm 2020, ngay từ đầu vụ, giá ớt loại 1 (ớt xuất khẩu) mới được 18.000 đồng đến 25.000 đồng/kg; loại 2 (tiêu thụ nội địa) từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Ở mức này, nông dân không có lãi.

CUNG – CẦU ỚT THẾ GIỚI

Ớt đã được loài người dùng làm thức ăn từ năm 7.500 trước Công nguyên. Các nghiên cứu cho thấy, ớt là một trong những loại cây được thuần hóa đầu tiên ở Châu Mỹ, cụ thể là bởi người Mexico cổ đại. Đó là lý do khiến Peru – một quốc gia Châu Mỹ - có mức độ trồng ớt đa dạng hàng đầu thế giới. Người Bồ Đào Nha và Ảrập sau đó đã mang ớt tới Châu Á. Đến nay, Châu Á là thị trường ớt quan trọng, là một phần không thể tách rời của ẩm thực châu Á.

1. Những thông tin đáng chú ý về thị trường ớt thế giới

Sản lượng ớt thế giới hiện khoảng 60 triệu tấn, bao gồm cả ớt cay, ớt chuông và ớt xanh.Châu Á hiện là khu vực sản xuất ớt lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 80% sản lượng toàn cầu. Thương mại ớt toàn cầu trị giá khoảng 35 tỷ USD mỗi năm, không kém cà phê hoặc trà.

1.1.          Ớt tươi

Trung Quốc là quốc gia đi đầu trong cả sản xuất và thương mại ớt tươi. Diện tích trồng ớt của Trung Quốc là hơn 1,3 triệu ha, chiếm 35% tổng diện tích trồng của thế giới và tổng sản lượng ớt hàng năm của Trung Quốc đã vượt qua 28 triệu tấn, chiếm 46% sản lượng ớt toàn cầu.

Sản lượng ớt ở Trung Quốc tập trung chủ yếu ở các tỉnh Quý Châu, Hồ Nam, Giang Tây, Tứ Xuyên, Tân Cương, Thiểm Tây, Hà Bắc, Hà Nam và Cát Lâm. Trong số các tỉnh này, Quý Châu từ lâu đã dẫn đầu về khối lượng và giá trị sản xuất, cũng như tổng doanh số bán hàng. Diện tích ớt của Quý Châu khoảng 330.000 ha, sản lượng khoảng 5,15 triệu tấn, trị giá hơn 2,2 tỷ USD. Vì lý do này, thủ phủ Zunyi của tỉnh Quý Châu còn được gọi là 'Thủ đô ớt của Trung Quốc.'

1.2.          Ớt khô

Sản lượng ớt khô toàn cầu là 5,1 triệu tấn trong năm 2018, sau đó tiếp tục tăng khoảng 5,4% mỗi năm, và dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong 5 năm tới.

Ấn Độ là nhà sản xuất ớt khô lớn nhất thế giới với khoảng 2 triệu tấn, chiếm hơn 35% thị trường ớt khô toàn cầu; tiếp đến là Thái Lan, Ethiopia, Trung Quốc và Pakistan.

Ấn Độ là nhà sản xuất cũng như xuất khẩu ớt khô lớn nhất thế giới. Xuất khẩu ớt khô của Ấn Độ chiếm trên 70% tổng xuất khẩu ớt khô toàn cầu, trong đó những thị trường tiêu thụ chính là Ấn Độ là Việt Nam, Thái Lan, Sri Lanka và Indonesia.

Các thị trường nhập khẩu ớt khô chủ chốt là Việt Nam, Thái Lan, Sri Lanka, Mỹ và Tây Ban Nha, chiếm tổng cộng khoảng 65% tổng kim ngạch nhập khẩu ớt khô toàn cầu.

Châu Âu là thị trường nhập khẩu ớt khô lớn thứ 2 thế giới, sau Châu Á, chiếm khoảng 40% tổng nhập khẩu ớt khô toàn cầu, và nhu cầu ớt khô ở khu vực này vẫn đang có xu hướng tăng với tốc độ khoảng 5-6% mỗi năm.

Châu Âu chỉ sản xuất khoảng 100.000 tấn ớt khô mỗi năm, chiếm khoảng 3% thị phần toàn cầu. Trong khi đó, nhập khẩu chiếm tới 20% tổng nhập khẩu của toàn cầu, và xuất khẩu chỉ chiếm khoảng 2%.

Hiện mỗi năm Châu Âu nhập khẩu khoảng 150.000 tấn ớt, trị giá khoảng 300 triệu euro.

Tây Ban Nha là một trong những quốc Châu Âu gia nhập khẩu ớt khô lớn nhất từ ​​bên ngoài khối, tiếp theo là Đức, Anh và Hà Lan. Ba quốc gia này chiếm lần lượt khoảng 22%, 20% và 10% tổng nhập khẩu ớt khô của Châu Âu. Các thị trường khác trong khu vực cũng nhập khẩu khối lượng đáng kể là Pháp, Ba Lan…

Châu Âu ưa chuộng ớt khô có độ cay vừa phải (vì người Châu Âu không ăn quá cay). Ngoài ra, chất lượng ớt phải ổn định và cao hơn so với các thị trường Châu Á. Các sản phẩm ớt khô mà Châu Âu nhập khẩu là ớt khô xay (65%) và ớt khô nguyên hạt (35%).

1.3. Ớt cay

Trung Quốc đứng đầu danh sách sản xuất ớt cay với khoảng 18 triệu tấn và chiếm gần 50% sản lượng toàn cầu. Đứng vị trí thứ 2 là Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ, với khoảng 1/5 sản lượng của Trung Quốc). Tiếp đến là các nước Indonesia, Ấn Độ…. Điều đó cho thấy vị trí ‘thống trị’ của Châu Á trên thị trường ớt toàn cầu.

Các vị trí tiếp theo là Tây Ban Nha và Mỹ. Trường hợp của Tây Ban Nha rất đáng lưu ý, bởi ẩm thực của nước này thiên về các món có vị cay.

Cung – cầu ớt cay thế giới*

STT

Thị trường

Sản lượng

Trị giá xuất khẩu

Khối lượng (triệu tấn)

Thị phần

USD

Thị phần

1.      

Trung Quốc

17,47 triệu

46,2%

97,06 triệu

1,7%

2.      

Mexico

2,08 triệu

7,3%

1,33 tỷ

22,7%

3.      

Thổ Nhĩ Kỳ

2,47 triệu

6,4%

134,16 triệu

2,3%

4.      

Indonesia

1,96 triệu

5,1%

486,87 triệu

0,0%

5.      

Ấn Độ

1,46 triệu

3,8%

53,19 triệu

0,9%

6.      

Tây Ban Nha

1,09 triệu

2,8%

1,31 tỷ

22,5%

7.      

Mỹ

921,52 nghìn

2,4%

246,72 triệu

4,2%

8.      

Nigeria

813,16 nghìn

2,1%

5,47 nghìn

0,0%

9.      

Ai Cập

692,33 nghìn

1,8%

6,76 triệu

0,1%

10.  

Algeria

609,62 nghìn

1,6%

5,80 nghìn

0,0%

11.  

Tunisia

456,80 nghìn

1,2%

1,92 triệu

0,0%

12.  

Thái Lan

397,74 nghìn

1,0%

34,38 triệu

0,6%

13.  

Ethiopia

391,6 nghìn

1,0%

35,44 nghìn

0,0%

14.  

Hà Lan

365 nghìn

1,0%

1,09 tỷ

18,7%

15.  

Italy

271,26 nghìn

0,7%

30,7 triệu

0,5%

* Số liệu cập nhật đến năm 2018

Nguồn: worldatlas, tridge

Top những loại ớt cay nhất thế giới

1. Carolina Reaper (Mỹ), được sách kỷ lục Guinness ghi nhận là loại ớt cay nhất thế giới, gấp khoảng 200 lần so với ớt Jalapeno, có thể gây co giật cho người ăn nếu không có sức khỏe tốt. 

2. Trinidad Moruga Scorpion (Trinidad và Tobago), có độ cay không đến ngay sau khi ăn mà đến từ từ, vì ngoài độ cay có cả vị ngọt. Ớt này ăn có thể gây nấc, đổ mồ hôi và tê liệt.

 

3. Naga Viper (Anh), là một giống ớt lai được kết hợp từ 3 loại ớt cay nhất thế giới là Naga Morich, Bhut Jolokia và Trinidad Moruga Scorpion; được ghi nhận là cay nhất thế giới vào năm 2011.

 4. Bhut Jolokia (Ấn Độ), thường được gọi là ớt ma, được trồng ở các bang Assam, Nagaland và Manipur. Với độ cay khủng khiếp, quân đội Ấn Độ đã phát triển bột ớt thành vũ khí sinh học, độ nồng nặc có thể bóp nghẹt kẻ thù.

 5. 7 Pot Jonah (Trinidad) (tên ớt có nghĩa là chỉ một quả cũng có thể làm cho 7 nồi hầm trở nên cay nồng) có nguồn gốc từ vùng Chaguanas của Trinidad, có nhiều màu khác nhau từ trắng, vàng đến đỏ và nâu, mức nhiệt cao hơn trong các màu tối hơn. 

6. Chocolate Habanero (Mỹ) có dạng hình cầu, dài 5 cm màu nâu chocolate, còn được gọi là Habanero đen tối, do màu sắc của chúng. Về mặt ẩm thực, đây là loại ớt tiêu hấp dẫn có mùi khói độc đáo được chế biến trong nhiều món đặc sản của Mexico và Jamaica.

 7. Red Savina Habanero (Mỹ), có độ cay gấp 50 lần so với Jalapeno và từng giữ kỷ lục Guinness cay nhất thế giới vào năm 2007.

8. Scotch Bonnet (Caribbean), còn được gọi là ớt đỏ Caribbean, ban đầu khi nếm bạn sẽ thấy vị ngọt ngào, trước khi cay nồng ập đến.

 9. Piri Piri (châu Phi), còn được gọi là "mắt chim châu Phi", thường được sử dụng để chế biến tương ớt Piri Piri phổ biến ở các quốc gia châu Phi.

 10. Jalapeno (Mexico), là loại ớt rất phổ biến ở Mexico cũng như trên thế giới, thường được sử dụng làm tương ớt, nước sốt và nước chấm cay. Ớt Jalapeno thường được dùng nhất khi có màu xanh đậm, không phải lúc đã chín hoàn toàn và có màu đỏ.

Ớt trong ẩm thực Châu Á

Vị cay là một phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của người dân đa số các nước Châu Á. Những nước nổi tiếng với ăn cay là Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Buhtan, Hàn Quốc…

Ở Trung Quốc, các vùng Hà Nam và Tứ Xuyên sử dụng rất nhiều ớt, gừng và tiêu. Trong món ăn của người Trung Quốc, ớt tươi để làm đẹp, khi nấu ăn, ớt được sơ chế và cho vào nấu chung; trên bàn ăn cũng ít khi thiếu lọ ớt sa tế.

Người Ấn ưa chuộng bột ớt đỏ hoà quyện với hạt thì là, mù tạc, hạt mùi và bột nghệ trong bột cà ri. Khi chế biến các món ăn liên quan đến cà ri, người Ấn bao giờ cũng phải cho thêm vào rất nhiều loại ớt khác nữa trong số hàng ngàn giống ớt ở xứ này.

Món ăn Thái Lan có vị cay xen lẫn vị chua. Có khi trong cùng một món, đầu bếp sử dụng đến ba bốn loại ớt khác nhau như ớt khô, ớt bột, ớt tươi, tương ớt hay sa tế. Tuy nhiên, vị cay ưa dùng nhất vẫn là ớt bột và ớt trái tươi.

Ẩm thực Malaysia có nét giao hòa giữa món Hoa và Ấn, nên gia vị cay ngoài ớt tươi còn phổ biến cả sa tế và cà ri, mà điển hình là trong món cơm chiên nasi goreng: ớt được bằm nhuyễn, trộn vào cơm cũng như dân ta cho đậu vào nấu xôi vậy.

Người Hàn Quốc chuộng dùng tương ớt như một thứ gia vị cho món ăn thêm hấp dẫn. Một món ăn đặc trưng trong ẩm thực Hàn Quốc là kim chi - rau cải ngâm muối đỏ sắc ớt - được biến tấu thành hàng trăm loại khác nhau, dùng phổ biến trong các bữa ăn.

Tại Bhutan, hoa trái tráng miệng cũng được bổ sung một chút nước ớt.

Ở Việt Nam, trái ớt xuất hiện trong rất nhiều món ăn. Người Việt thích dùng ớt tươi. Các giống ớt có ở Việt Nam bao gồm: ớt hiểm, ớt xiêm, ớt nải chuối, ớt sừng trâu, ớt giấy, ớt bi, ớt Đà Lạt, ớt chỉ thiên, ớt kiểng, ớt bơ... Ớt chế biến cũng được người Việt Nam sử dụng phổ biến dưới các dạng: Tương ớt, măng ớt, ớt muối, ớt xào, ớt bột, ớt ngâm, ớt chưng

1.4. Ớt chuông

Trên thị trường thế giới, nguồn cung ớt chuông ở Tây Ban Nha và Trung Quốc vài năm gần đây dư thừa. Sản lượng vụ vừa qua của Nam Phi, Mexico và Italy cũng đạt mức cao. Đó là lý do khiến giá ớt chuông giảm từ năm 2019.

1.5. Ớt pimenta[1]

Thị trường ớt pimenta toàn cầu năm 2019 đạt trị giá 10,9 tỷ USD, tăng 4,2% so với năm trước. (Trị giá này bao gồm doanh thu của người sản xuất và nhà nhập khẩu, không bao gồm phí hậu cần, phí tiếp thị, lợi nhuận của người bán lẻ…)

Như vậy, thị trường ớt pimenta đã tăng trưởng liên tiếp kể từ 2007 đến 2019, với tốc độ tăng bình quân 2,8% mỗi năm trong 12 năm qua. Năm 2019, thị trường tăng tổng cộng 64,8% so với năm 2007, và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Sản xuất.

Sản lượng ớt pimenta trên toàn cầu năm 2019 đạt khoảng 4,3 triệu tấn, tăng 3,3% so với năm trước. Tổng sản lượng từ năm 2007 đến 2019 tăng bình quân 3,3% mỗi năm. Trong đó, tốc độ tăng nhanh  nhất rơi vào năm 2017, khi sản lượng tăng 13% so với năm trước, đạt cao điểm 4,5 triệu tấn vào năm đó. Từ 2018 đến 2019, sản xuất giảm đi, mặc dù xu hướng chung vẫn cho thấy sự tăng nhẹ nhờ diện tích trồng tăng.

Diện tích thu hoạch ớt pimenta trên toàn cầu năm 2019 là khoảng 1,8 triệu ha, không thay đổi so với năm trước. Diện tích chung so với năm 2007 cũng không có sự thay đổi nhiều. Mức tăng có được tập trung vào năm 2016, khi diện tích thu hoạch tăng 6,5% so với năm trước đó và đạt đỉnh cao 1,8 triệu ha, duy trì từ đó tới nay.

Năng suất ớt pimenta trung bình trên toàn cầu năm 2019 tăng nhẹ lên 2,4 tấn/ha; cao hơn 2,3% so với năm trước. Tính từ 2007 đến 2019, năng suất tăng bình quân 2,3% mỗi năm.

Tính theo quốc gia, Ấn Độ có sản lượng ớt pimenta lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 43% tổng sản lượng toàn cầu và vượt xa nước đứng thứ 2 là Trung Quốc (329.000 tấn), gấp 6t lần Ethiopia (321 nghìn tấn) – nước đứng thứ ba về tổng sản lượng với 7,4% thị phần.

Sản lượng ớt pimenta của Ấn Độ tăng bình quân 3,1% mỗi năm từ 2007 đến 2019. Các nước sản xuất khác có sản lượng tăng trung bình trong giai đoạn đó như sau: Trung Quốc (+ 2,3%/năm) và Ethiopia (+ 9,2%/năm).

Tiêu thụ.  Với 1,4 triệu tấn, Ấn Độ là nước tiêu thụ ớt pimenta lớn nhất thế giới, xấp xỉ 33% tổng khối lượng ớt loại này tiêu thụ trên toàn cầu và vượt xa nước tiêu thụ thứ 2 là Thái Lan – nước tiêu thụ 326.000 tấn. Nước tiêu thụ lớn thứ 3 là Ethiopia với 321.000 tấn và chiếm 7,6% thị phần.

Tiêu thụ ớt pimenta ở Ấn Độ twang trung bình 2,3% mỗi năm từ 2007 đến 2019; trong khi đó mức tăng trung bình ở Thái Lan là 4,7%/năm và Ethiopia + là 9,2%/năm.

Về trị giá,  thị trường Ấn Độ cũng đững thứ nhất với 2,5 tỷ USD, tiếp đến là Ethiopia (1,8 tỷ USD) và  Bờ Biển Ngà (706 triệu USD) trong năm 2019. Những nước này chiếm tổng cộng 46% tổng trị giá ớt pimenta tiêu thụ trên toàn cầu.

Những nước có mức tiêu thụ ớt pimenta bình quân đầu người cao nhất trong năm 2019 là: Bờ Biển Ngà (4,86 kg/người), Thái Lan (4,67 kg/người) và Ghana (3,95 kg/người).

Nhập khẩu. Nhập khẩu ớt pimenta trên toàn cầu năm 2019 đạt 819.000 tấn, tăng 2,7% so với năm trước đó. Tính từ 2007 đến 2019, mức nhập khẩu tăng trung bình 4,4% mỗi năm, mặc dù mức tăng chậm lại trong 2 năm gần đây.

Về trị giá, nhập khẩu ớt pimenta năm 2019 tăng đáng kể, lên 1,9 tỷ USD. Trị giá nhập khẩu từ 2007 đến 2019 tăng trung bình 4,4% mỗi năm.

Về thị trường nhập khẩu, Mỹ đứng thứ nhất trong năm 2019 với 148.0000 tấn, tiếp đến là Việt Nam (112.000 tấn), Thái Lan (85.000 tấn), Tây Ban Nha (57.000 tấn), Sri Lanka (54.000 tấn), Indonesia (43.000 tấn) và Malaysia (40.000 tấn), chiếm tổng cộng khoảng 66% tổng nhập khẩu ớt pimenta toàn cầu năm 2019. Các nhà nhập khẩu lớn tiếp theo là: Mexico (26.000 tấn), Đức (24.000 tấn), Nhật Bản (14.000 tấn) và Anh (14.000 tấn) - chiếm tổng cộng 9,4% nhập khẩu ớt pimenta trên toàn cầu.

Từ năm 2007 đến năm 2019, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu cao nhất là Việt Nam (+ 73,7%), trong khi nhập khẩu của các thị trường lớn khác có tốc độ thấp hơn.

Về trị giá, nhập khẩu ớt pimenta vào Mỹ cũng đứng đầu với (354 triệu USD), tiếp đến là Việt Nam (250 triệu USD) và Thái Lan (195 triệu USD), với tổng cộng 42% thị phần nhập khẩu toàn cầu tính theo giá trị.

Về giá nhập khẩu, trong năm 2019, giá nhập khẩu ớt pimenta trung bình trên toàn cầu là 2.322 USD/tấn, tăng 4,9% so với năm trước. Trong giai đoạn từ 2007 đến 2019, giá nhập khẩu tăng trung bình 1/7% mỗi năm, trong đó rieng năm 2011 tăng 25% so với năm trước đó, đạt 2.534 USD/tấn, cao nhất từ trước tới nay. Giá nhập khẩu trung bình từ 2012 đến 2019 thấp hơn mức đó.

Giá nhập khẩu thay đổi đáng kể theo từng thị trường, trong đó cao nhất là Nhật Bản (4.316 USD/tấn), và thấp nhất là Sri Lanka (1.273 USD/tấn).

Từ năm 2007 đến năm 2019, tốc độ tăng giá nhập khẩu đáng chú ý nhất là Thái Lan, còn các thị trường khác tăng vừa phải.

Dự báo. Do nhu cầu tiếp tục tăng, dự báo thị trường ớt pimenta toàn cầu sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thập kỷ tới. Xu hướng sản xuất, tiêu thụ, nhập khẩu… dự báo sẽ vẫn giữ ở mức hiện tại, với tốc độ tăng sản lượng trong giai đoạn từ 2019 đến 2030 dự báo là 2,7%/năm, đạt 5,7 triệu tấn vào năm 2030.

2.        Điểm một số thị trường ớt đáng chú ý

2.1.          Trung Quốc

Ớt Trung Quốc sản xuất có đặc trưng là màu đỏ đẹp, độ cay vừa phải. Trung Quốc là nước xuất khẩu ớt lớn nhất thế giới trong nhiều năm liền, sang các thị trường: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mexico, Australia, Mỹ và các nước Đông Nam Á; các sản phẩm xuất khẩu chính là ớt tươi đông lạnh, ớt khô, ớt bột, tương ớt, ớt đóng hộp, và một số sản phẩm khác.

Mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 70.000 tấn ớt bột và ớt khô, sang các thị trường như: Tây Ban Nha, Mexico, Mỹ và các nước trong khu vực Đông Nam Á….

Năm 2019, cả 3 khu vực sản xuất ớt lớn nhất của Trung Quốc đều bội thu, tăng trung bình khoảng 20%. Tuy nhiên, giá ớt không bị tác động nhiều bởi hoạt động xuất khẩu được duy trì đều đặn và nhiều doanh nghiệp tích trữ ớt để bán trong thời gian tới. Cuối năm 2019, giá ớt bột tại Trung Quốc vào khoảng 1.850 – 1.900 USD/tấn.

Tại Tân Cương, vùng sản xuất ớt lớn của Trung Quốc, diện tích trồng ớt năm 2019 vào khoảng 40 – 53.000 ha, năng suất khoảng 500 – 550 kg/ha. Chất lượng ớt năm qua rất tốt vì thời thiết thuận lợi và ít sâu bệnh.

Năm 2020, sản lượng ớt Trung Quốc đạt mức cao, trong khi tiêu thụ chậm khiến giá giảm.

Trong khi đó, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến ngành ớt Trung Quốc năm nay. Tiêu thụ nội địa đầu năm 2020 giảm mạnh do các nhà hàng đóng cửa. Đến giữa năm, xuất khẩu ớt gặp khó khăn do các thị trường chủ chốt top 5 thị trường là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý, Hungary và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tạm dừng không nhập khẩu từ Trung Quốc do đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại quốc tế tiếp diễn. Xuất khẩu ớt khô sang các thị trường chính là Malaysia, Mexico, Thái Lan, Hoa Kỳ, Ethiopia, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Djibouti và Singapore cũng sụt giảm.

Bên cạnh dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại, chất lượng ớt năm nay kém hơn mọi năm do bảo quản ở nhiệt độ cao, không đáp ứng các tiêu chuẩn của một số thị trường cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu ớt Trung Quốc năm nay.

2.2.          Ấn Độ

Ớt của Ấn Độ có đặc điểm là màu đỏ đậm, độ cay cao.

Ấn Độ có khoảng 600.000 – 700.000 hécta đất trồng ớt. Trong vụ 2018/19, sản lượng ớt của nước này giảm khoảng 16% so với năm trước do thời tiết khắc nghiệt, khiến giá ớt cuối năm 2020 tăng lên mcs 215 rupee/kg và xuất khẩu sụt giảm. Sang năm 2019/2020, diện tích trồng ớt tăng trở lại, sản lượng ước tính tăng 20%.

2.3.          Việt Nam

Năm 2020, nhiều địa phương trên cả nước được mùa ớt. Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 khiến xuất khẩu gặp khó khăn, gây giảm giá.

Diện tích gieo trồng ớt của tỉnh Lạng Sơn năm nay cao nhất từ trước đến nay với 1.389 ha, tăng gần 620 ha so với năm 2019 do giá ớt năm ngoái cao.      

Các nguồn tham khảo: tridge, FreshPlaza.com, worldatlas, pjtsau, globaltrademag, mordorintelligence, producereport, sinopaprika…



[1] Ớt Pimenta trái lớn, màu đỏ, hình trái tim dài 3-4 in (7-10 cm) và rộng 2-3 trong (5-7 cm) (trung bình, kéo dài); thịt có vị ngọt, mọng nước và thơm hơn so với ớt chuông.